Mình nữ tỷ phú duy nhất tăng tài sản
6,6 tỷ USD (khoảng 153,78 nghìn tỷ đồng) là tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên sàn chứng khoán được Forbes cập nhật mới nhất ngày 5/3/2020. So với thời điểm cách đây đúng 1 năm, tài sản của người giàu nhất Việt Nam đã giảm 1,2 tỷ USD (gần 28 nghìn tỷ đồng). Đây là mức biến động (giảm) tài sản lớn nhất trong số các tỷ phú Việt Nam trong năm qua.
Tuy tài sản giảm mạnh như vậy song ông Vượng vẫn là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam và đứng đầu trong danh sách các tỷ phú USD tại đất nước hình chữ S.
Không chỉ tài sản của tỷ phú Vượng biến động mà tài sản của 4 vị tỷ phú còn lại trong danh sách được Forbes xếp hạng năm 2019 cũng chung tình trạng: Tài sản của ông Trần Bá Dương giảm 0,2 tỷ USD xuống 1,5 tỷ USD; Tài sản trên sàn của ông Hồ Hùng Anh cũng giảm 0,6 tỷ USD xuống 1,1 tỷ USD. Tài sản theo thời gian thực của Chủ tịch tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang và gia đình giảm xuống dưới ngưỡng 1 tỷ USD.
Trên Forbes chỉ hiển thị tài sản của ông Quang được ghi nhận cách đây một năm là 1,3 tỷ USD. Như vậy, xét theo bảng xếp hạng ghi nhận chính thức thì Việt Nam vẫn có 5 tỷ phú USD nhưng xét theo tài sản thực thì chỉ còn 4 người. Dự kiến Forbes sẽ sớm công bố danh sách mới này.
Đáng ngạc nhiên nhất trong danh sách tỷ phú Việt Nam là trường hợp của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà Thảo là nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam, cũng là người duy nhất có giá trị tài sản tăng so với một năm trước. Tính đến ngày 5/3, tài sản của bà Thảo do Forbes tính toán đã tăng thêm 0,2 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD. Đây là giá trị tài sản tính theo thời gian thực, theo biến động của giá cổ phiếu và đánh giá của Forbes.
Tài sản của bà Thảo tăng trong bối cảnh tác động của dịch bệnh virus Corona được thống kê là không hề nhỏ tới ngành hàng không và ngành ngân hàng mà bà Thảo là người sở hữu khối tài sản lớn trong hai ngành này.
Cú bắt tay “dậy sóng” của hai tỷ phú
Để kiểm soát các nhóm lợi ích bắt tay thao túng thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, phải thực thi tốt Luật Cạnh tranh, bỏ bớt cấp phép, thay vì nhà nước phân bổ nguồn lực thì để thị trường phân bổ bằng cách đấu thầu, đấu giá… Kể cả vấn đề nâng cao năng suất lao động cũng phải xuất phát từ vấn đề cốt lõi là tạo môi trường cạnh tranh, từ đó mới có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh. Và Chính phủ phải là nơi gương mẫu trong thực thi nâng cao năng suất cung cấp dịch vụ công.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM
Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm mạnh trong bối cảnh Tập đoàn Vingroup do ông làm Chủ tịch có những cơ cấu dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ và dứt khoát về chiến lược.
Năm qua, sau khi đạt đỉnh 125 nghìn đồng/cổ phiếu vào ngày 23/8/2019, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup bắt đầu xuống dốc, đến giữa tháng 11/2019 giá cổ phiếu VIC thủng ngưỡng 120 nghìn đồng và đến giữa tháng 2/2020 thủng tiếp ngưỡng 110 nghìn đồng. Trong phiên giao dịch sáng 5/3, giá cổ phiếu VIC chỉ được giao dịch quanh 105 nghìn đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu VHM của Vinhomes sau khi tăng mạnh từ 80 nghìn đồng lên 100 nghìn đồng vào cuối năm 2019 thì đến thời điểm này cũng giảm về ngưỡng 80 nghìn đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá hồi cuối tháng 2/2019 - thời điểm Forbes chốt giá trị tài sản để xếp hạng.
Cổ phiếu VRE của (Vincom Retail) cũng có diễn biến tương tự. Trong phiên giao dịch sáng 5/3, VRE được giao dịch quanh mức 28,5 nghìn đồng/cổ phiếu, bằng mức giá hồi tháng 2/2019. Cả ba cổ phiếu họ Vin đều biến động trong vòng một năm qua, song diễn biến xuôi chiều giảm giá hình thành từ cuối tháng 11 đầu tháng 12/2019. Đây cũng là thời điểm Vingroup công bố thương vụ đình đám với Tập đoàn Masan khi nhượng lại toàn bộ mảng bán lẻ và nông nghiệp sang cho Masan; Đồng thời Vingroup cũng đột ngột công bố dừng dự án hàng không Vinpearl Air, giải thể VinPro, sáp nhập trang thương mại điện tử Adayroi vào VinID để tập trung nguồn lực vào ngành sản xuất công nghiệp.
Còn tại Masan, thị giá cổ phiếu MSN của tập đoàn này liên tục duy trì vùng giá cao 85-90 nghìn đồng/cổ phiếu sau khi ông Quang lọt top tỷ phú USD. Song nằm trong bối cảnh lao dốc chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu MSN của Masan cũng không tránh khỏi suy giảm. Tuy nhiên, riêng cổ phiếu VCF của cà phê Biên Hòa tăng mạnh hơn gấp đôi từ 130 nghìn đồng lên gần 200 nghìn đồng/cổ phiếu.
Dù thị giá cổ phiếu của hai nhóm nói trên giảm song thương vụ bạc tỷ giữa Vingroup và Masan hồi cuối năm 2019 đã trở thành thương vụ M&A lớn nhất năm.
Cạnh tranh và quy luật thị trường
Việt Nam là một trong 6 nước trong khu vực ASEAN có tên trên bản đồ tỷ phú USD được Forbes ghi nhận. Tuy nhiên, số lượng tỷ phú USD của Việt Nam ở mức thấp nhất cả về số lượng và giá trị tài sản với 5 tỷ phú, tổng tài sản 13,6 tỷ USD (năm 2019).
Nhìn sang láng giềng, Thái Lan có 31 tỷ phú USD với tổng tài sản 94,8 tỷ USD (gấp gần 7 lần Việt Nam), hay Malaysia có 13 tỷ phú với tổng tài sản 61,6 tỷ USD, Philippines có 17 tỷ phú với tổng tài sản 47,7 tỷ USD… Do đó, nhiều người mong muốn Việt Nam sẽ có thêm nhiều tỷ phú USD nữa, không phải chỉ để nhìn ở bề nổi để thống kê và mang thành tích so sánh với các nước mà bởi kỳ vọng những doanh nhân này, những doanh nghiệp top đầu này sẽ kéo theo sự phát triển và lớn mạnh của một hệ doanh nghiệp khác trong nước.
Dù quá trình thành nên các tài sản tỷ USD trên còn nhiều điều phải bàn song theo quan điểm của của TS. Trần Đình Thiên, cần có cái nhìn rộng hơn bởi “nhìn phía này tối đen nhưng nhìn phía khác lại là bình minh”.
Ông Thiên cho hay, quá trình chuyển đổi đất nước tạo ra những kẽ hở và bị lợi dụng nhưng nếu nhìn một cách tích cực thì chính những tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn này đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế đất nước. Ngay cả việc thao túng bất động sản, ông Thiên cũng hướng tới góc nhìn tích cực là nó làm cho tài sản của địa phương và quốc gia tăng lên, kéo theo sự phát triển của nền kinh tế.
Hay việc tích lũy tài sản từ cơ hội đất đai, ông Thiên cũng cho rằng, nhờ đó doanh nghiệp mới có năng lực tài chính để đầu tư mở rộng, thậm chí nếu doanh nghiệp biết sử dụng tốt nguồn lực đó có thể tạo ra năng lực về khoa học và công nghệ, thúc đẩy sự phát triển đất nước.
Đối với câu chuyện “bắt tay” nhau giữa các tỷ phú hay mở rộng ra là giữa các doanh nghiệp lớn khác, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) khi trao đổi với PV Báo Giao thông đã cho rằng, doanh nghiệp bao giờ cũng nhìn về câu chuyện lợi nhuận. Lĩnh vực nào có lợi nhuận doanh nghiệp sẽ “nhảy” vào. Đây là quy luật thị trường bởi nếu không tồn tại, không có lãi thì không thể nói được bất cứ chuyện gì. Nhưng nhìn theo hướng tích cực, khi các doanh nghiệp trong nước hợp tác, bắt tay nhau sẽ giảm cạnh tranh một một số lĩnh vực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực cốt yếu mà họ muốn theo đuổi. Bà Thảo đánh giá, các doanh nghiệp lớn đã dần định hình rõ nét các chiến lược trong bối cảnh mới. Và việc tái cơ cấu là điều hoàn toàn cần thiết của mỗi doanh nghiệp theo từng giai đoạn, thời kỳ. Nếu không, một doanh nghiệp lớn đến đâu cũng có thể phá sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận