Nhiều nhóm nhạc vẫn lập những thành tích, hoạt động bình thường như chưa hề có dịch bệnh.
Covid-19 dường như không ngăn cản được K-pop
Liên tiếp một loạt nghệ sĩ nhiễm Covid-19 khiến ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc phải chịu nhiều tác động.
Gần đây nhất, những thần tượng như Xiumin (nhóm EXO), Jang Wonyoung (nhóm IZ*One) hay 5 thành viên của nhóm nhạc nam Enhypen… được xác nhận dương tính với Covid-19. Những hoạt động của các nghệ sĩ này đều phải tạm dừng để cách ly và điều trị.
Vì có môi trường “sống” chủ yếu là không gian trực tuyến, Kpop vượt qua đại dịch tốt hơn ngành âm nhạc ở các nơi khác
Thực tế, tình trạng này diễn ra suốt mấy tháng qua khiến người hâm mộ hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của các thần tượng. Nhiều buổi hòa nhạc trực tiếp, họp báo, ghi hình… bị hủy hỏ.
Nhưng theo nhận định của Billboard, ngay cả khi lĩnh vực nhạc sống của Hàn Quốc bị đóng băng thì K-pop vẫn sôi động.
Khi các nghệ sĩ âm nhạc lớn trên thế giới phải hoãn kế hoạch phát hành nhạc trong nhiều tháng, K-pop vẫn hoạt động bình thường. Minh chứng chính là các “nhóm nhạc quốc dân” như BTS, Twice, Black Pink… vẫn chưa lúc nào ngơi nghỉ.
Nhóm Twice trong 3 tháng comeback 3 lần, từ phát hành single tiếng Nhật “Kura Kura”, ra mắt mini album ‘’Taste of Love’’ tại Hàn, phát hành MV “Tase of Love”, sau đó lại ra mắt album tiếng Nhật “Perfect World”.
Chỉ trong tháng 9, hàng loạt ngôi sao K-pop ồ ạt tung sản phẩm. Nhóm nhạc nam Astro phát hành đĩa đơn “Alive” , Lisa (nhóm Black Pink) ra mắt single solo “LaLiSa”, Sungmin của nhóm Super Junior sắp trình làng single “Goodnight, Summer”, ca sĩ Baek A Yeon phát hành mini album “Observer”, HyunA và DAWN hợp tác cho ra mắt album chung đầu tiên “1 + 1 = 1”…
Cây viết Mickey Rapkin nhận định trên National Geographic: “Ngay cả Covid-19 cũng không thể ngăn cản K-pop”. Quả thực, ngoài hoạt động bình thường, các thần tượng K-pop còn lập hàng loạt thành tích ấn tượng.
Phim tài liệu “Black Pink The Movie” là cú hit tại phòng vé năm 2021, thu hút hơn 500.000 khán giả trên khắp thế giới, mang về khoảng 4,8 triệu USD doanh thu. Phim đứng vị trí thứ 6 về doanh thu mở màn phòng vé tại Mỹ.
Công ty SM Entertainment ra mắt nhóm nhạc nữ mới Aespa, cũng nhanh chóng mang về các thành tích lớn. MV đầu tay “Black Mama” thu về hơn 100 triệu lượt xem trong 52 ngày, lập kỷ lục là video âm nhạc đầu tay của nhóm nhạc K-pop đạt 100 triệu lượt xem nhanh nhất. Sau đó, MV “NextLevel” cũng đạt hơn 100 triệu lượt xem chỉ sau 32 ngày.
Trong khi đó, nhóm BTS cũng liên tục “nóng” trên truyền thông với những kỷ lục về thành tích âm nhạc.
Đĩa đơn “Butter” lập nhiều kỷ lục như nhiều người xem nhất cho buổi ra mắt video trên YouTube (3,9 triệu lượt), bài hát được phát trực tuyến nhiều nhất trên Spotify trong 24 giờ đầu tiên (hơn 11 triệu lượt)…
Theo Nikkei Asia, doanh thu BTS mang về trong năm 2020 tăng 36% so với năm 2019. Đây là điều đáng kinh ngạc trong thời kỳ ngành công nghiệp giải trí bị ảnh hưởng bởi không có khả năng đưa các nghệ sĩ lưu diễn hoặc tổ chức các buổi trình diễn trực tiếp.
