Biển Đông vốn là vấn đề "nóng" không chỉ của khu vực mà cả cộng đồng quốc tế. |
Một mình một kiểu?
Lời kêu gọi của ông Thongloun Sisoulith đưa ra trong bối cảnh, Lào năm nay giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). The Nikkei dẫn lời Thủ tướng Lào cho biết, ông sẽ “thúc giục các nước liên quan để tổ chức các cuộc đối thoại song phương nhằm giải quyết hòa bình (vấn đề Biển Đông).”
Thứ nhất, có thể thấy rõ, việc ông Sisoulith đưa ra lời kêu gọi đầy bất ngờ, đồng thời tuyên bố “Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ nỗ lực tạo ra môi trường thân thiện để đàm phán tích cực giữa các bên liên quan”, Thủ tướng Lào đang đi ngược lại những tuyên bố chung mà ASEAN và cộng đồng quốc tế đưa ra trước đó.
Không khó để tìm ra sự “đồng điệu” trong lời kêu gọi của Thủ tướng Lào Sisoulith với luận điệu mà Bắc Kinh vẫn “ra rả” hồi cuối tháng 4 năm nay: “Tranh chấp Biển Đông là vấn đề giữa các quốc gia riêng lẻ chứ không phải giữa Trung Quốc với ASEAN. Các nước này cần phải tự đứng ra giải quyết tranh chấp”, theo CCTV
Như vậy, cả Vien-tiane và Bắc Kinh đang cố tình “phớt lờ” những gì mà ASEAN từng tuyên bố trước đó về Biển Đông. Lần đầu tiên trong suốt 20 năm, tại Hội nghị Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 24 tổ chức ở Myanmar, các Bộ trưởng ASEAN từng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Đặc biệt, các Bộ trưởng đồng thời kêu gọi tất cả các bên tham gia Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các Bộ trưởng cũng nhẩn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chưa kể, Biển Đông là khu vực có giá trị thương mại hàng hải quan trọng hàng đầu của khu vực và thế giới, với tổng giá trị thương mại hàng hóa lên tới hơn 5.000 tỷ USD qua khu vực này mỗi năm. Từ trước tới nay, thực tiễn đã chứng minh và khẳng định vai trò của ASEAN – nói như Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và biển Đông của Học viện Quốc phòng Australia nhấn mạnh: “ASEAN là trung tâm chính trị để giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực”.
Lời kêu gọi của Thủ tướng Lào Sisoulith trong vấn đề Biển Đông vì thế chẳng khác nào động thái “quay lưng” lại với cả ASEAN vốn chung một chí hướng: đoàn kết, vững mạnh và rộng mở - như tuyên bố chung của Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48, diễn ra hồi năm ngoái ở Malaysia. Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng nhất trí nâng cao vai trò trung tâm đặc biệt của ASEAN – trong đó, các Bộ trưởng ASEAN nhất trí, mấu chốt chính là sự đoàn kết, thống nhất, hay nói cách khác là có một tiếng nói chung trên tất cả các vấn đề.
"Bổn cũ soạn lại"?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachit và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kết lễ ký kết văn kiện hợp tác song phương, tháng 5/2016. |
Không ít ý kiến cho rằng, việc Lào đang ngày càng gia tăng phụ thuộc vào nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc cũng có thể là “điểm tựa” cho lời kêu gọi “đàm phán song phương” của ông Sisoulith. Số liệu gần đây cho thấy các doanh nghiệp đổ hơn 100 tỷ NDT (hơn 15 tỷ USD), với hơn 60 dự án đầu tiên vào khu vực hợp tác kinh tế biên giới Trung-Lào có tên là Boten-Mohan. Tháng 9 năm ngoái, chính phủ Lào và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận thành lập khu hợp tác kinh tế biên giới Boten-Mohan nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch song phương.
Đây là khu kinh tế đặc biệt nằm ở cửa ngõ biên giới của Trung Quốc sang Lào, tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tiến sâu hơn vào các quốc gia Đông Nam Á khác từ vị trí này.
Đầu tháng 5 năm nay, Bắc Kinh và Vientiane đã ký kết các văn bản hợp tác nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị song phương, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachit tới Trung Quốc, theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các thỏa thuận bao gồm hợp tác về kinh tế và kỹ thuật, cung cấp thiết bị, đầu tư sản xuất và các khoản vay do Trung Quốc tài trợ Lào cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Cuối cùng, các nhà phân tích cho rằng, mọi động thái của Bắc Kinh đều không nằm ngoài mục tiêu: vận động các nước nhỏ ở Châu Á và Châu Phi ngả theo quan điểm của họ về cuộc tranh chấp Biển Đông, ngay trước thời hạn Tòa trọng tài thường trực (PCA) chuẩn bị ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng.
Vừa mới tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc “khoe” lập trường của họ về biển Đông được Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ủng hộ nhân Hội nghị Ngoại trưởng tại Uzbekistan tổ chức ngày 24/5 và danh sách các nước tán đồng việc nước này bác bỏ phán quyết sắp tới của PCA kéo dài thêm. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng số lượng nhiều cũng không giúp ích được gì trong trường hợp gặp phải phán quyết bất lợi - điều mà ai cũng thấy chắc chắn sẽ xảy ra.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết, những cái tên trong danh sách Trung Quốc tiết lộ, chủ yếu là những nước nhỏ, còn mơ hồ về vấn đề Biển Đông . Còn nhà phân tích Ashley Townshend thuộc Đại học Sydney (Australia) cho rằng, tính về chất lượng sự ủng hộ, Trung Quốc thua xa Philippines, khi nước này được một loạt cường quốc như Mỹ, Nhật, Australia, Anh, G7 Liên minh châu Âu... ủng hộ.
Thậm chí, Chu Phong - Chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Đại học Bắc Kinh cũng không tin là những hoạt động ngoại giao kêu gọi các nước khác ủng hộ của Trung Quốc sẽ thành công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận