Bí thư HN Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại giao ban sáng 25/9 |
Ngày 25/9, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban với các quận huyện, thị xã về công tác đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị, phòng chống cháy nổ…
Phải quản lý theo quy hoạch
Tại hội nghị, nêu vấn đề hiện nay Hà Nội đã có hệ thống quy hoạch tương đối hoàn thiện và phải kiên quyết quản lý theo quy hoạch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đồng tình với quyết tâm của một số quận huyện khi xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực đất đai. “Không cho phép tồn tại kéo dài các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Nếu phát sinh phải xử lý dứt điểm ngay. Với 153 vụ việc vi phạm về đất nông nghiệp; 240 vi phạm trật tự xây dựng đã rõ địa chỉ trách nhiệm thì cần tập trung xử lý dứt điểm”, ông Hải yêu cầu.
Về lĩnh vực đảm bảo TTATGT, ông Hải đánh giá cao nỗ lực của UBND TP khi xây dựng Đề án quản lý phương tiện được HĐND TP thông qua; có kế hoạch cụ thể để triển khai. Khẳng định đây là tiền đề quan trọng, Bí thư Thành ủy đề nghị các quận huyện phải coi đây là các giải pháp “nước sôi, lửa bỏng”, triển khai quyết liệt ngay từ bây giờ. Dẫn chứng việc thành phố dành 60% vốn trung hạn đầu tư cho giao thông, Bí thư Thành ủy cho biết: “Sắp tới, Hà Nội sẽ kiến nghị cơ chế với Chính phủ, giao thành phố thẩm quyền lớn hơn đối với các dự án hạ tầng trọng điểm bởi đáp ứng nhu cầu đô thị 10 triệu dân không thể chậm trễ được”.
Bí thư Thành ủy đặc biệt lưu ý lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội tăng cường hơn trong xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết, tự trang bị các kiến thức để bảo vệ gia đình, bản thân khi có hỏa hoạn, không để xảy ra những vụ việc gây mất mát đau đớn, nghiêm trọng.
Xử lý dứt điểm vi phạm PCCC
Đề cập đến công tác phòng chống cháy nổ, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn... Đây là những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Qua thống kê, số vụ cháy hàng năm cũng như hậu quả thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra vẫn có dấu hiệu gia tăng (trung bình từ 600 - 800 vụ/năm). Qua điều tra, thống kê toàn bộ các nhà chung cư cao tầng xây dựng không có giấy phép, xây dựng sai phép không đảm bảo yêu cầu về PCCC, các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng..., lực lượng PCCC đã công khai danh sách 79 công trình nhà cao tầng chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đã có 19/79 công trình khắc phục các vi phạm về PCCC; còn tồn tại 60/79 công trình đang tiếp tục triển khai thực hiện...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch các quận huyện, xã phường. Nhấn mạnh thêm công tác xử lý sai phạm chưa thực sự quyết liệt khi đã có quy trình cụ thể, ông Nam nói: “Chắc chắn sắp tới HĐND TP sẽ tiếp tục chất vấn về việc các công trình vi phạm về PCCC đã chuyển cho Cảnh sát PCCC Hà Nội được xử lý đến đâu, có triệt để không”.
Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, PCCC là vấn đề nóng và còn diễn biến xấu. Với 60 công trình chưa đảm bảo điều kiện PCCC, ông Hải yêu cầu xử lý dứt điểm, có kế hoạch, thời gian, trách nhiệm từng người với từng công trình. “Ngày nào các chung cư còn tồn tại vi phạm PCCC là chúng ta chưa thể ngủ yên”, Bí thư Thành ủy nhắc nhở.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận