Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp
"Viện kiểm sát đã vu oan để bắt tôi"
Chiều 15/3, phiên xử bà Dương Thị Bạch Diệp (tức đại gia Diệp Bạch Dương, 72 tuổi) và cựu Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài cùng 8 bị cáo khác bước vào phần xét hỏi.
Ngay khi bước vào phần xét hỏi, bà Diệp lớn giọng khẳng định: “Viện kiểm sát (VKS) đã vu oan để bắt tôi. Việc hoán đổi nhà đất số 185 Hai Bà Trưng - trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ (TTCNN) không phải là do tôi quen biết người này người kia, mà do tôi thông qua hàng xóm nên biết ông ông Tảo (Vy Nhật Tảo, Giám đốc TTCNN)".
"Biết ông Tảo và TTCNN đang có nhu cầu xây mới nhưng không có kinh phí, đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư nhưng chưa thành công, tôi đã trực tiếp bàn với ông Tảo về việc hoán đổi nhà đất và tìm bất động sản phù hợp. Sau khi mua được nhà 57 Cao Thắng và làm xong giấy chứng nhận quyền sở hữu, tôi mới làm đơn gửi các cơ quan chức năng về phương án hoán đổi của mình”, bà Diệp khai trước toà.
Chính vì lý do này bà Diệp cho rằng cáo trạng truy tố mình lừa đảo 352 tỷ đồng là sai.
Hồ sơ công chứng thế chấp tại ngân hàng cho khu đất 57 Cao Thắng là giả?
Liên quan đến câu hỏi vì sao khu đất 57 Cao Thắng được bị cáo Diệp đem đi hoán đổi cho TTCNN nhưng lại đang được thế chấp cho ngân hàng, bà Diệp khẳng định chưa bao giờ thế chấp tài sản này. Hợp đồng công chứng thế chấp nhà đất này là giả, trên hệ thống của phòng công chứng không có.
Không thế chấp ngân hàng vậy tại sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong ngân hàng? Trước câu hỏi của HĐXX, bà Diệp lúng túng cho rằng bà đã bị ngân hàng gài vào để lừa. “Tôi đâu thế chấp, chỉ cấp đổi chủ quyền”, bà nói.
Với câu hỏi của HĐXX: "Vậy nếu cấp đổi thì Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM phải trả lại cho chủ sở hữu, tại sao ngân hàng lại có được?, bà Diệp đáp: "Do họ cập nhật thế chấp sai nên tôi mới đưa cho họ…”.
Theo bị cáo Diệp, thời điểm năm 2007 - 2008, do nhu cầu cần vốn kinh doanh nên ký nhiều hợp đồng tín dụng với Agribank chi nhánh TP HCM để vay tiền, vay vàng. Nhiều hợp đồng cũng đã tất toán. Do phía ngân hàng cập nhật thế chấp sai nên bà mới đưa giấy chứng nhận quyền sở hữu khu đất cho ngân hàng để sửa lại.
Vào tháng 10/2008, bị cáo dùng bất động sản của mình thế chấp vay 14.000 lượng vàng, sau đó bỏ thêm hơn 1.000 lượng vàng để mua khu đất 57 Cao Thắng với tổng cộng là 15.000 lượng vàng.
Đến ngày 31/12/2008, dư nợ 3 hợp đồng tín dụng của bà tại ngân hàng này là 67.000 lượng vàng.
HĐXX cho rằng, bà Diệp không trả lời vào câu hỏi, có nhiều câu trả lời quanh co, né tránh. VKS cáo buộc bị cáo dùng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà nước tại 185 Hai Bà Trưng.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thành Tài và các bị cáo khác tại phiên xét hỏi lại thừa nhận như cáo trạng truy tố.
Phía TTCNN, bị cáo Vy Nhật Tảo khẳng định không có việc bà Diệp trao đổi với TTCNN TP HCM về việc nhà 57 Cao Thắng đã bị thế chấp. Phía trung tâm chỉ biết tình trạng thực tế tài sản này sau khi đi làm thủ tục chuyển đổi tài sản sang cho Trung tâm.
Phiên toà tiếp tục với phần xét hỏi vào ngày mai (16/3).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận