Tổng mức đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng
Theo lãnh đạo Bình Định, Cảng hàng không Phù Cát có vai trò rất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để triển khai đầu tư xây dựng mở rộng, đáp ứng yêu cầu triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định đang hướng tới việc đăng cai tổ chức hàng năm Giải đua thuyền máy Nhà nghề quốc tế, các giải thể thao quốc tế khác và tập trung ưu tiên phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Dự báo thời gian tới, lượng khán giả trong nước và quốc tế đến với tỉnh sẽ ngày càng gia tăng. Trong khi hiện nay, Cảng hàng không Phù Cát đã bị quá tải vào các giờ cao điểm. Do đó, tỉnh này cho rằng việc mở rộng sân bay là cấp thiết.
Hiện tại, địa phương đã tổ chức cuộc họp với Bộ GTVT để rà soát, đề xuất phương án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Phù Cát theo quy hoạch.
Tại buổi làm việc, các bên cơ bản nhất trí triển khai quy hoạch, trong đó tập trung triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục chính với tổng mức đầu tư khoảng 7.352 tỷ đồng.
Các hạng mục gồm: Xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay; Xây dựng di chuyển các công trình quân sự để bàn giao đất phục vụ xây dựng mở rộng khu hàng không dân dụng; Xây dựng khu hàng không dân dụng.
Đề xuất đầu tư thêm đường cất hạ cánh số 2
Từ đây, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận phương án triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục đã được thống nhất.
Trước mắt, cho phép triển khai đầu tư ngay hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay với tổng mức đầu tư khoảng 3.013 tỷ đồng (trong đó giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.008 tỷ đồng), nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các Nghị định liên quan, thẩm quyền đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay thuộc về Bộ GTVT, doanh nghiệp cảng hàng không.
Việc địa phương đầu tư xây dựng hạng mục trên bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh (bao gồm nguồn vốn Trung ương hỗ trợ) sẽ không phù hợp quy định về nhiệm vụ chi đầu tư.
Do đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù giao cho UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay từ nguồn vốn ngân sách do tỉnh quản lý (bao gồm nguồn vốn Trung ương hỗ trợ).
Đồng thời, cho chủ trương tách nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án riêng để địa phương chủ động bố trí đủ kinh phí triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Khẳng định tỉnh đang khó khăn về nguồn thu ngân sách, nhất là tiền sử dụng đất, để đảm bảo nguồn vốn triển khai nhanh dự án, UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Chính phủ xem xét, cho hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Phù Cát khoảng 1.500 tỷ đồng (tổng mức đầu tư xây dựng hạng mục Xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay khoảng 3.013 tỷ đồng).
Phần kinh phí còn lại sẽ được bố trí từ nguồn vốn ngân sách của địa phương để triển khai hoàn thành dự án.
Cụ thể, theo trục Bắc - Nam, hệ thống đường bộ và đường sắt kết nối tỉnh Bình Định với các địa phương ở hai đầu đất nước. Theo trục Đông - Tây, Quốc lộ 19 là cửa ngõ ra biển gần nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Đặc biệt, cảng biển quốc tế Quy Nhơn và cảng hàng không Phù Cát đang ngày càng phát triển, góp phần nâng cao năng lực giao thương quốc tế, vừa đáp ứng nhu cầu vận tải của địa phương, vừa góp phần quan trọng đẩy mạnh lưu thông hàng hóa của các tỉnh lân cận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận