Xã hội

Bí ẩn ngôi làng dùng “mật ngữ” để giao tiếp ở Thủ đô

10/08/2019, 06:55

Khi dân làng Đa Chất sử dụng “mật ngữ” kiểu tiếng lóng, người ngoài cần “phiên dịch” mới có thể hiểu nổi.

img
Cụ Đoán chỉ tay vào tấm biển Đình làng Đa Chất và cho biết, hai báu vật của làng là cối xay và tiếng lóng

Chỉ cách trung tâm TP Hà Nội 40km, làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn lưu giữ một hệ thống “mật ngữ” độc đáo, kỳ lạ.

“Mật ngữ” theo chân người thợ cối tha hương

Ngày 6/8, PV Báo Giao thông có mặt trước cổng đình làng Đa Chất, ngôi làng hiền hòa, cổ kính nằm giữa ngã ba sông Lương và sông Nhuệ.

Chiều đầu thu vẫn nắng oi ả, dưới góc đa cổ thụ, có dăm người cả đàn ông và phụ nữ, đều đã luống tuổi ngồi hóng mát. Thấy người lạ, họ đều hồn hậu chào đón. Tiếng một người đàn ông: “Mỗ bao nhiêu rực? Thít mận?” Cạnh đó, người phụ nữ cười nói với sang: “Sảo ngoại choáng”.

Thấy khách ngơ ngác, bà Lê Việt Nam (62 tuổi, người làng Đa Chất) vui vẻ phiên dịch: “Ông này hỏi anh bao nhiêu tuổi, có uống nước không?; còn bà kia khen anh đẹp trai đấy”.

Bà Nam chia sẻ, đây là tiếng lóng của làng này, chỉ có người trong làng mới hiểu được thôi. Rồi bà xởi lởi hướng dẫn thêm, mỗi khi có khách quý đến chơi, chúng tôi muốn mổ gà mời khách ăn thì đều dùng tiếng lóng để bảo nhau đi làm cỗ “thít ủng - ăn cơm”, “đặng thanh hà - là thịt gà”. Nếu gặp người khách là đàn ông đẹp trai thì gọi “sảo ngoại choáng”, còn “nhác ngoại choáng” là người con gái đẹp hoặc “nhác ngoại xí” là người con gái xấu xí”.

Bà Lê Thị Bang (66 tuổi, người làng Đa Chất) cho biết thêm, chẳng biết tiếng lóng có từ bao giờ, nhưng khi sinh ra biết nói, mọi người trong gia đình cứ bảo nhau theo một thói quen và nói tiếng lóng với nhau trong sinh hoạt hàng ngày, thành ra một thứ tiếng lóng chỉ người trong làng biết. “Mà chẳng hiểu sao, ai ở làng này đều thông thạo được ngôn ngữ làng, nhưng cứ ra khỏi làng là quên, các cô gái trong làng đi làm dâu xứ khác cũng chỉ một thời gian là không nói thành thạo được tiếng làng mình nữa”, bà Bang kể.

img
Bà Lê Việt Nam cười hồn hậu kể, khách lạ vào làng Đa Chất luôn cần phiên dịch

Chúng tôi được giới thiệu tới gặp cụ từ Đoán, là người trông nom đình làng Đa Chất. Cụ Nguyễn Ngọc Đoán năm nay 80 tuổi, già móm mém và có phần khắc khổ, nhưng đôi mắt, giọng nói vẫn rất tinh anh. Nói về tiếng lóng, cụ Đoán say sưa và vui vẻ kể, tiếng lóng của làng còn được gọi là “Tỏi Xưỡn” gắn liền với nghề làm cối truyền thống của làng Đa Chất.

Theo cụ Đoán, ngày xưa, nhà nào cũng phải có ít nhất một chiếc cối, nên thợ cối làng Đa Chất tỏa đi khắp các địa phương để làm nghề. Đặc trưng của nghề đóng cối xay thóc là phải đi nhiều nơi, gặp gỡ với nhiều loại người, phải ăn ở nhà chủ vài ngày mới làm xong chiếc cối. Gánh thợ cối lại chỉ có hai người nên họ luôn nằm trong thế yếu, luôn phải nhún nhường trước người bản địa, nói như các cụ là “gặp trẻ lên ba cũng gọi là anh”. Họ cần phải bảo vệ nhau trước cuộc sống lang thang, tha hương cầu thực, nay đây mai đó xa quê hương để mưu sinh.

“Việc đi làm ăn xa trong xã hội trước đây là rất khó khăn, bởi truyền thống, phong tục mỗi nơi mỗi khác. Thợ cối Đa Chất cần phải nhắc nhở nhau trong công việc, trong sinh hoạt nơi đất khách quê người, nhưng để tránh sự lộ liễu, thô tục, va chạm với người bản xứ hoặc muốn mật báo cho nhau biết nguy hiểm, trộm cắp, họ phải dùng tiếng lóng. Đến một nhà giàu họ cho ăn ngon, người thợ cối sẽ nói: “Cái bệt này cốn lắm, cho thít êm quá” (cái nhà này nó giàu lắm, nó cho ăn ngon quá) hoặc nghi ngờ có trộm trên xe họ sẽ nhắc nhở nhau: “Có xảo bờm đấy, ngáo móm” (có trộm cắp đấy, trông lấy cái túi) hay là khi có khách tới nhà họ sẽ nói “xảo sởn chác cho xì nhất đạng” (con đi mua cho bố một con gà, về thịt)…”, cụ từ Đoán kể về nguồn gốc “mật ngữ” của làng.

Theo cụ từ Đoán, trong tiếng lóng của làng Đa Chất, không chỉ có các danh từ chỉ người, chỉ vật, động từ, thán từ mà còn cả những từ ngữ thô tục, chửi bậy, trêu ghẹo, nguyền rủa để giải tỏa cảm xúc con người. “Hồi còn trẻ, tôi với anh em thanh niên trong làng sang làng bên tán gái, khi đó có cả thanh niên làng họ, cô nào xinh thì chúng tôi nói với nhau: “Mày tõi các nhác choáng tớp nó đi - là chị này đẹp mày lấy nó đi”, ngay cả khi tức nhau cũng dùng bằng tiếng lóng “Cây xì mày - là bố mày”, cụ Đoán vui vẻ kể.

Làng nghề mai một, nguy cơ mật ngữ “thất truyền”

img
Cụ Đoán bên chiếc cối xay lúa truyền thống của làng, giờ đã trở thành hiếm hoi

Cụ Nguyễn Văn Sỉu (85 tuổi, người làng Đa Chất) vẫn còn nhớ, ngày trẻ cụ theo bố và các bác trong làng đi khắp các tỉnh đóng cối xay lúa kiếm tiền. Cối của làng Đa Chất có nét riêng, nếu cối khắp nơi làm bằng đá, bằng dăm gỗ với đất, thì cối của làng Đa Chất làm bằng cây tre.

“Vì cối xay Đa Chất làm toàn bằng cây tre nên khi xay lúa sạch, cho hạt gạo trắng, đẹp và càng xay càng sạch. Còn cối xay của các tỉnh làm bằng mùn cưa với đất nên càng xay gạo lại càng vàng, hạt gạo không được trắng vì có đất. Do đó, cối Đa Chất ngày xưa đắt hàng, thợ cối chẳng bao giờ thất nghiệp.

“Giờ máy móc công nghiệp phát triển, thi thoảng mới có người về làng đặt cối xay Đa Chất chỉ để mang về trưng bày, thế nên làng mới nghèo như thế này”, cụ Sỉu buồn nói.

Cụ Đoán cho biết thêm, làng nghề cối mai một, tiếng lóng của làng cũng ít được sử dụng hơn. “Giới trẻ ra ngoài đi học, đi làm thì không nói tiếng lóng của làng nữa, nhưng mỗi khi trở về làng, bọn trẻ vẫn hiểu, vẫn có thể nói với chúng tôi bằng tiếng lóng. Tuy nhiên, khi bọn trẻ làm ăn, học tập bên ngoài, rồi lập gia đình, sinh con thì chắc chắn chúng sẽ không nói tiếng lóng, không dạy con chúng tiếng lóng nữa”, cụ Đoán thở dài và cho biết thêm, tiếng lóng còn có dấu hiệu biến tướng vì: “Lệ làng khi xưa có quy định rõ ràng rằng, tất cả những người sinh ra ở làng Đa Chất đều phải học thứ ngôn ngữ Tỏi Xưỡn này. Tuy nhiên, đến nay, ngôn ngữ ấy chỉ được truyền miệng từ đời này qua đời khác trong làng. Nhiều thanh niên trong làng đôi khi lợi dụng “tiếng lóng” của làng để trêu nhau, nói bậy chửi tục, trêu những người lạ vào làng”.

Ở góc độ địa phương, trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ cố gắng mở các lớp dạy tiếng lóng Tỏi Xưỡn cho các cháu nhỏ trong làng, đồng thời cũng mở Hội thi sáng tác thơ văn bằng tiếng cổ, qua đó giúp lan tỏa việc sử dụng và gìn giữ thứ ngôn ngữ đặc biệt này của làng.
Ông Trịnh Vĩnh Phú, Phó chủ tịch UBND xã Đại Xuyên


Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trịnh Vĩnh Phú, Phó chủ tịch UBND xã Đại Xuyên thông tin, địa bàn xã Đại Xuyên có 7 làng, 1 khu dân cư nhưng duy nhất chỉ có làng Đa Chất mới biết sử dụng tiếng lóng.

“Làng Đa Chất có 320 hộ với 1.500 nhân khẩu thì đa phần là người dân thuần nông, chỉ một số ít thoát ly đi làm ở các nơi. Giờ trong làng hầu như không còn hộ nào duy trì nghề làm cối, mà chỉ trông vào nông nghiệp. Vì vậy, kinh tế của làng Đa Chất còn nhiều khó khăn”, ông Phú chia sẻ.

Vị lãnh đạo xã phụ trách mảng văn hóa này cho biết, ông không phải là người gốc làng Đa Chất nên ông cũng không biết sử dụng tiếng lóng như dân làng, nhưng dân làng nói thì ông vẫn nghe được, hiểu được.

Theo ông Phú, tiếng cổ của làng không có bảng chữ cái và cũng không có quy ước trong việc phát âm hay cấu tạo ngữ pháp. Năm 2006, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã đến làng mời các cụ già trong làng sưu tầm, tập hợp lại các từ trong tiếng cổ để in thành sách và giữ gìn cho các thế hệ sau. Sau đó, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nhận diện, tiếng lóng Đa Chất thuộc vào 1.739 di sản văn hóa cần khôi phục và bảo vệ trước nguy cơ đang bị mai một dần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.