Số người chết tăng vọt, ngắt kết nối toàn Bangladesh
Chỉ trong 5 ngày xảy ra biểu tình rầm rộ, các đoàn biểu tình đã đụng độ với lực lượng vũ trang, ném gạch, đốt phá xe cộ.
Tại quận Narsingdi ở trung tâm Dhaka vào ngày 19/7, người biểu tình đã xông vào một nhà tù, thả hơn 850 tù nhân rồi phóng hỏa cơ sở này. Đài truyền hình Bangladesh cũng bị các đối tượng xâm nhập đốt phá, buộc phải dừng hoạt động.
Ngoài số người chết tăng vọt, hãng tin ABC dẫn lời Đại sứ quán Mỹ tại đây cho biết các cuộc đụng độ còn khiến hàng nghìn người bị thương.
Trang web của nhiều cơ quan trung ương như Ngân hàng Trung ương Bangladesh hay Văn phòng Chính phủ dường như bị tin tặc phá hoại.
Để ổn định tình hình đang có dấu hiệu vượt quá tầm kiểm soát, các lực lượng vũ trang đã dùng nhiều biện pháp trấn áp như bắn hơi cay, ném lựu đạn khói để giải tán người biểu tình.
Chính phủ Bangladesh đã ban hành lệnh giới nghiêm toàn quốc và triển khai quân đội. Các trường đại học cũng bị đóng cửa từ 17/7.
Ghi nhận của hãng tin Reuters tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) vào ngày 20/7, quân đội Bangladesh tăng cường tuần tra nhằm đảm bảo thực thi lệnh giới nghiêm.
Trong khi đó, các dịch vụ truyền thông, thông tin liên lạc tại quốc gia Nam Á này đã hoàn toàn bị ngắt kết nối, không thể truy cập từ ngày 18/7 đến nay.
Các cuộc gọi quốc tế đều trong tình trạng không liên lạc được. Trang web của các cơ quan truyền thông ở nước này đều không cập nhật. Tài khoản mạng xã hội cũng không có dấu hiệu hoạt động.
Bất đồng sâu sắc
Các cuộc biểu tình sinh viên nhen nhóm từ nhiều ngày qua và chính thức leo thang từ đầu tuần này.
Hãng tin Reuters cho biết nguyên nhân là do giới trẻ phản đối chính sách hạn ngạch công chức gây tranh cãi, trong đó dành tới 30% vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước cho người thân của gia đình những người đã chiến đấu giành độc lập khỏi Pakistan.
26% số việc làm khác được phân bổ cho phụ nữ, người khuyết tật và dân tộc thiểu số. Do đó chỉ còn khoảng 3.000 vị trí cho hơn 400.000 sinh viên tốt nghiệp cạnh tranh trong kỳ thi tuyển công chức.
Chính sách được ban hành trong bối cảnh quốc gia này hứng chịu tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ.
Thanh niên nước này cho rằng chính sách nêu trên mang tính phân biệt đối xử, chỉ có lợi cho những người ủng hộ Thủ tướng Sheikh Hasina sau khi bà vừa tái đắc cử vị trí lãnh đạo đất nước lần thứ 4 vào đầu năm 2024.
Những người phản đối chính sách cũng đề nghị chính phủ áp dụng chính sách tuyển dụng dựa trên năng lực thành tích, thay vì mối quan hệ chính trị.
Tuy nhiên, bà Hasina muốn bảo vệ hệ thống hạn ngạch nêu trên, khẳng định rằng các cựu chiến binh nước này xứng đáng nhận được sự tôn trọng cao nhất vì những đóng góp cho nền độc lập nước nhà.
Đại diện của hai bên đã họp vào cuối ngày 19/7 để tìm ra giải pháp. Trong đó ít nhất 3 đại diện sinh viên đã tham gia cuộc họp, yêu cầu cải cách hệ thống hạn ngạch, mở cửa cho sinh viên trên toàn quốc và sa thải các cán bộ trường đại học vì đã không ngăn chặn nổi bạo lực xảy ra trong khuôn viên trường.
Bộ trưởng Luật pháp Bangladesh Anisul Huq cho biết chính phủ sẵn sàng thảo luận về các yêu cầu của các đại diện sinh viên.
Cũng trong ngày, hãng thông tấn AFP dẫn lời thư ký báo chí Thủ tướng Bangladesh, cho biết bà Hasina đã hủy kế hoạch thăm Tây Ban Nha và Brazil vào ngày 21/7 do các cuộc biểu tình leo thang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận