Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng làm việc với lãnh đạo huyện Củ Chi |
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nhiều lần nhắc đến việc TP.HCM cần cơ chế đột phá để phát triển. Ông đã đưa ra bốn cái đặc biệt cho TP HCM.
“Một đô thị đặc biệt thì phải có cơ chế đặc biệt, giải pháp đặc biệt, quyết tâm đặc biệt. Một đô thị đặc biệt mà chỉ có cơ chế bình thường, giải pháp bình thường như các nơi khác thì không phát triển được”.
Bí thư Đinh La Thăng cho rằng cơ chế đặc biệt cho TP HCM là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định của Đảng, Nhà nước. Các Nghị quyết của Bộ Chính trị, mới nhất là Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khi làm việc với Thành ủy TP HCM cũng nêu rõ, thành phố cần kiên trì làm việc với các Bộ ngành Trung ương để có cơ chế đột phá phát triển.
Cơ chế đặc biệt đó là gì thì phải đi vào từng vấn đề cụ thể. Bí thư Thăng dẫn chứng khi thực hiện dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, nếu tuân thủ theo các quy định thì dự án có nguy cơ chậm tiến độ. Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để ban hành nhiều văn bản đặc thù áp dụng cho dự án này. Chẳng hạn như ban hành văn bản quy định tất cả các mỏ vật liệu như cát, đá cung cấp cho dự án mở rộng QL1 nếu quá hạn hay vượt công suất đều được ưu tiên làm thủ tục cấp lại để cung cấp cho dự án. Có như thế dự án mới triển khai nhanh được và hoàn thành vượt tiến độ so với thời gian ban đầu.
Khi nghe giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết có đến trên 80% dự án giao thông chậm tiến độ là do vướng GPMB. Bởi các quy định về việc GPMB cho các dự án thực hiện trên địa bàn TP HCM cũng giống như các tỉnh khác nên rất khó thực hiện. Ông Thăng yêu cầu Sở GTVT cũng như các Sở ngành phải trực tiếp làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để có cơ chế đặc biệt vào từng lĩnh vực cụ thể. Tất nhiên khi có cơ chế đặc biệt rồi thì phải có những “người đặc biệt” để thực hiện quyết liệt các cơ chế đó.
Theo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, TP HCM từng nổi tiếng là nơi đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính “xé rào” để phát triển. Chẳng hạn như cơ chế thu hút vốn đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, đổi đất lấy hạ tầng BT, xây dựng các Khu công nghiệp, Khu chế xuất…Những cơ chế đó lúc đầu chỉ mới áp dụng ở TP HMC nhưng sau đó được nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước. Và trong giai đoạn mới này TP HCM cần tiếp tục vai trò là đầu tàu của cả nước, đi đầu trong việc xây dựng các cơ chế chính sách mang tính đột phá để phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận