Bí thư Đà Nẵng yêu cầu không tùy tiện cấp phép xây dựng để giữ đất |
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Quang, Bí thư Quận ủy Thanh Khê kiến nghị thành phố nghiên cứu quy hoạch lại không gian đô thị để hình thành đô thị nén ở khu vực đông dân cư, đảm bảo ATGT; cải tạo tuyến đường Nguyễn Tất Thành có điểm nhấn lấn biển; Nâng cấp tuyến kênh hở Phần Lăng thành hệ thống cống hộp để làm không gian đa năng như bãi đỗ xe, sân thể dục...
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, hình thành đô thị nén thì cần căn cứ trên mật độ dân số trung bình. Theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt thì Đà Nẵng sẽ có 2,5 triệu dân. Quy trung bình trên diện tích đất của Đà Nẵng là 150m2/người, mà đô thị nén từ 60-80m2/người. Do đó, Đà Nẵng chưa thể phát triển đô thị nén trong thời gian này.
Ông Hùng cũng đề nghị xem xét tái thiết đầu tư khu vực ga đường sắt Đà Nẵng sau khi di dời. Tuyến đường sắt sau khi di dời sẽ có hướng để sử dụng cho hợp lý nhằm kết nối các tuyến đường giao thông khác, đồng thời giảm tải áp lực giao thông trên các tuyến đường chính. Về lâu dài, nghiên cứu đường hầm đấu nối giao thông ở bờ Đông và bờ Tây sân bay.
Theo ông Lê Văn Trung, Thanh Khê cần ưu tiên cho giao thông công cộng |
"Hiện nay thành phố có quy hoạch phía Tây sân bay khoảng 60-70 ha đất. Hiện, vẫn chưa thống nhất giữa Bộ Quốc phòng và thành phố. Đây là quỹ đất rất lớn để quận Thanh Khê phát triển trong tương lai. Theo quy hoạch chung các cơ sở sản xuất, trường đại học phải di dời khỏi khu dân cư, lấy đất đó để phát triển các mục đích quan trọng hơn trong thời gian tới", ông Hùng nói.
Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, Thanh Khê có diện tích nhỏ, mật độ dân cư đông, các tuyến đường của Thanh Khê hầu hết đã được quy hoạch. Quỹ đất dành cho dịch vụ trên địa bàn quận rất ít. Theo quan điểm của ngành thì quận Thanh Khê nên phát triển theo hướng dịch vụ.
"Sau khi tuyến đường sắt được di dời thì tuyến đường này sẽ trở thành các tuyến đường giao thông công cộng. Sau khi di dời các cơ sở cũ, quận cũng nên ưu tiên cho giao thông công cộng, các bãi đỗ xe. Hiện nay, quỹ đất quận Thanh Khê dành cho bãi đỗ xe thông minh và bãi đỗ xe công cộng rất hiếm, dễ gây ách tắc giao thông và lúng túng trong việc đậu đỗ xe trên địa bàn quận", ông Trung đề xuất.
Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cũng cho rằng nên kết nối giao thông từ phía Tây quận Thanh Khê về phía Đông, tạo thành một vành đai giao thông đảm bảo việc giao thông trên địa bàn quận.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, sau khi di dời các cơ sở sản xuất sẽ có quỹ đất, tạo điều kiện để phát triển thương mại.
"Hiện, bãi biển Nguyễn Tất Thành rất hoang phí, cả một bãi biển đẹp như thế nhưng không có một dịch vụ nào cả. Việc lấn biển cũng là giải pháp cần phải tính đến trong việc mở rộng quỹ đất của quận Thanh Khê và việc lấn biển không phải vì mở rộng đất mà còn làm sống lại toàn bộ dải ven biển của Thanh Khê", ông Trung nói.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, cần phải rà soát lại tất cả các cơ sở mà trong thời gian tới cần phải di chuyển, các trường học không đúng quy mô. Các Sở cần hết sức quan tâm về chủ trương phát triển các dự án.
"Dự án nào chưa được cấp phép xây dựng thì phải dừng hết, không nên cấp phép xây dựng nhà cao tầng. Đất đó phải để dành lại. Chỉ khi hạ tầng hoàn chỉnh thì lúc đó mới tính. Không thể tùy tiện cấp phép xây dựng. Chỉ cấp đất và chỉ kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ công cộng", ông Nghĩa nói.
Theo Bí thư Đà Nẵng, đất ở đường Nguyễn Tất Thành đã có chủ thì nên khuyến khích xây khách sạn mini và dịch vụ nhà hàng. Tập trung rà soát để giữ lại và thu hồi đất công, kể cả đất quốc phòng dù to hay nhỏ để xây dựng trường học, bệnh viện, công viên. Nhất quyết không cho phân lô, bán nền ở các khu đất Bệnh viện Bưu Điện, Nhà máy dệt 29.3, nhà máy nhựa...
Ngoài ra, Bí thư Nghĩa cũng cho rằng trước mắt thành phố sẽ tập trung phát triển cảng Liên Chiểu. Đó sẽ là trung tâm logictics của Đà Nẵng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận