Xe máy của ông A. bị tạm giữ.
Sáng 15/3, Đội CSGT Bình Triệu thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM đã kiểm tra, xử lý xe “mù”, xe cà tàng… tại vòng xoay cầu vượt Bình Phước, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức.
Đây là khu vực gần chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, nơi ghi nhận nhiều người buôn bán hàng hóa sử dụng xe hai, ba bánh tự chế, xe cũ nát, xe “mù” để chở hàng, vận chuyển nông sản… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Người vi phạm kêu khổ
Thấy ông A. (quê Bình Dương) lái xe trên QL13 hướng từ Bình Dương về TP.HCM, CSGT Bình Triệu mời vào kiểm tra. Tại đây, ông A. không xuất trình được giấy phép lái xe nên bị CSGT lập biên bản xử phạt, người này kể khổ, năn nỉ CSGT tha cho.
“Vợ tôi tàn tật đi bán vé số, tôi là lao động chính của gia đình, chiếc xe duy nhất để kiếm tiền nuôi gia đình nhưng bị tịch thu thì lấy tiền đâu nuôi con cái. Giờ tôi nghèo quá, lấy tiền đâu mà đóng phạt...”, ông A. than thở.
Ông A. trao đổi với PV về việc bị tạm giữ xe máy. Thực hiện: Bùi Tư.
Theo ông A., chiếc xe trên ông dùng để đi làm, chở hàng hóa kiếm sống. “Tôi cũng muốn được đi xe mới, xe đẹp chứ, nhưng giờ nghèo quá, làm gì có tiền mua xe mới, xe có giấy tờ...
Giờ bị thu xe, tôi ở nhà thì cả gia đình chết đói, con tôi không có sữa uống. Quy định nhà nước là đúng nhưng mong được xem xét hỗ trợ để tôi mua xe khác đi làm, nuôi gia đình”, ông A. bày tỏ.
Tương tự, ông T. đi xe máy cũ nát, chạy xe không đội mũ bảo hiểm, kéo theo thùng xe để chở hàng, xe không có gương chiếu hậu cũng bị CSGT mời vào làm việc.
Tại đây, ông T. không xuất trình được giấy đăng kí xe máy, không giấy phép lái xe, không có giấy CMND nên tổ công tác xử phạt, tạm giữ phương tiện.
Một cán bộ CSGT cho biết, đa số người vi phạm là người làm thuê, không được chủ xe giao giấy tờ xe và không có bằng lái xe.
“Số tiền xử phạt có lúc cao hơn giá trị của chiếc xe cà tàng nên một số chủ phương tiện sẵn sàng không đóng phạt, bỏ luôn phương tiện vi phạm”, một CSGT thông tin.
Phần lớn các xe vi phạm đều không có giấy tờ xe, giấy phép lái xe.
Tương tự, tại Đội CSGT An Sương thuộc Phòng PC08, loạt người đi xe cà tàng, chở nước đá cũng bị CSGT kiểm tra, tạm giữ trên tuyến QL22.
Bị CSGT mời vào khi đang giao nước đá, anh H.N.Đ.T. (ngụ quận 12) cho biết, dù biết chạy xe này không đảm bảo an toàn nhưng hiện tại với công việc của mình chưa đủ tiền đề mua xe đúng quy định.
Sau nhiều lần xin “tha” không được, anh T. đành gọi điện nhờ người thân đến đi giao nước đá cho khách giúp.
Tăng cường kiểm tra, xử lý xe tự chế, xe mù, cà tàng
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tá Đoàn Văn Quới - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM cho biết, từ 15/3, CSGT TP.HCM sẽ tăng cường lực lượng xử lý người sử dụng xe cơ giới cũ nát, xe tự chế, xe cà tàng lưu thông trên đường... cho đến hết ngày 14/6.
Trong đợt cao điểm này, các đơn vị tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính mở cao điểm kiểm soát xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, xe cũ nát, xe tự chế; tập trung phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: giấy phép lái xe, đăng ký xe; không có bộ phận giảm thanh, giảm khói; không có đèn, kèn, thắng hoặc có nhưng không có tác dụng; vi phạm các quy định về gắn biển số, lắp thêm đèn, giá đỡ...
Trung tá Đoàn Văn Quới - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM trả lời với báo chí.
Lực lượng chức năng được dừng các phương tiện để kiểm tra hành chính: xe máy, xe cơ giới ba bánh, xe cũ nát, xe tự chế.
Trong quá trình tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm phải nghiêm túc, tuân thủ quy trình, quy định của pháp luật.
Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng như: vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm, hàng gian, hàng giả... phải đình chỉ lưu hành hoặc tạm giữ phương tiện; đồng thời phối hợp với Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Kỹ thuật hình sự, Cảnh sát cơ động, Công an phường, xã... để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận