Tài chính

“Coi con người là số 1” để giữ chân lao động

01/05/2022, 06:30

Trải qua đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp càng nhận ra việc giữ chân lao động quan trọng đến thế nào.

Thực tế cho thấy, nơi nào có chính sách tốt, người lao động gắn bó, hoạt động sản xuất kinh doanh luôn được duy trì trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

img

Là một trong những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất Việt Nam nhưng Samsung vẫn duy trì được sản xuất ổn định trong suốt thời gian dịch bệnh

Trang bị rạp phim, phòng tập gym cho lao động

Là một trong những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất Việt Nam nhưng vẫn duy trì được sản xuất ổn định trong suốt thời gian dịch bệnh, lãnh đạo Samsung Việt Nam cho Báo Giao thông biết, tại Samsung, con người luôn là số 1.

Triết lý đó luôn được thể hiện xuyên suốt trong mọi mặt đời sống của nhân viên trong công ty.

“Nhằm đáp ứng nguyện vọng “ly nông bất ly hương” của người lao động, Samsung Việt Nam cung cấp hệ thống xe buýt chất lượng cao làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, công nhân viên đi làm hàng ngày.

Với những nhân viên ở nội trú, Samsung Việt Nam đã xây dựng kí túc xá dành cho nhân viên, cung cấp khoảng 30.000 chỗ ở với cơ sở vật chất tiện nghi khó có thể tìm thấy ở một doanh nghiệp sản xuất”, lãnh đạo Samsung Việt Nam cho biết.

Cũng theo vị này, kí túc xá không chỉ là nơi các nhân viên nghỉ ngơi sau giờ làm việc, mà còn đáp ứng đầy đủ các nhu cầu sinh hoạt, giải trí khác với nhiều phòng tiện ích hiện đại, lý tưởng như: Phòng chiếu phim, phòng gym, canteen, siêu thị, thư viện, salon tóc, phòng trang điểm…

Cùng đó, ở mỗi nhà máy đều có trạm y tế với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân viên hàng ngày.

Samsung Việt Nam cũng có chính sách đặc biệt chăm sóc cho nhân viên nữ, nhất là thai phụ và bà mẹ bỉm sữa.

Đặc biệt, Samsung luôn nỗ lực đảm bảo thu nhập ổn định và chế độ lương thưởng cũng như đời sống tinh thần cho toàn thể nhân viên ngay cả trong bối cảnh đại dịch.

“Đó chính là động lực để người lao động tại Samsung Việt Nam tiếp tục chung sức đồng lòng, sát cánh cùng công ty vượt qua đại dịch và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, lãnh đạo Samsung Việt Nam khẳng định.

Ở quy mô nhỏ hơn, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối châu Âu cũng chia sẻ, thời điểm dịch bùng phát mạnh, công ty phải di chuyển từ Hà Nội đến địa điểm hoạt động mới tại Khu công nghiệp Vĩnh Phúc.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nhân công lao động của doanh nghiệp. Công việc bị gián đoạn, nhiều người phải tìm các công việc khác để duy trì cuộc sống.

Thấu hiểu điều đó, khi hoạt động sản xuất bình thường trở lại, công ty đã nỗ lực xây dựng chính sách thật tốt, trong đó chú trọng đến vấn đề thu nhập của người lao động.

Theo đó, với những người lao động ở Hà Nội, nếu tiếp tục làm việc cho công ty sẽ được hỗ trợ việc đi lại, ăn ở, nghỉ tại chỗ và sẽ được trả lương gấp 1,5 lần so với trước đó.

Với những lao động mới là người tại địa phương, mức lương cũng sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của các đơn vị cùng ngành nghề.

Giữ chân bằng phúc lợi và mức lương thỏa đáng

Tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp quy mô lớn cũng đang có nhiều chính sách để chăm lo cho người lao động, đặc biệt là sau làn sóng hồi hương hồi cuối năm ngoái.

Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon (chuyên về xuất khẩu thực phẩm đông lạnh, xuất khẩu đi Mỹ, Nhật và các nước châu Âu) cho hay, do đơn hàng năm sau đã ký kết từ năm trước nên công ty luôn phải chuẩn bị kế hoạch dữ trự, nguồn hàng.

Bởi vậy, việc duy trì lao động để đảm bảo sản xuất là cực kỳ quan trọng.

Để giữ chân người lao động, giải pháp quan trọng nhất chính là thiện chí của doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất. Thiện chí này thể hiện ở chính sách đãi ngộ, chế độ tiền lương. Khi chính sách đãi ngộ tốt, tiền lương hợp lý để đảm bảo cuộc sống, người lao động mới có thể yên tâm làm việc. Một khi đãi ngộ không tốt, người lao động sẵn sàng “nhảy” việc.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong

“Chúng tôi duy trì việc tăng lương theo đúng quy định và đặc biệt các chế độ phúc lợi khác.

Trong đó, riêng mức đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên tại đây cao gấp 3 lần so với đơn vị hành chính.

Đó là một trong những lý do nhân sự của công ty đa số đều là người đã làm lâu năm”, ông Long nói.

Theo ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines, kể cả khi dịch bệnh phức tạp nhất, hoạt động bị gián đoạn, công ty vẫn có chính sách giữ chân hàng ngàn lao động, không để bất kỳ một nhân viên nào phải nghỉ việc hoặc mất việc.

Đặc biệt, các chế độ phụ cấp được duy trì đều đặn trong mùa dịch cho người lao động (theo mức khung lương đóng bảo hiểm xã hội).

Riêng các tài xế và nhân viên tổng đài xung phong chống dịch, công ty đều đặn hàng tuần có chính sách thưởng riêng để họ an tâm phục vụ.

“Khi bước vào giai đoạn bình thường mới, các chế độ lương, phúc lợi xã hội lương, thưởng theo tháng, theo quý, theo năm được khôi phục lại như trước khi đại dịch bùng phát”, ông Ánh cho hay.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, để giữ chân lao động trong bối cảnh hiện nay, ngoài mức lương thỏa đáng, doanh nghiệp cũng cần có các chính sách phúc lợi hấp dẫn.

Với việc sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường như trước dịch, nếu doanh nghiệp không giữ chân được lao động sẽ không thể mở rộng được sản xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.