Đại hội thông qua nhiều nội dung quan trọng như: Báo cáo tổng kết hoạt động của HĐQT giai đoạn 2017 - 2021, định hướng 2022 - 2027, trọng tâm 2022; Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021, kế hoạch 2022; Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Kiểm soát năm 2021, trọng tâm 2022; Bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát BIDV nhiệm kỳ 2022 - 2027…
Toàn cảnh Đại hội cổ đông thường niên 2022 của BIDV
Đại hội thống nhất báo cáo nhiệm kỳ 2017 - 2022 của HĐQT BIDV. Trong nhiệm kỳ, HĐQT BIDV đã chỉ đạo toàn hệ thống hoàn thành toàn diện, đồng bộ các mục tiêu kế hoạch kinh doanh hàng năm do Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) giao và thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Tổng tài sản BIDV tăng trưởng ổn định qua các năm, đến 31/12/2021 đạt 1.761.696 tỷ đồng, gấp 1,75 lần so với thời điểm 31/12/2016, tăng trưởng bình quân 11,85%/năm giai đoạn 2017 - 2021, là NHTMCP có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam.
Huy động vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống. Đến 31/12/2021, tổng nguồn vốn huy động đạt 1.641.777 tỷ đồng, gấp 1,75 lần so với thời điểm 31/12/2016; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1.509.483 tỷ đồng, gấp 1,89 lần, tăng trưởng bình quân 13,61%/năm giai đoạn 2017-2021, chiếm bình quân trên 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.
Dư nợ tín dụng tăng trưởng khá, tuân thủ giới hạn tín dụng NHNN giao, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN và định hướng của BIDV.
Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại Đại hội
Đến 31/12/2021, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.677.310 tỷ đồng, gấp 1,76 lần so với 31/12/2016; Trong đó dư nợ tín dụng tổ chức kinh tế và dân cư đạt 1.368.029 tỷ đồng, gấp 1,82 lần, tăng trưởng bình quân 12,73%/năm trong 5 năm, chiếm trên 13% thị phần tín dụng toàn ngành, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng.
Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ: Tỷ lệ nợ xấu thời điểm 31/12/2021 ở mức 0,82%, kiểm soát theo đúng mục tiêu NHNN và ĐHĐCĐ giao hàng năm; Trích lập dự phòng rủi ro hàng năm theo quy định, trong đó năm 2021, trích đủ 100% DPRR cho dư nợ cơ cấu theo các Thông tư 01/03/14 của NHNN, sớm hơn 2 năm so với yêu cầu của NHNN; Tỷ lệ bao phủ nợ xấu riêng khối NHTM thời điểm 31/12/2021 đạt 235%.
Các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát BIDV nhiệm kỳ 2022 - 2027 ra mắt Đại hội
Trong giai đoạn 2017 - 2021, HĐQT chỉ đạo sát sao triển khai các biện pháp tăng vốn với những kết quả quan trọng: Năm 2019, phát hành thành công cổ phần cho đối tác chiến lược Hana Bank, nâng vốn điều lệ BIDV từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng; Năm 2021, tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu đưa vốn điều lệ BIDV lên 50.585 tỷ đồng.
Tại phiên họp HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2022 - 2027 lần thứ nhất, HĐQT đã thống nhất bầu Ông Phan Đức Tú giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2022-2027 và quyết định bổ nhiệm Ông Lê Ngọc Lâm - Thành viên HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2022 - 2027 tiếp tục giữ chức vụ Tổng Giám đốc BIDV.
BIDV đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 với các chỉ tiêu chính như: Dư nợ tín dụng tăng trưởng tuân thủ giới hạn NHNN giao; Lợi nhuận trước thuế riêng khối NHTM đạt 20.000 tỷ đồng, hợp nhất 20.600 tỷ đồng…
Đến hết quý I/2022, kết quả kinh doanh của BIDV bám sát kế hoạch đề ra: Tổng tài sản đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với đầu năm; Dư nợ tín dụng đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,7%; Huy động vốn đạt 1,53 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1,3%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát ở mức 0,8%; Tỷ lệ trang trải nợ xấu đạt trên 277%; Lợi nhuận trước thuế đạt 4.513 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận