Xã hội

Bí thư Bình Thuận: Nếu dự án hồ Ka Pét có gì sai sẽ tiếp thu, không bảo thủ

07/09/2023, 18:44

Chiều 7/9, UBND tỉnh Bình Thuận đã họp báo về dự án xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét đang được dư luận quan tâm vì phải chuyển đổi hơn 600ha rừng.

Tại cuộc họp báo, các phóng viên đặt câu hỏi xoay quanh việc chuyển đổi hơn 600ha rừng để làm hồ thủy lợi, sinh kế cho người dân sống bám rừng và tác động của việc chuyển đổi này đến môi trường ra sao?...

"Vị trí làm hồ thủy lợi được tư vấn chọn lựa rất kỹ"

Lãnh đạo Bình Thuận trả lời nhiều câu hỏi "nóng" về dự án hồ thủy lợi Ka Pét - Ảnh 1.

Bí thư Dương Văn An phát biểu tại họp báo

Tại họp báo, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận cho rằng, Bình Thuận cùng với Ninh Thuận là hai tỉnh khô hạn nhất Việt Nam. Đây là vùng có lượng mưa rất thấp, chỉ 800-1.150 mm/năm, nhiều vùng đất khô cằn, hoang hóa, sản xuất nông nghiệp chỉ nhờ vào nước trời.

Chỉ tính nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp hàng năm, Bình Thuận cần hơn 500 triệu m3. Do đó, trách nhiệm của tỉnh là lo nước cho dân.

Nhiều nhiệm kỳ qua, Bình Thuận tìm mọi cách, vừa xin Trung ương, vừa dùng nguồn lực địa phương xây dựng hệ thống hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi trên toàn tỉnh.

Theo ông, với đặc điểm địa hình Bình Thuận, muốn làm hồ thủy lợi, không ít thì nhiều đều ảnh hưởng đến rừng. Nhưng có hồ, môi trường chắc chắn sẽ tốt lên vì tích được nước, tăng độ ẩm toàn khu vực, tạo môi trường cho cây sinh trưởng.

Trước đây, vào mùa khô, từ trên cao nhìn xuống, đất đai Bình Thuận xám xịt vì cây khô, úa, nhưng sau khi có hồ thì vùng đó giữ được màu xanh... đời sống nông dân ngày càng tốt hơn.

Bí thư Bình Thuận: Nếu dự án Ka Pét có gì sai sẽ tiếp thu, không bảo thủ - Ảnh 2.

Hàng chục cơ quan báo chí đến dự họp báo.

Theo ông An, vị trí 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi đã được đơn vị tư vấn chọn rất kỹ dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có. Hồ phải chọn địa điểm eo núi, là nơi tụ thủy, địa hình dễ ngăn đập để dung tích chứa nhiều nhất và ít tổn hại rừng.

"Tỉnh đã phân tích nhiều phương án, từ đó tính toán dung tích tối ưu cho cả nhu cầu tưới tiêu là 51 triệu m3. Quan điểm của tỉnh là nếu có gì sai trong dự án này sẵn sàng tiếp thu, chỉnh sửa chứ không bảo thủ...", Bí thư Dương Văn An bày tỏ.

Các Sở, ngành tỉnh Bình Thuận đều cho rằng dự án xây hồ thủy lợi là cấp thiết cần triển khai nhanh để phục vụ nhu cầu tưới tiêu, thoát nước, phục vụ sản xuất sinh hoạt vùng phía Nam của tỉnh.

Đại diện Sở NN&PTNT Bình Thuận cho rằng hiện khu vực Hàm Thuận Nam, Hàm Tân nhu cầu nước sản xuất và sinh hoạt mới chỉ đáp ứng được khoảng 15%. 

Nếu xây dựng hồ thủy lợi với lượng chứa nước 51 triệu m3 sẽ nâng công suất cung cấp nước và đáp ứng hơn 30% nhu cầu.

"Việc xây dựng các hồ thủy lợi ở tỉnh hầu hết đều phải sử dụng đất rừng như các hồ Sông Quao, Sông Lòng Sông, Bắc Bình... Thực tế cho thấy khi hồ hình thành thì ngoài phục vụ tưới tiêu, sản xuất thì sinh cảnh bên hồ cũng nhanh chóng được tái tạo, giữ nước cho dòng chảy, tạo nước ngầm", đại diện Sở NN&PTNT trình bày.

Lãnh đạo Bình Thuận trả lời nhiều câu hỏi "nóng" về dự án hồ thủy lợi Ka Pét - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trao đổi tại cuộc họp báo.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, hầu hết diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực lòng hồ là đất rừng sản xuất với 489,05 ha (chiếm 71,95%). 

Kế đến là đất rừng đặc dụng với 149,09ha (chiếm 21,93%) và một phần rất nhỏ là đất rừng phòng hộ với 0,86 ha (chiếm 0,13%).

Đối với 600ha rừng ảnh hưởng, tỉnh sẽ triển khai trồng lại 1.800ha rừng để thay thế theo quy định.

Lãnh đạo Bình Thuận trả lời nhiều câu hỏi "nóng" về dự án hồ thủy lợi Ka Pét - Ảnh 4.

Bình đồ quy hoạch dự án thủy lợi Ka Pét.

Đang hoàn thiện đánh giá tác động môi trường

Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, đến nay Ban đang quá trình hoàn thiện, tiếp thu đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án theo quy định.

Theo đó, phải có đánh giá lại về sự cố đập và đa dạng sinh học. Việc này đòi hỏi đơn vị thực hiện ĐTM phải thuê thêm các đơn vị tư vấn để thực hiện.

Kết thúc cuộc họp báo, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Hồ thủy lợi này sẽ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm 2, các khu đô thị dân cư...

Đồng thời phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

"Quan điểm của tỉnh là phải sớm triển khai xây dựng hoàn thành hồ thủy lợi này theo chủ trương của Quốc hội và hoàn thành xây dựng trong năm 2025", ông Hải cho hay.

Bí thư Bình Thuận: Nếu dự án Ka Pét có gì sai sẽ tiếp thu, không bảo thủ - Ảnh 5.

Đồ họa dự án hồ chứa nước Ka Pet tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.