Hơn 100 hộ dân đã tham dự buổi đối thoại với chính quyền TP Đà Nẵng chiều ngày 28/2. |
Đây là buổi đối thoại thứ 2, sau buổi đối thoại “chưa thông kết quả” với các hộ dân liên quan đến vấn đề nhà máy thép chiều qua (27/2) từ sau Tết AL đến nay. Tuy nhiên các giải pháp đều chưa đến kết quả cuối cùng.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ đối thoại, nỗi bức xúc của người dân vẫn xoay quanh nội dung di dời dân hay di dời nhà máy? Theo ông Phan Nhạn (người dân thôn Vân Dương 1), phải đóng cửa nhà máy, đóng lò nấu để không gây ô nhiễm môi trường, hoặc di dời dân đi nơi khác. Nếu đi thì đi đâu, các khu tái định cư cho dân cũng không cách xa nhà máy thép là bao nên dân vẫn sẽ chịu ô nhiễm.
Các ý kiến của người dân đều mong muốn di dời nhà máy thép khỏi khu dân dân cư. |
Ông Ngô Chối, đại diện người dân 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hoà Liên) đề nghị, lãnh đạo thành phố có giải quyết dứt điểm được tình trạng ô nhiễm khói bụi hay không? Nếu giải quyết không được thì yêu cầu nhà máy đóng cửa. Ông Chối cho rằng, nếu thành phố đưa ra lộ trình di dời 2 nhà máy thì đề nghị lãnh đạo nhà máy phải thực hiện ngay để dân yên tâm làm ăn sinh sống.
Theo các hộ dân việc chậm xử lý vấn đề “cách ly” dân ra khỏi nhà máy, khiến những ngày đầu năm mới Mậu Tuất này, bà con vì quá bức xúc đã kéo đến bao vây 2 nhà máy, không cho nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Gần đây dân chúng tôi rất chi là bức xúc. Hiện nay mấy chục héc ta ruộng bỏ không, dân chúng tôi đói. Làm 1 sào ruộng tệ chi thu hoạch cũng 9 đến 10 bao lúa. Tâm tư nguyện vọng của nhân dân chúng tôi hôm nay đầu năm các vị lãnh đạo về đây là chân tình hợp lý nhất. Dân chúng tôi yêu cầu phải chấm dứt ngay ô nhiễm chứ không kéo rê đến năm 2019 hay 2020 nữa”, người dân phản ánh.
Tuy nhiên, chính quyền TP Đà Nẵng vẫn lúng túng trong việc trả lời người dân nên mọi người đã nhanh chóng ra về khi chưa đạt được thỏa thuận. |
Đại diện doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Da Na- Ý cho biết, mấy hôm nay người dân bức xúc bao vây nhà máy khiến việc sản xuất kinh doanh của đơn vị ngừng trệ. Ông Tân thừa nhận khi Nhà máy sản xuất có ảnh hưởng khói bụi đến người dân xung quanh, nhưng về nước thải thì hệ thống nước thải của nhà máy tuần hoàn nên không thải ra ngoài. Về ô nhiễm tiếng ồn thì dọc dãy hàng rào phía trước yêu cầu phải trồng cây và cách âm.
“Nhà máy đã gửi thiết kế xây dựng lên thành phố rồi, nhưng khi tiến hành xây dựng thì bà con phản đối... Bản thân doanh nghiệp không thể đáp ứng mà để cho lãnh đạo thành phố trả lời bà con”, ông Tân nói.
Trả lời kiến nghị của người dân, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng việc 2 nhà máy đặt tại xã Hòa Liên là do yếu tố lịch sử. Hiện chính quyền thành phố đang lúng túng vì cả 2 phương án: di dời nhà máy và di dời dân đều không khả thi.
“Cả 2 phương án đều xấu hết. Chúng ta phải chọn ra được phương án ít xấu nhất cho cả cộng đồng, cho cả phía doanh nghiệp, cho cả phía chính quyền. Đầu tiên nghĩ đến phương án di dời 2 nhà máy. Trước đây thành phố cũng đã tìm địa điểm thích hợp nhưng trên địa bàn thành phố đều không tìm được các vị trí di dời 2 nhà máy đến. Phương án di dời dân thì chúng ta phải đối diện với áp lực tái định cư. Thành phố cũng đã chuẩn bị 2 khu tái định cư Hòa Liên 6 và Hòa Liên 7, cách xa nhà máy hơn 500 mét nhưng người dân không chịu“, ông Minh nói và cho biết sẽ chờ xin ý kiến lãnh đạo thành phố và sẽ trả lời cho bà con vào thứ 2 tuần tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận