Trong khi quy định quản lý hành vi uống bia rượu khi lái xe trên toàn thế giới ngày càng được siết chặt tới mức gần như tài xế không được phép uống một giọt, các dịch vụ đưa xe và tài xế say về nhà nở rộ như “nấm sau mưa” và đa dạng về hình thức.
Dịch vụ lái xe thuê được chấp nhận và ủng hộ
Dịch vụ giúp tài xế say né phạt vi phạm nồng độ cồn phổ biến nhất có lẽ là “lái xe thuê”. Khái niệm của dịch vụ lái xe thuê bắt nguồn ở khu vực Bắc Âu từ vài thập kỷ trước, cụ thể là vào khoảng những năm 20 của thế kỷ XX và bắt đầu được chuẩn hoá từ những năm 1980.
Chương trình này được giới thiệu lần đầu tại Canada từ năm 1986, nhận được sự chấp nhận và ủng hộ từ phía cảnh sát. Sau đó, khái niệm này lan sang Mỹ, nở rộ từ năm 1988 qua Dự án Chống tác hại Bia rượu của Đại học Havard.
Nhờ có sự tham gia nhiệt tình của mạng lưới truyền hình, giới nghệ sĩ Hollywood, chiến dịch này trở nên phổ biến ở Mỹ và được khuyến khích sử dụng.
Theo trưởng khoa Y tế Cộng đồng đến từ Đại học Havard - ông Lulio Frenk: “Chiến dịch kêu gọi người dân sử dụng tài xế lái thuê khi say xỉn do trường Đại học Havard (Mỹ) khởi xướng đã góp phần giảm thiểu con số thương vong vì TNGT do rượu bia lên tới 25%”.
Hiện tại, khái niệm lái xe thuê cho tài xế sử dụng bia rượu có mặt trên gần như khắp châu lục. Tại châu Á, dịch vụ này cũng không phải xa lạ. Chẳng hạn, ở Hàn Quốc - đất nước nổi tiếng với rượu sochu và có văn hoá tiệc tùng và nhậu sau giờ làm, nhu cầu sử dụng dịch vụ này rất cao, đặc biệt ở các thành phố lớn như Seoul và Busan.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Hiệp hội Dịch vụ Lái xe Hàn Quốc, hiện có 100.000 tài xế lái xe thuê phục vụ 700.000 khách/ngày trên toàn quốc. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các dịch vụ này được phát triển thành các ứng dụng điện thoại cho phép người dùng dễ dàng gọi tài xế chỉ bằng một cú click như phương thức gọi xe qua Uber, Grab…
Người dùng đăng nhập ứng dụng, đặt yêu cầu và trung tâm điều phối sẽ điều chuyển lái xe tới phục vụ. Người lái xe thuê sẽ tới địa điểm có xe của khách và đi theo địa điểm được yêu cầu rồi nhận phí từ 10.000 - 30.000 won (tương đương 200 - 600 nghìn VNĐ).
Tại Ấn Độ, đang có ít nhất 7 ứng dụng cho phép thuê tài xế lái thuê như: DriversKart, DriveU, Party Hard Drivers... Các dịch vụ này thoả mãn nhu cầu của người dùng theo giờ, cả ngày, phục vụ một chiều hoặc 2 chiều với lời hứa hẹn sẽ cung cấp những tài xế có bảo hiểm, được kiểm tra lý lịch cẩn thận về khả năng lái xe, vệ sinh, việc sử dụng bia rượu/thuốc cũng như lý lịch tội phạm.
Tại Mỹ, từ những năm 1998, Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) còn cung cấp dịch vụ kéo xe miễn phí cho cả khách và xe của khách trong những dịp lễ quan trọng mang tên Tow to Go. Sau khi nhận được lời yêu cầu, AAA sẽ điều những chiếc xe kéo tới đưa cả khách và xe về trong phạm vi bán kính hơn 10km.
Toát mồ hôi, rơi nước mắt khi phục vụ khách
Vì tính chất công việc đưa khách say về nhà khá nhạy cảm như thời điểm làm việc hầu như diễn ra vào tối và đêm muộn, nhiều “thượng đế” thậm chí đã không còn tỉnh táo nên đã có không ít nhân viên cung cấp dịch vụ gặp phải những tình huống dở khóc, dở cười.
Như câu chuyện của anh Hur Rak, một nhân viên lái xe thuê cho khách say người Hàn Quốc. Hàng ngày, bắt đầu từ tầm 19h tối, anh Hur nhận đơn qua ứng dụng điện thoại.
Khi đã chốt khách, anh vội vàng chạy tới tàu điện để di chuyển tới địa điểm khách hàng cần với tốc độ nhanh nhất có thể. Bởi “trong ngành của tôi, tốc độ chính là tiền. Tôi muốn nhận càng nhiều đơn càng tốt trước khi trời sáng”.
Anh Hur chia sẻ thêm: “Công việc của tôi là ngủ ngày, làm đêm, trong 6 ngày/tuần. Tuy thời gian làm việc cao điểm là khoảng 23h tối đến 1h sáng nhưng phải 7h tôi mới lên giường đi ngủ. Do đó tôi bị mắc chứng mệt mỏi mãn tính nhưng không còn cách nào khác, đó là kế sinh nhai, giúp tôi nuôi sống gia đình”.
Hur cho biết, vấn đề thường gặp phải nhất đó là hành khách say đến mức không thể nói nhà họ ở đâu hoặc khi về đến nhà rồi họ lại không dậy nổi để trả tiền. “Nếu khách quá say, tôi phải tìm mọi cách để lấy được số điện thoại từ bạn bè người thân của họ. Tôi có thể phải vật lộn với một ông khách say suốt nửa tiếng đồng hồ, cầu xin, lay họ dậy nhưng anh ta vẫn không lay chuyển, thậm chí có thể phải ngồi cùng với khách cho đến hết đêm vì không đưa được khách về. Như thế, tôi lãng phí thời gian trong khi không thể nhận thêm đơn khác”.
Theo anh, tại Hàn Quốc, có rất nhiều lái xe thuê cho khách say là người làm bán thời gian, nhân viên thu ngân, sinh viên hoặc nhân viên kinh doanh cần thu nhập thêm để trả nợ.
Có rất nhiều cặp vợ chồng làm việc cùng nhau, theo cách là vợ đi cùng, ngồi sau xe chồng để cùng về sau khi chồng trả khách đến nơi an toàn. Một số tài xế nữ làm việc để phục vụ các khách hàng nữ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận