Xã hội

Bình Định: Nghi vấn rừng phòng hộ bị phá, dân lâm cảnh khó khăn

31/08/2023, 19:14

Rừng phòng hộ đầu nguồn tại xã Nhơn Tân, TX An Nhơn, Bình Định bị phá, nhiều cây gỗ bị đốn hạ. Tại đây có một con đường đi vào khu vực có rừng mới khai thác xong.

Nhiều cây lớn bị đốn hạ

Những ngày qua, PV Báo Giao thông nhận được phản ánh của người dân thôn Thọ Tân Nam, xã Nhơn Tân, TX An Nhơn về việc một số diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá để mở đường đi tác động rất lớn đến đời sống của họ. Từ chỉ dẫn của người dân, PV có mặt tại đây để tìm hiểu sự việc.

Bình Định: "Hạ sát" rừng phòng hộ để mở đường lên khu vực khai thác gỗ - Ảnh 1.

Con đường lớn giữa rừng phòng hộ đi vào khu vực rừng được cho là rừng sản xuất. Tại đây, nhiều cây gỗ lớn bị phá bỏ

Từ con đường trước UBND xã Nhơn Tân, PV đi sâu vào khu vực rừng núi có tục danh Bảy Suối, thôn Thọ Tân Nam. Tại đây một con đường lớn vừa đủ một xe vận chuyển gỗ được mở ra, dấu hiệu rất mới. Để mở con đường này, một số đối tượng đã phá bỏ rất nhiều cây lớn.

Nhiều cây gỗ hàng chục năm tuổi bị đốn hạ. Một số cây rừng tự nhiên bị cưa hạ vẫn còn trơ gốc, có một số cây bị gãy đổ. Dọc hai bên đường đi, cây bị cưa hạ nằm ngổn ngang, dấu cắt còn mới.

Đi sâu vào rừng, một tuyến đường vừa được san gạt đã được mở ra. Theo quan sát, tuyến đường có chiều rộng khoảng 4m và có chiều dài khoảng gần 1km. 

Tiến sâu vào cuối đường là khu vực rừng núi mới được khai thác xong nằm lọt thỏm giữa nhiều diện tích rừng tự nhiên. Tại đây, PV nhận thấy, một số cây lớn đã bị đốn hạ nằm trơ gốc. Nhiều cây lớn vừa một người ôm.

Theo ông Huỳnh Xuân Ba, kiểm lâm phụ trách trạm An Trường (thuộc Hạt kiểm lâm TX An Nhơn) thừa nhận, con đường trên được mở thuộc diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. Tuy nhiên ông Ba lại cho rằng, con đường này trước kia người dân mở để đi từ rất lâu rồi. Còn ở cuối con đường, diện tích rừng vừa khai thác xong là rừng sản xuất đã được UBND TX An Nhơn cho phép ông Trần Thanh Tâm (thôn Nam Tượng 2, xã Nhơn Tân) khai thác. 

Cụ thể, ngày 2/11/2022, ông Bùi Văn Cư - Phó chủ tịch UBND TX An Nhơn ký văn bản cho phép ông Tâm được khai thác 2,93 ha rừng sản xuất tại khoảnh 6, tiểu khu 322, xã Nhơn Tân.  Đồng thời yêu cầu, quá trình khai thác không làm ảnh hưởng đến cây rừng tự nhiên. Tuy nhiên, PV nhận thấy, nhiều cây rừng tự nhiên tại đây cũng bị đốn hạ. Một số khu vực tiếp giáp với rừng tự nhiên có hiện tượng người dân trồng cây keo xen vào để lấn đất rừng.

Bình Định: "Hạ sát" rừng phòng hộ để mở đường lên khu vực khai thác gỗ - Ảnh 2.

Một số cây rừng phòng hộ đầu nguồn bị cắt bỏ mà PV ghi nhận được.

Người dân lâm cảnh khó khăn

Theo phản ánh của người dân thôn Thọ Tân Nam, Thọ Tân Bắc có nhà, đất sản xuất ở hạ nguồn suối Bảy Suối, từ khi khu rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá, cuộc sống của họ lâm cảnh khó khăn. Dòng suối phía trên thượng bị lấp trong quá trình mở đường nên không tích nước được gây khô hạn. Mùa mưa thì lũ đổ về ồ ạt, gây sạt lở nhiều diện tích đất hoa màu, cuốn trôi tài sản, đe dọa đến nhà ở của họ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Chinh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Tân khẳng định, trên địa bàn chưa chuyển đổi bất cứ diện tích rừng nào từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Việc khai thác rừng phòng hộ hoặc phá rừng phòng hộ để mở đường là trái quy định, không được phép tác động gì vào rừng phòng hộ đầu nguồn.

"Còn khu vực rừng trên cao (diện tích rừng ông Tâm vừa khai thác - PV) trước kia là đồi tranh, sau đó tôi thấy một số hộ tự ý trồng cây trên đấy chứ không ai cho phép. Vừa qua, được thị xã cho phép thì họ khai thác. Sau đó, có hiện tượng dọn dẹp để trồng lại, đây là việc không nên. Diện tích rừng đấy phải để cây rừng tự nhiên tái sinh chứ không được phép trồng trọt gì trên đấy cả", ông Chinh cho biết thêm.

Bình Định: "Hạ sát" rừng phòng hộ để mở đường lên khu vực khai thác gỗ - Ảnh 3.

Rừng đầu nguồn bị phá khiến đất đai, nhà cửa của người dân thôn Thọ Tân Nam phía hạ nguồn nguy cơ bị lũ cuốn trôi

Ông Chinh cũng cho biết, việc phá rừng trên đầu nguồn ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Việc khai thác cây trên thượng nguồn sẽ làm khô nước dòng suối, mùa lũ nước về nhanh gây khó khăn cho người dân thôn Thọ Tân Nam. 

"Quan điểm của tôi là không nên chuyển các diện tích rừng tự nhiên phía thượng nguồn sang rừng sản xuất", ông Chinh nói.

Kiểm lâm TX An Nhơn cho biết, sẽ tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng. Hằng tuần, sẽ lên khu vực này kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ phá rừng.

Một số hình ảnh PV ghi nhận tại hiện trường:

Bình Định: "Hạ sát" rừng phòng hộ để mở đường lên khu vực khai thác gỗ - Ảnh 4.

Một số cây gỗ lớn bị cưa nằm ngổn ngang dọc đường giữa rừng phòng hộ đầu nguồn

Bình Định: "Hạ sát" rừng phòng hộ để mở đường lên khu vực khai thác gỗ - Ảnh 5.

Một con đường lớn giữa rừng phòng hộ được mở ra

Bình Định: "Hạ sát" rừng phòng hộ để mở đường lên khu vực khai thác gỗ - Ảnh 6.

Con đường dẫn vào khu vực rừng ông Tâm vừa khai thác

Bình Định: "Hạ sát" rừng phòng hộ để mở đường lên khu vực khai thác gỗ - Ảnh 7.

Theo kiểm lâm trạm An Trường, con đường này người dân mở ra rất lâu để đi lại.

Bình Định: "Hạ sát" rừng phòng hộ để mở đường lên khu vực khai thác gỗ - Ảnh 8.

Dọc hai bên đường, cây cối thuộc diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị cưa hạ nằm ngổn ngang

Bình Định: "Hạ sát" rừng phòng hộ để mở đường lên khu vực khai thác gỗ - Ảnh 9.

Nhiều cây lớn dấu hiệu mới bị đốn hạ.

Bình Định: "Hạ sát" rừng phòng hộ để mở đường lên khu vực khai thác gỗ - Ảnh 10.

Tại khu vực rừng ông Tâm vừa khai thác cuối con đường mở trái phép giữa rừng phòng hộ, một số cây rất lớn bị khai thác.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.