Thế giới

Bí mật giúp Trung Quốc có thể vượt Mỹ về trí tuệ nhân tạo: Toán học

10/07/2020, 06:39

Cuộc đua giành uy thế AI dần trở thành khía cạnh có thể nhìn thấy rõ nhất trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ.

img
Cuộc đua trí tuệ nhân tạo trên thế giới thực chất là cuộc đua giữa Mỹ và Trung Quốc

Điểm mấu chốt giúp Trung Quốc đang vượt lên về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) không nằm ở thuật toán mà chính là ở khả năng toán học mà Chính phủ nước này chú trọng phát triển cho công dân của mình, trong khi Mỹ thì ngược lại.

Trung Quốc là “Arab Saudi thời đại mới”

Lần đầu tiên thế giới nhận biết được năng lực của Bắc Kinh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là vào cuối năm 2017 khi phóng viên của Đài BBC (Anh) John Sudworth trốn tại một thành phố ở vùng sâu, vùng xa phía Tây Nam Trung Quốc và được hệ thống CCTV của Trung Quốc định vị chỉ trong 7 phút. Tại thời điểm đó, sự việc này đã khiến thế giới choáng ngợp về sức mạng công nghệ của Trung Quốc. Ngày nay, với sự phát triển công nghệ vượt trội tại Trung Quốc, thời gian định vị xuống chỉ còn vài giây.

Cuộc đua giành uy thế AI dần trở thành khía cạnh có thể nhìn thấy rõ nhất trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ. Quyền lực chiếm lĩnh AI của thế giới sẽ mang đến khả năng định hình tài chính, thương mại, viễn thông, khả năng chiến đấu và xây dựng hệ thống máy tính cấu hình mạnh nhất toàn cầu. Thực chất, chỉ có Trung Quốc và Mỹ là hai cái tên duy nhất trong cuộc đua AI trên thế giới hiện nay,

Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ chiếm lĩnh AI toàn cầu tính đến năm 2030 và huy động mọi nguồn lực để đạt được tham vọng. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào công nghệ liên quan tới AI, trở thành chiến lược tập trung cốt lõi để hiện đại hóa ngành công nghiệp Trung Quốc. Thị trường AI của Trung Quốc ước tính trị giá khoảng 3,5 tỷ USD và Bắc Kinh đặt mục tiêu đến năm 2030, thị trường này sẽ lên tới 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 142 tỷ USD).

Ông Kai-fu Lee, tác giả cuốn “Các siêu cường AI tranh luận: trí tuệ nhân tạo không đơn giản là dữ liệu”, cho rằng, ngày nay giá trị của dữ liệu có thể ví như dầu mỏ ở đầu thế kỷ 21. Trung Quốc - quốc gia sở hữu lượng dữ liệu nhiều nhất - chính là một “Saudi Arabia thời đại mới”.

Về phía Mỹ, thừa nhận tầm quan trọng của AI, Tổng thống Donald Trump mới ký sắc lệnh mang tên “Sáng kiến AI của Hoa Kỳ” với mục đích bảo vệ vị trí lãnh đạo của nước này trong nền công nghệ trí tuệ nhân tạo. Chỉ trong vài năm, các doanh nghiệp, trường đại học, tổ chức cố vấn và Chính phủ Washington đã thực hiện rất nhiều dự án để giải quyết thách thức.

Vì sao Mỹ có nguy cơ tụt lại sau Trung Quốc?

Tuy nhiên, AI không đơn thuần là công nghệ thông minh và chỉ cần đổ càng nhiều tiền, thực hiện nhiều báo cáo, nghiên cứu là phát triển. Trong bài bình luận trên tờ National Interest, ông Michael R. Auslin, nghiên cứu sinh tại Viện Hoover, Đại học Stanford, Mỹ cho biết: Mấu chốt nằm ở toán học.

Cái mà chúng ta vẫn gọi là “AI” thực chất là một bộ các thuật toán đa dạng và phát triển đặc biệt, đòi hỏi khả năng phân tích và toán học tiên tiến. Ông R.Auslin nhận định rằng, Mỹ đang thất bại trong quá trình đào tạo đủ công dân có khả năng toán học nhằm duy trì vị thế độc tôn của mình. Học sinh, sinh viên từ cấp 2 đến đại học của Mỹ không giỏi về toán học cơ bản - bước chuẩn bị cho họ tiến vào những lĩnh vực tiên tiến như lý thuyết thống kê hay hình học vị phân, từ đó tạo nên AI.

Kết quả bài thi từ Chương trình Đánh giá sinh viên Quốc tế năm 2018 do OECD thực hiện cho thấy, học sinh 15 tuổi của Mỹ chỉ đứng thứ 35 về toán - quá thấp so với trung bình của OECD. Kể cả ở cấp đại học, sinh viên Mỹ không am hiểu và sử dụng thuần thục những kiến thức cơ bản để có thể tự sáng tạo và giải quyết vấn đề mà thường chỉ được dạy nhớ các thuật toán và điền vào khi cần.

Sự thua kém trong đào tạo sinh viên về toán học đồng nghĩa ngày càng ít công dân Mỹ tiến đến những bằng cấp tiên tiến trong toán học và khoa học. Năm 2017, trên 64% tiến sĩ và gần 70% sinh viên, cử nhân về chương trình khoa học máy tính của Mỹ là công dân nước ngoài, trong khi gần như một nửa bằng tiến sĩ về toán học năm đó được trao cho các công dân không phải người Mỹ (theo dữ liệu của Trung tâm Nền tảng khoa học Quốc gia Hoa Kỳ).

Cùng lúc, sinh viên Trung Quốc lại đứng số 1 thế giới về toán học cũng như khoa học theo các bài kiểm tra Chương trình Đánh giá sinh viên Quốc tế mới nhất. Trung Quốc tập trung rất mạnh vào giáo dục theo mô hình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, vượt qua cả Mỹ và châu Âu.

Mặt khác, nhìn mặt bằng chung tại các trường đại học ở Mỹ có thể thấy rõ, sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ chiếm đa số các chuyên ngành về toán học, công nghệ. Bởi, phần lớn hoạt động đào tạo tiên tiến nhất ở các trường đại học của Mỹ vẫn đang vượt xa hoạt động đào tạo tại 2 quốc gia này.

Điều này đồng nghĩa, phần lớn sinh viên đang được đào tạo chuyên sâu tại Mỹ để vượt ra các giới hạn về khoa học máy tính và toán học trừu tượng lại là công dân đến từ hai nước Trung, Ấn. Một vài trong số họ sẽ ở lại Mỹ nhưng đa phần sẽ quay trở về quê nhà giúp đất nước họ phát triển công nghệ.

Để thu hút nhân tài, Bắc Kinh còn hào phóng mở cửa đón những nhà toán học hàng đầu ở nước ngoài. Chương trình “hàng nghìn tài năng” của Bắc Kinh thu hút những nhà nghiên cứu bao gồm cả người nước ngoài và công dân Trung Quốc trong những lĩnh vực chủ chốt.

Theo nhà báo David Goldman của tờ Asia Time, nếu không thay đổi trọng tâm chiến lược phát triển AI, việc Washington tụt sau Bắc Kinh trong cuộc đua AI sẽ chỉ là thời gian.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.