Bắt sóng tốt thị hiếu giải trí toàn cầu
Lisa Black Pink đánh dấu màn solo đầu tay với single Lalisa trong tháng 9
Tờ Chanel News Asia cho rằng, đại dịch có thể ngăn cản các chuyến du lịch, các buổi hòa nhạc trực tiếp và các buổi gặp gỡ người hâm mộ nhưng nó không ngăn cản được sự phổ biến ngày càng tăng của làn sóng Hallyu Hàn Quốc.
Nguyên nhân chính là nhờ cách tận dụng tối đa công nghệ thông tin, đầu tư vào thực tế ảo VR, AR, MR của các công ty giải trí. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nên môi trường hoạt động chủ yếu của mọi người sẽ là internet và K-pop đã bắt sóng được điều này.
Big Hit Entertainment - công ty quản lý của nhóm BTS còn khôn khéo khi phát triển dịch vụ web Weverse, kết hợp các chức năng của Twitter, Instagram và YouTube thành một kênh tích hợp để giao tiếp với người hâm mộ.
Nền tảng này mang lại khoảng 90 triệu USD mỗi quý thông qua việc bán hàng hóa và bán vé. Các buổi hòa nhạc phát trực tuyến độc quyền và trò chuyện trực tiếp với các nghệ sĩ được tổ chức trên nền tảng này để thu hút người dùng.
Tuy nhiên, những kết quả hiện tại thực tế là nhờ tầm nhìn được xây dựng suốt hàng thập kỷ qua của ngành giải trí nước này. Suk Toung Kim, giảng viên Trường Sân khấu UCLA chia sẻ trên Global Atlanta, ngành công nghiệp K-pop đã thực sự thích ứng một cách tối ưu với việc tiêu thụ âm nhạc kỹ thuật số.
Đây là một quá trình dài khi các nghệ sĩ Hàn tập trung phát triển các sản phẩm có tiếng Anh, thực hiện các video đăng tải trên mạng để thu hút khán giả.
Từ đó, K-pop dần vượt qua rào cản ngôn ngữ, được chấp nhận bởi thế hệ khán giả mới toàn cầu - thế hệ những người quen với kỹ thuật số trong đời sống hàng ngày.
Tới khi đại dịch xảy ra, môi trường sống của giải trí K-pop này không hề bị ảnh hưởng.
“K-pop có bị tổn hại một phần khi phải hủy các tour diễn trực tiếp. Nhưng môi trường sống tự nhiên của K-pop là không gian trực tuyến, điều đã giúp ngành công nghiệp âm nhạc này vượt qua “cơn bão” dịch bệnh tốt hơn các nơi khác”, giảng viên Kim nhận định.
Theo giới chuyên môn, các nhóm nhạc K-pop đã cố thủ vững chắc trong xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu. Nhờ sức lan tỏa của mạng xã hội, K-pop kiếm được bộn tiền cả trước và trong đại dịch.
Số tiền thu được từ hoạt động trực tuyến nhiều năm qua đã chiếm gần 1 nửa doanh thu của các nhóm nhạc nước này. Thậm chí, nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hun Sik còn coi “Covid-19 mở ra cơ hội mới cho Hallyu của Hàn Quốc mở rộng và phát triển hơn nữa”.
Tạp chí Billboard nhận định, phần lớn các sản phẩm âm nhạc K-pop hướng đến khán giả toàn cầu. Nghệ sĩ đẩy mạnh phát triển trên nền tảng kỹ thuật số thay vì chỉ hướng tới người công chúng trong nước bằng những sản phẩm vật lý. Chính điều đó đã giúp K-pop sống khỏe bất chấp dịch bệnh phức tạp cỡ nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận