Chiều 22/4, sau khi nghe báo cáo, giải trình của Cục trưởng Cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế về phân luồng cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cho biết, tỉnh ghi nhận sự vào cuộc tích cực, tiếp thu, báo cáo giải trình kịp thời của Cục Đường bộ về các giải pháp đảm bảo ATGT trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngoài văn bản báo cáo giải trình ý kiến của ngành chức năng, Phòng CSGT (Công an tỉnh), Cục Đường bộ VN tổ chức buổi làm việc, giải trình trực tiếp các vấn đề liên quan. Đặc biệt là phương án phân luồng, điều tiết xe ô tô trên 30 chỗ, xe tải nặng từ 6 trục trở lên (kể cả tổ hợp phương tiện) không vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ ngày 4/4.
Ông Lưu đánh giá, từ khi cao tốc đưa vào khai thác (cuối năm 2022) đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phân lưu QL1, đảm bảo ATGT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với bối cảnh đầu tư phân kỳ, công trình phát sinh một số vấn đề khai thác, nên việc tổ chức giải pháp nâng cao hơn nữa an toàn giao thông trên tuyến là cần thiết.
Ông Lưu chia sẻ về những lần lưu thông trên cao tốc này, phải chứng kiến những đoàn xe nối nhau sau các xe tải nặng chạy chậm, khiến nguy cơ vượt ẩu, TNGT thường trực.
"Tôi thấy đơn giản, nếu không đảm bảo ATGT thì nên phân luồng phương tiện. Trước đây chưa có cao tốc, các xe này phải chạy trên QL1, giờ điều tiết, phân luồng lại QL1 thôi", ông Lưu phân tích.
Theo Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, các xe lưu thông đông trên cao tốc vì tránh được 3 trạm thu phí (BOT Phú Bài, BOT Đông Hà, và BOT hầm Hải Vân). Có thể vì lợi ích này lên các tài xế xe chạy nhiều.
Chia sẻ, đồng thuận với phương án trên của Cục Đường bộ VN, người đứng đầu Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế yêu cầu các đơn vị chức năng Cục Đường bộ VN, địa phương cần tăng cường giải pháp để đảm bảo ATGT cho cả hai tuyến QL1, cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Theo ông Lưu, khi đi trên tuyến tránh TP Huế mới đây, tuyến tránh đông xe mà cao tốc thì vắng, cần đánh giá, xem xét lại việc này. Nếu cần thì mình phân luồng thí điểm trong một thời gian.
Giải trình về vấn đề này, Cục trưởng Cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường cho hay, hiện tượng "vắng xe" trên cao tốc sau khi phân luồng, thực chất là do dòng phương tiện thoát xe nhanh, không còn tình trạng ùn ứ cục bộ nên có cảm giác là đường thưa vắng.
Theo ông Cường, phân luồng phương tiện là giải pháp cuối cùng được tính tới sau khi ngành đường bộ đã triển khai loạt giải pháp đồng bộ để bổ sung hệ thống ATGT, nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo ATGT trên tuyến. Đồng thời, Cục lập các đoàn liên ngành, lấy ý kiến các cơ quan chức năng, địa phương để thống nhất phương án phân luồng, điều tiết xe ô tô trên 30 chỗ, xe tải nặng từ 6 trục trở lên.
"Trong bối cảnh cao tốc phân kỳ đầu tư, việc điều tiết phương tiện trên được xem là giải pháp tối ưu, hiệu quả nhất so với các giải pháp khác, căn cứ trên các cơ sở khoa học, bối cảnh thực tiễn và thẩm quyền của Cục Đường bộ trên QL1 và cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Với đặc thù cao tốc 2 làn, giải pháp này cũng khó có tránh khỏi những vấn đề phát sinh nên rất cần sự chia sẻ của địa phương, người dân trên tuyến...", ông Cường cho biết.
Theo ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA đường HCM, cùng với giải pháp trước mắt về bổ sung, điều chỉnh hệ thống ATGT và phân luồng cao tốc, giải pháp lâu dài là sớm nâng cấp, mở rộng cao tốc lên 4 làn xe đã được Bộ GTVT trình Chính phủ và chờ Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2024. Với cơ chế đặc thù, việc mở rộng này có thể triển khai, hoàn thiện ngay cuối năm 2025. Qua đó, cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ kết nối đồng bộ với tuyến Hòa Liên - Túy Loan, cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, thuận lợi là việc GPMB cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã đảm bảo quy mô 4 làn xe. Ông Minh đề nghị Cục Đường bộ VN quan tâm, đầu tư hệ thống nút giao, đường kết nối từ cao tốc xuống QL1, kết nối 2 đường gom dân sinh dọc tuyến…
Theo ông Lưu, GPMB thuận lợi, tỉnh chủ động nguồn vật liệu, không để bị động, khan hiếm, đặc biệt là nhu cầu về nguồn vật liệu đất đắp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Cường cho hay, Cục chủ trương đầu tư quy mô, hoàn thiện các nút giao, nhưng cần phân kỳ, nút giao nào triển khai khác, nút giao nào ở giai đoạn sau theo nhu cầu thực tế. Lãnh đạo Cục Đường bộ VN kiến nghị địa phương sớm bổ sung, cập nhật các nút giao này vào quy hoạch để Chính phủ phê duyệt.
Về đề xuất mở rộng 6 tuyến kết nối cao tốc và các đường gom, ông Cường cho biết căn cứ theo phân cấp, phân quyền, nếu quốc lộ thì do Bộ GTVT, cục đầu tư, còn lại do địa phương đầu tư. Riêng việc kết nối giữa 2 đường gom dân sinh do Ban QLDA đường HCM (chủ đầu tư) rà soát triển khai…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận