Ảnh minh họa |
Biển mùa hè ồn ào, cuồng nhiệt. Bãi cát đông kín người. Từng đám. Từng tốp. Từng đôi. Hớn hở và ríu rít. Chỉ có hai kẻ thừa ra đang thất thểu. Họ nhận ra điều ấy thật nhanh và cũng làm quen với nhau thật nhanh. Ban đầu chỉ là những câu vu vơ bên mép nước:
- Hình như hôm nay biển động, nước đục quá!
- Xin lỗi! Anh cho hỏi mấy giờ rồi ạ?
Hỏi xong chị mới thấy mình vô duyên vì người đàn ông không đeo đồng hồ. Nhưng anh nhanh nhẹn rút điện thoại di động từ trong túi áo, mở ra xem rồi trả lời lịch sự. Lẽ ra đối thoại chấm dứt ở đây, cả hai tiếp tục bước ngược chiều nhau, nhưng tự dưng chị vấp vào vỏ chai bia ai quăng cẩu thả trên cát. Cú vấp không mạnh lắm, nhưng cũng đủ cho chị mất đà, suýt ngã. Như một phản xạ tự nhiên, anh lao tới đỡ. Cả hai ngỡ ngàng một thoáng trước tình huống bất ngờ ấy.
- Chị... đi nghỉ mát có một mình thôi à?
- Không... à, vâng... Thế anh?
- Cũng vậy, chị ạ!
Biển chiều dịu dàng hơn. Nước triều lên nhanh chóng. Ngoảnh đi ngoảnh lại, người tắm đã đâu sạch. Vài chấm buồm xa mờ càng làm cảnh vật thêm hữu tình. Gió lồng lộng. Trong quán giải khát ngay bờ biển, lúc khuấy thìa lanh canh trong ly nước, chị đã nhận ra một điều: Anh có đôi mắt thật buồn, chất chứa nhiều ẩn ức. Chủ nhân của đôi mắt ấy không thể là người vô tâm và chắc cũng chẳng sung sướng gì trong cuộc sống, dẫu ở anh toát lên vẻ thành đạt và lịch lãm. Thốt nhiên, chị nhớ tới chồng...
“Anh ơi! Anh ơi!”. “Hừm! Cái gì mà cứ rối cả lên thế. Im cho người ta xem tin thể thao”. “Trăng mọc rồi, đẹp chưa kìa”. “Có thế mà cũng gào như cháy nhà!”. Nhìn vẻ mặt nửa giễu cợt, nửa dửng dưng của chồng, chị nghẹn họng, không nói gì thêm, bỏ ra ngoài lan can đứng. Vầng trăng mười bốn nhập nhoè rồi như tan ra từng mảnh...
Anh thở dài, mắt vẫn nhìn xa. Chị tò mò:
- Anh đang nghĩ gì thế?
- À... không! Nhìn những chấm buồm kia, tôi nhớ mấy câu thơ của cụ Nguyễn Du: “Buồn trông cửa bể chiều hôm, Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”...
Chị xoay tấm các của anh trên tay, giọng thảng thốt:
- Tôi không ngờ anh là một doanh nhân mà lại thuộc thơ Nguyễn Du thế.
Anh quay sang, nhìn sâu vào mắt chị:
- Thi hào Nguyễn Du là của chung nhân loại, chứ có của riêng ai đâu mà chị nghĩ thế?
Chị bối rối:
- Không... ý tôi không phải thế. Nhưng mà...
Chị lại buộc phải nhớ chồng. “Hôm nay, em đọc báo văn nghệ, thấy có bài thơ hay lắm”. “Thôi, em để anh ngủ tí. Họp cả ngày, nhức đầu lắm, mai lại phải tiếp đoàn thanh tra”. Tờ báo rơi xuống chân giường. Chị vắt tay lên trán, nhìn trân trân vào bức “Mùa thu vàng” của Lêvitan treo trên tường phía cuối giường. Chồng chị từng phản đối “anh chẳng thấy nó đẹp đẽ gì” khi chị thay thế nó vào bức tranh hai bông hồng đỏ choét nở hết cỡ anh rước ở đâu đó về...
Anh an ủi chị: “Em đừng buồn quá thế. Do số phận cả thôi” khi chị thổn thức kể về quyết định ly hôn của mình. Mười năm chung sống, chẳng điều qua tiếng lại, chẳng va chạm mạnh bao giờ, nhưng hai vợ chồng như hai thái cực, khó dung hòa. Những vết nứt cứ xuất hiện ngấm ngầm trong lòng chị. Đến giờ thì không thể hàn gắn nổi. Lạ là anh không nhận ra điều ấy, vẫn vô tư sống. Một người đa cảm, một người vô tâm, một người hay nghĩ ngợi, một người luôn dửng dưng... Đúng là khó mà cùng nhau đi nốt đoạn đường đời còn lại. Chuyến đi biển một mình lần này của chị là để có thời gian và sự yên tĩnh để nghĩ về mọi chuyện, nghiền ngẫm những điều sẽ phải nói cùng chồng và tiếp thêm nghị lực cho mình. Một cô giáo dạy văn được học trò yêu quý, đồng nghiệp nể trọng, chuyện ly hôn đâu có giản đơn, dễ dàng và nhẹ nhõm. Nghĩ đến sự đổ vỡ, chị thấy sợ. Nhưng nghĩ đến việc cứ sống như thế này cho đến hết cuộc đời, còn thấy sợ hơn. Với chồng chị, câu bộc bạch, chia sẻ: “Anh ơi, em buồn quá” cũng chỉ tương đương câu: “Em nhức đầu lắm”. Thế giới tâm hồn là điều anh không nghĩ đến, không hình dung ra được và cũng vì thế mà thờ ơ với nó...
Đôi mắt anh đã buồn, lại càng buồn hơn khi kể chuyện mình: “Cô ấy ngã vào vòng tay kẻ khác trong lúc anh bận rộn vì công việc”. “Và anh không tha thứ?”. “Đúng thế! Cô ấy đã chà đạp lên tình yêu anh dành cho cô ấy”. Nhìn mắt anh, chị biết anh yêu vợ đến thế nào, đau đớn đến thế nào. “Đơn ly hôn đã gửi ra tòa án rồi. Cô ấy khóc, xin nghĩ lại. Nhưng...”. Cổ họng chị nghẹn đắng. Thương anh. Thương mình. Thêm nỗi cồn cào vì điều gì chẳng rõ. Giọng anh trầm đục: “Em có nhớ bài thơ “Biển đêm” của Huygô không?”. Chị khe khẽ gật đầu. Ngoài kia, biển đã tối sẫm. Quanh chỗ họ đèn màu giăng giăng lấp lánh. Tay anh đặt lên tay chị đang hờ hững úp miệng ly, ấm áp, tự nhiên như thể hai bàn tay ấy sinh ra là để tìm nhau.
- Mình ra kia dạo đi!
Không biết tự lúc nào, câu chuyện nồng nàn hơn. Biển đêm thăm thẳm đầy bí ẩn. Anh choàng tay qua vai chị, nghẹn ngào: - Em!
Không còn biển. Không còn sóng. Không còn cả trời sao đang ganh nhau lấp lánh. Chỉ còn vòng tay anh vừa mạnh mẽ, vừa dịu dàng, che chở... Bỗng dưng, chuông điện thoại reo rối rít. Anh ghì chị chặt hơn, toan mặc kệ, nhưng bản nhạc điện tử vẫn thi gan, réo mãi. Vòng tay anh lỏng dần. Chị ngồi thẳng lên.
- A lô!
Chị nghe thấy giọng trẻ con. Một bé gái, chắc khoảng bảy, tám tuổi gì đấy. Giọng anh vui mừng và trìu mến: - Ừ, chào con. Con khỏe chứ? Bố đang ở xa. Thế à? Thôi được, hôm nào bố về đã. Con nhớ ăn hoa quả nhiều vào...
Anh cất điện thoại, ngồi im. Chị nhích ra xa thêm chút nữa:
- Con gái anh đấy à?
- Ừ, con bé học lớp bốn. Xinh lắm, nói như vẹt suốt ngày.
Im lặng. Chị nhớ con nôn nao. Hai ngày nay ở với bà ngoại, chắc nó nhớ mẹ nhiều lắm. Miên man nghĩ mãi chuyện người lớn, chị chẳng có thời gian nghĩ về con nhiều. Bố nó đang đi công tác Thái Lan một tuần.
- Con gái anh tên là gì?
- Phương Thảo, ngọn cỏ thơm. Con bé bảo đang bị sốt. Mùa hè, trẻ con hay bị viêm não và sốt virus. Anh lo quá...
- Thằng cu Bin nhà em cũng có lần bị sốt virus đấy. Phải truyền nước hơn một ngày mới đỡ. Trẻ con sốt, cần cho bù nước ngay...
Câu chuyện tự nhiên chuyển hướng, xoay sang đề tài lũ trẻ. Chị nhận ra hai người có thêm một điểm chung lớn nữa là cùng yêu con thật nhiều. Đến khi chị hỏi: “Con gái anh giống bố hay giống mẹ?” thì những chuyện của người lớn lại quay về. Im lặng. Thở dài. Rồi lại im lặng. Thở dài. Tiếng sóng biển xô bờ thật lạ, lúc nghe như tâm sự, lúc như hát, lúc lại như khóc. Cuối cùng, chị lên tiếng trước: - Có lẽ... Mà đúng vậy, trong các cuộc chia tay, tụi trẻ là người khổ nhất...
Chị nhớ những lần hai vợ chồng đưa con đi chơi, đi học, về quê thăm ông bà... Nhớ tiếng cười nắc nẻ của con khi chạy lon ton giữa bố và mẹ...
- Anh cũng nghĩ thế...
- Chia tay vì lý do gì đi chăng nữa, người lớn cũng luôn tàn nhẫn, luôn có lỗi, phải không anh?
Anh không trả lời mà ngồi như hóa đá, mặt quay ra phía biển:
- Anh có một tuổi thơ dài cay đắng. Bố mẹ ly hôn khi anh vừa ba tuổi... Bao nhiêu thiệt thòi, mặc cảm hun đúc cho anh một quyết tâm phải cố gắng nên người. Nhưng chị gái anh lại khác. Bao nhiêu sai lầm, vấp ngã và bất hạnh trong đời chị ấy đều khởi nguồn từ khi bố mẹ mỗi người mỗi ngả...
Nước mắt tràn trên má, trên môi mằn mặn. Chị đặt tấm các trả vào tay anh:
- Em về trước đây!
Chùm chìa khóa phòng khách sạn kêu leng keng theo mỗi bước chân chị. Anh gục mặt xuống đầu gối. Lời dặn dò của con gái lại vang lên:
- Bố nhanh về với con, bố nhé!
Biển đêm vẫn kiên nhẫn thì thầm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận