Thời sự

Biên chế vẫn tăng dù Trung ương yêu cầu giảm

23/02/2017, 09:49

Bộ máy ngày càng tăng nhưng không biết trách nhiệm thuộc về ai? ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi.

23

Hàng nghìn thí sinh đội nắng, xếp hàng nộp hồ sơ dự tuyển công chức vào Cục Thuế Hà Nội, tháng 8/2015 - Ảnh: Võ Hải

Tính đến ngày 30/10/2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người, vượt 8.743 người so với số được giao. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo do đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức ngày 22/2.

Vượt gần 9.000 người hưởng lương ngân sách

Về tình hình thực hiện biên chế từ năm 2014 - 30/10/2016, ông Nguyễn Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức điều lệ, Ban Tổ chức T.Ư cho biết, năm 2014 tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước của các tổ chức trong hệ thống chính trị là 3.685.961 người. Các cơ quan quản lý biên chế của T.Ư giao năm 2016 là 3.725.559 người. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/10/2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người, vượt 8.743 người so với số được giao. Như vậy, dù có Nghị quyết của T.Ư, của Bộ Chính trị nhưng số biên chế vẫn tăng chứ không giảm.

Đánh giá nguyên nhân, ông Tùng cho rằng, do tâm lý ngại va chạm nên các cơ quan, tổ chức các cấp, các ngành chưa thực hiện nghiêm túc các chủ trương, Nghị quyết của T.Ư về quản lý biên chế và tinh giản biên chế. Nhiều cấp ủy tổ chức người đứng đầu các cấp chưa có quyết tâm chính trị cao, chưa có giải pháp đồng bộ, phù hợp đủ mạnh để thực hiện, chưa xây dựng được cơ chế đánh giá cán bộ khoa học. Việc bố trí sử dụng cán bộ công chức, viên chức vẫn còn có tình trạng “có lên không có xuống”, “có vào không có ra”, “biên chế suốt đời”, “chủ nghĩa bằng cấp”, thiếu cơ chế cạnh tranh trong đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ….

Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện biên chế và quản lý biên chế còn buông lỏng. Chưa có chế tài cụ thể đủ mạnh để xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với những cơ quan, tổ chức vi phạm quy định về biên chế.

Theo ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ), đến ngày 22/2, đã có 22 bộ gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ xin thẩm định, trong đó đều đề xuất tăng biên chế. Về phía địa phương cũng nhiều nơi xin tăng, trong đó nhiều nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Có tình trạng “Bộ nhỏ trong Bộ to”

ĐBQH Nguyễn Sĩ Cương, thành viên đoàn giám sát đặt vấn đề về việc bộ máy ngày càng tăng nhưng không biết trách nhiệm thuộc về ai? “Quy định về việc này đã có 7 năm nay nhưng có cơ quan nào làm đâu. Khi đoàn kiểm tra đến làm việc tại Bộ Nội vụ thì biên chế cũng “phình” ra. Chính ra Bộ Nội vụ là cơ quan đôn đốc, sắp xếp để các bộ đến học hỏi nhưng đến thời điểm này Bộ Nội vụ cũng chưa làm được”, ông Cương dẫn chứng.

PGS. TS. Lê Minh Thông, Phó tổng thư ký Quốc hội cũng nhận định, việc sắp xếp lại các bộ thành các bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với việc điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ của các bộ. Việc hình thành các bộ đa ngành chưa đi liền với việc sắp xếp lại cơ cấu bên trong của mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, mới chỉ hợp nhất, giảm được đầu mối ở một số đơn vị có nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp chung... Cùng với đó, cơ cấu bên trong các bộ lại đang có xu hướng phình to hơn và tăng thêm biên chế hành chính.

TS. Thông chỉ ra một số bộ thực hiện việc sáp nhập với nhau theo hình thức nguyên trạng, các đơn vị trong các bộ cũ, tổng cục cũ, ban cũ hầu như vẫn giữ nguyên, thậm chí cả về tên gọi của một số cơ quan trước đây trực thuộc Chính phủ sau khi đã nhập vào bộ. Những hạn chế này dẫn đến mô hình “Bộ nhỏ trong bộ to” biên chế không giảm được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.