Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 30/10 |
Sáng 30/10, bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trao đổi với báo giới xung quanh câu chuyện tinh giản biên chế của thành phố. Theo ông, quá trình sắp xếp, tinh giản biên chế bao giờ cán bộ, công chức cũng có tâm tư. Tuy nhiên, nếu làm tốt công tác tuyên truyền, cán bộ, công chức cũng chia sẻ.
Vừa qua Hà Nội sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, giảm hàng trăm phòng, ban và gần 1.000 công chức, viên chức… Khi thực hiện việc này, cán bộ công chức có tâm tư gì không, thưa ông?
Tâm tư thì chắc lúc nào cũng có hết. Tôi đang trưởng phòng lại bảo tôi xuống nhân viên, xuống phó phòng thì chắc chắn tâm tư bởi còn gia đình, vợ con. Nhưng phải làm sao để người ta hiểu, chia sẻ với mình. Việc sắp xếp nhân sự hôm nay làm chức này, ngày mai làm chức khác thì cũng là chuyện bình thường, không phải là cái gì ghê gớm, đây cũng không phải là kỷ luật mà là sắp xếp lại khi vị trí đó thấy không còn cần nữa.
Ví dụ như trước đây có 6-8 phó ban, phó giám đốc thì bây giờ không thể như thế được nữa, bây giờ anh về làm nhóm chuyên gia giúp việc cho đồng chí Giám đốc mới thì người ta dù tâm tư một tí nhưng cũng vui vẻ.
Vấn đề là mình phải làm minh bạch, đừng có vì người này hạ người khác xuống thì họ sẽ cảm thấy bị đối xử không công bằng. Đây là vấn đề khó.
Tuy có tâm tư, nhưng nếu việc tinh giản, sắp xếp bộ máy làm tốt công tác tuyên truyền thì mọi người cũng chia sẻ. Ví dụ mọi người cùng thấy là số lượng nhiều quá, số người ngồi chơi lại nhiều hơn người làm thì khi tinh giản mọi người cùng thấy hợp lý, cùng chia sẻ thì sẽ cùng hi sinh. Do vậy, trong thời gian qua, số cán bộ công chức, viên chức và đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp cũng nhận thức được. Ví dụ như Ban quản lý dự án khi làm cũng có đồng chí nói là hợp lý bởi cả ban chúng tôi một năm có một hai dự án, nuôi mấy chục con người thế này. Lấy người vào rất dễ nhưng việc không có, rồi không có tiền trả lương.
Việc quan trọng là anh làm thế nào để minh bạch, để người ta không thấy là cuối cùng những người “cánh hẩu” thì được, còn lại không phải thì bị loại.
Vừa qua, Hà Nội làm được vấn đề này minh bạch thì anh em mới không tâm tư. Tâm tư chính là khi anh loại những người làm được việc ra. Cái đó mới là cái quan trọng, kể cả khi anh đẻ ra bộ máy mà người ta thấy không minh bạch thì người ta vẫn thấy không đồng tình.
Vậy sau khi tinh giản được thì hiệu quả công việc thay đổi thế nào, thưa ông?
Sau tinh giản thì hiệu quả tốt hơn, vì khối lượng công việc làm được nhiều hơn, trong khi đó số người ít hơn, đặc biệt các đầu mối ít hơn. Nhưng vấn đề này đòi hỏi cả một quá trình, chứ không phải ngay một lúc mà thể hiện được. Cả một mô hình tổ chức như vậy thì trong một năm chưa thể thể hiện được.
Trước đây, việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội đã được thực hiện. Qua quá trình thì việc sắp xếp đó có ảnh hưởng gì đến hiện tại không, thưa ông?
Có ảnh hưởng chứ. Vừa rồi sắp xếp, tinh giản rất nhiều phòng, ban, biên chế cũng là hậu quả của việc ấy. Sáp nhập 2 địa phương vào thì số lượng cán bộ bị dư ra, thì anh cũng phải giải quyết dần dần chứ không phải làm một lúc được ngay. Sang năm là 10 năm rồi, lúc đó mình kiên quyết đưa về một mô hình chuẩn. Kể cả các ban đảng, cũng như các cơ quan chính quyền cũng đều bị tác động của việc sáp nhập, bị tăng số người.
Trong quá trình tinh giản, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cũng chỉ rõ thường đối tượng tinh giản đều là những người về hưu. Như vậy việc tinh giản này có thực chất?
Quá trình thực hiện Nghị quyết 39 trong vòng 5 năm, chứ không phải 1-2 năm mà đã giảm được 10% biên chế.
Hơn nữa, trong tổng số biên chế có cả lực lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập, chứ không phải chỉ có công chức. Với phần viên chức, dân số càng tăng thì càng tăng viên chức, bởi người ta đi theo dịch vụ công như cô giáo, bác sĩ thì số đó lại phải tăng, trong khi đó mục tiêu của chúng ta là phải giảm được 10% tổng biên chế, nhưng đó là trong cả quá trình 5 năm chứ không phải chỉ trong 1-2 năm.
Hiện TP Hà Nội cũng đang đề nghị Chính phủ cho xây dựng cơ chế tự nguyện. Tức là tôi tự nguyên xin nghỉ làm việc khác thì có cơ chế gì hỗ trợ cho tôi không, ngoài những chính sách của nhà nước. TP muốn đề xuất như thế, kiểu như người ở lại hỗ trợ người đi ra, thì người ta sẵn sàng đi ra để nhận công việc khác. Thường các nước cũng làm như vậy và đây là việc rất nhân văn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận