|
Tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh, đến nay, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam vẫn chưa được đánh giá hết tiềm năng, chưa cụ thể hóa, xây dựng được cơ chế chính sách đặc thù cho vùng phát triển. Hội đồng điều phối liên kết vùng chưa thật sự hiệu quả.
Cứ như hiện nay thì rất khó liên kết, từng địa phương cũng không thể hy sinh lợi ích của địa phương mình vì lợi ích vùng được.
“Do đó, cần có cơ chế để gắn kết sự phát triển của địa phương với vùng, xây dựng thành đặc khu kinh tế mở cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, không chỉ TP.HCM. Ngoài ra, cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách, tạo giá trị gia tăng, thu hút các ngành phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, nhất là hạ tầng giao thông. Du lịch không kết nối, không thể có sản phẩm đặc trưng của cả vùng, cứ mạnh ai nấy làm, sao phát triển được?”, Bí thư Thăng nói.
Bí thư Đinh La Thăng đề nghị các bộ ngành, vấn đề nào có thể triển khai được thì làm ngay. Chẳng hạn hàng loạt các dự án giao thông kết nối với các địa phương. Trong khi chúng ta cứ nói chưa có cơ chế đồng bộ, thì chỉ cần tập trung khai thác hết các chủ trương hiện có. Nhu cầu kết nối Đồng Nai và TP.HCM, mở sân bay, cảng Cát Lái… để giảm tình trạng kẹt xe là cấp thiết, phải làm nhanh, chờ cơ chế mới rất lâu…
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đóng góp hơn 60% ngân sách quốc gia. Tuy nhiên vấn đề liên kết vùng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế và các tổ điều phối của các bộ, ngành trung ương, địa phương.
“Hội thảo lần này cần đánh giá được thực trạng về cơ chế, mối liên kết vùng, cũng như đề ra những giải pháp đột phá, nâng cao hiệu quả liên kết để phát triển bền vững”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam 2015- 2016 cho biết, vùng có 8 tỉnh: TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang đang đóng góp hơn 42% GDP và chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đóng góp hơn 60% ngân sách quốc gia. Riêng TP.HCM đã tập trung gần 40% cán bộ khoa học của cả nước. Giai đoạn 2001-2015, kinh tế vùng có mức tăng trưởng ổn định, cao hơn cả nước 1,5 lần. |
Tại hội thảo, TS Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dậy kinh tế Fulbright) chỉ ra ba vấn đề làm mất khả năng tiên phong, dẫn đầu của TP.HCM.
Thứ nhất là chính sách cào bằng. Về dân số, tổng sản phẩm trên địa bàn và số thu ngân sách của TP.HCM đều chiếm 50% hoặc cao hơn trong tổng thể cả 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên vai trò và vị thế trong hệ thống chính trị của TP.HCM chỉ nhỉnh hơn các địa phương khác. Luật pháp và quy định hiện hành của thành phố gần như không có vai trò hay sự ảnh hưởng gì với các địa phương xung quanh. Bởi vậy, thành phố không có cơ sở hay tính chính danh để phát huy vai trò đầu mối thúc đẩy hợp tác và liên kết vùng.
Thứ hai, ngân sách cho thành phố được giữ lại quá ít, không có nguồn lực phát triển. Thứ ba, TP.HCM chưa bao giờ có chiến lược hay tầm nhìn dài hạn về vấn đề này.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho hay một trong những kiến nghị mà UBND TP muốn đề xuất với Chính phủ là ưu tiên vốn ngân sách và ODA xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, đẩy mạnh logistic. Cần có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng, bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh giữa giao thông, cảng, bến bãi và mạng thông tin quản lý như tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan…
Xem video Bí thư Thăng truy Chủ tịch Hóc Môn:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận