Công dân bị hành khi muốn hồi hương tránh dịch
Chiều 11/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm 54 bị can về 5 tội danh trong vụ chuyến bay giải cứu, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố.
Khoảng 16h40 ngày 11/7, sau khi kiểm sát viên công bố cáo trạng dài 105 trang, chủ tọa Vũ Quang Huy yêu cầu cảnh sát cho cách ly 3 bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa) và Hoàng Văn Hưng (nguyên Trưởng phòng điều tra, Cục An ninh điều tra Bộ Công an) để xét hỏi một số chủ doanh nghiệp.
Người đầu tiên trong 54 bị cáo trả lời HĐXX là Đào Minh Dương (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vijasun). Dương bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao truy tố việc đưa hối lộ hơn 3,5 tỷ đồng cho 3 cá nhân có thẩm quyền để công ty này được cấp phép thực hiện chuyến bay giải cứu.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (ảnh: Hoàng Lam).
Giữa năm 2021, khi nộp hồ sơ để xin cấp phép tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước, Vijasun bị Cục Lãnh sự và một số cơ quan gây khó khăn. Dương khai và cho rằng mình bị ép phải đưa cho ông Phạm Trung Kiên (nguyên Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) 150 triệu đồng, nếu không sẽ bị từ chối cấp phép. Dương nói rằng đã đưa cho ông Kiên 1,1 tỷ đồng.
Chủ doanh nghiệp cho rằng họ còn bị bà Nguyễn Thị Hương Lan gây khó khăn.
"Cứ ngày mai bay thì hôm nay không cho bay, trong khi tiền thuê tàu từ 6-9 tỷ đồng/chuyến, như thế thì công dân ở nước ngoài về Việt Nam bị hành rất nhiều", Dương trình bày trước tòa.
Bị rơi vào tình thế khó khăn, Vijasun buộc phải chi tiền "bôi trơn".
Một chủ doanh nghiệp khác là Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty GI9) cũng thừa nhận việc đưa hối lộ. Song, bà Hạnh phân trần "đó là việc làm hoàn toàn tự nguyện để cám ơn".
Bị cáo Hạnh khai đưa cho nhiều cá nhân, trong đó có nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng 2 lần, mỗi lần 200 triệu đồng. Bị cáo này còn khai đã chi cho ông Phạm Trung Kiên 1,2 tỷ đồng để cám ơn việc doanh nghiệp được cấp phép tổ chức chuyến bay.
"Lúc đó bị cáo chỉ nhận thức được là cảm ơn, bởi vì mọi người làm việc quá vất vả", bà Hạnh trần tình.
Đáng chú ý, bị cáo Hạnh khai rằng doanh nghiệp không bị ai làm khó, tất cả đều giúp đỡ và ủng hộ họ. Có lần, Hạnh liên lạc với Nguyễn Thị Hương Lan và nguyên Cục phó Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng để đưa quà, nhưng đều bị các cá nhân này từ chối.
Vì sao doanh nghiệp phải chi tiền "bôi trơn"?
Về quy trình xin cấp phép chuyến bay, Phan Thị Mai (Giám đốc Công ty Sao Hà Nội) khai, doanh nghiệp cần liên hệ với Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Bộ Y tế và một số đơn vị khác.
Trình tự thực hiện như sau: Bị cáo phải nộp hồ sơ cho Cục Lãnh sự. Song khi được Cục này duyệt hồ sơ, Mai lại nhận được thông tin từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh về việc cơ quan này không thấy doanh nghiệp liên hệ.
Cuối tháng 9/2021, được người bên Cục Lãnh sự cho số điện thoại của ông Vũ Anh Tuấn (nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh), Mai gặp ông Tuấn thì được gợi ý tiền chi phí cám ơn.
Trong 54 cá nhân bị xét xử, 21 bị cáo là chủ các doanh nghiệp (ảnh: Hoàng Lam).
Tại tòa, bà Mai cho rằng họ đã đưa cho ông Phạm Trung Kiên 600 triệu đồng theo yêu cầu của người này, mục đích để Bộ Y tế xét duyệt chuyến bay. Bà ta còn liên hệ với Cục Lãnh sự, chi 25.000 USD để cám ơn nguyên Thứ trưởng Tô Anh Dũng sau khi hồ sơ được cấp phép.
Cáo trạng của VKSND tối cao xác định từ tháng 9/2020-12/2022, có 48 cá nhân đã lợi dụng chính sách đưa công dân hồi hương, đưa - nhận hối lộ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại tổng số tiền hơn 393 tỷ đồng.
Bốn cá nhân khác môi giới hối lộ với tổng số tiền trên 74 tỷ đồng hoặc lừa đảo chiếm đoạt hơn 24 tỷ đồng. Nhiều bị cáo đã nộp khắc phục tổng số tiền trên 53 tỷ đồng, riêng Nguyễn Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội) được gia đình nộp 460.000 USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận