Pháp đình

Bị cáo vụ chuyến bay giải cứu nhận 42 tỷ đồng, khai không chia cho ai

12/07/2023, 17:03

Phạm Trung Kiên khai đã chi hàng chục tỷ đồng để đầu tư đất ở Ba Vì, Hoài Đức (Hà Nội), Mũi Né (Bình Thuận) sau khi nhận hối lộ từ doanh nghiệp.

Cựu thư ký thứ trưởng nhận hối lộ nhiều nhất

Chiều 12/7, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tiếp tục thẩm vấn nhóm bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ trong vụ chuyến bay giải cứu, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố.

Trong số này, ông Phạm Trung Kiên (42 tuổi, nguyên thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên) thừa nhận đã nhận hối lộ khoảng 42 tỷ đồng. Đây cũng là nội dung mà VKSND tối cao làm căn cứ cáo buộc hành vi của ông Kiên.

img

Bị cáo Phạm Trung Kiên thừa nhận nhận hối lộ 42 tỷ đồng.

Phạm Trung Kiên khai từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2022, bị cáo được phân công làm thư ký cho Thứ trưởng Bộ Y tế. Khi có chủ trương tổ chức thực hiện các chuyến bay combo đưa công dân hồi hương trong đại dịch, Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng để trình Thứ trưởng xét duyệt, sau đó hồ sơ được trả lại cho đơn vị trình lên.

Giữa tháng 7/2021, một số đại diện doanh nghiệp đến nhờ Kiên giúp đỡ để Bộ Y tế có công văn đồng ý các vấn đề liên quan đến xin cấp phép các chuyến bay combo. Theo bị cáo, tất cả trường hợp hồ sơ về tổ chức chuyến bay trình lên đều được ông ta xử lý theo đúng trình tự thời gian, quy trình trước khi lãnh đạo Bộ đồng ý.

Kiên khai trong quá trình làm việc với doanh nghiệp, bị cáo đã nhận tổng số tiền khoảng 42 tỷ đồng của các cá nhân, doanh nghiệp như cáo trạng nêu. Theo đó, Kiên nhận khoảng 27 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp có hồ sơ chuyến bay combo, còn hồ sơ khách lẻ bị cáo nhận khoảng 15 tỷ đồng.

Sau khi nhận số tiền trên, Kiên cho người thân vay hoặc đầu tư đất đai. Cụ thể, bị cáo chi để đầu tư mua đất ở các huyện Ba Vì, Hoài Đức (Hà Nội), Mũi Né (Bình Thuận). Ngoài ra, Kiên cho một ông chú họ ở Thái Bình vay.

Phủ nhận ép doanh nghiệp chi 150 triệu đồng/chuyến bay

Về cáo buộc bị cáo đã "ra giá" ép một số doanh nghiệp phải chi 150 triệu/chuyến bay, Kiên phủ nhận và cho rằng mức chi cũng như hình thức chi tiền đều do doanh nghiệp đề xuất.

Còn những bị cáo từng có lời khai về việc bị Kiên quát tháo, yêu cầu phải "bôi trơn" thì mới mới cấp phép, Kiên cho rằng họ khai hoàn toàn không đúng. Bị cáo nói bản thân có căn cứ để khẳng định về việc này.

"Bị cáo nhận tổng số tiền khoảng 42 tỷ đồng và không đưa tiền cho ai", Kiên quả quyết trước tòa khi chủ tọa đặt câu hỏi.

img

Phiên tòa xét xử 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu dự kiến kéo dài khoảng 30 ngày.

Cũng theo lời khai của Phạm Trung Kiên, trong quá trình điều tra, bị cáo đã chủ động trả lại 12 tỷ đồng cho các đại diện doanh nghiệp. Còn gia đình Kiên nộp khắc phục khoảng 15 tỷ đồng.

Trong khi đó, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vijasun) khi được HĐXX gọi đối chất, khẳng định đã chứng kiến ông Kiên quát tháo đại diện doanh nghiệp khi họ đến đặt vấn đề xin cấp phép chuyến bay.

Còn bị cáo Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Thuận An) khai, khi gặp Kiên vào tháng 7/2021 tại phòng làm việc, Kiên đã yêu cầu Thắng phải chi 15 triệu đồng/khách lẻ muốn về nước. Sau khi doanh nghiệp này thực hiện xong chuyến bay đầu tiên, Kiên tiếp tục gọi điện thoại yêu cầu Thắng chi 150 triệu đồng/chuyến bay.

Nghe các đại diện doanh nghiệp nêu trên đối chất, Phạm Trung Kiên vẫn khẳng định những bị cáo này đều khai báo không đúng sự thật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.