Ông Trần Tiến Dũng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận Bộ Tư pháp cũng có phần trách nhiệm khi BLHS 2015 có nhiều lỗi |
Tại cuộc họp báo quý II/2016 do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 7/7, nhiều cơ quan báo chí dành sự quan tâm và đặt câu hỏi về phần trách nhiệm của Bộ Tư pháp khi được giao là cơ quan soạn thảo Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS). Đây là Bộ luật quan trọng nhưng được xác định có nhiều sai sót, vừa qua đã được Quốc hội thống nhất lùi thời hạn thi hành để sửa đổi, bổ sung.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, việc xây dựng luật được thực hiện theo trình tự ban hành văn bản pháp luật năm 2008. Tới đây, Bộ tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành sửa đổi BLHS. "Còn trách nhiệm theo quy trình Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có phần trách nhiệm trong việc này, với tư cách cơ quan soạn thảo. Còn việc xử lý trách nhiệm thế nào, quy trách nhiệm cho ai, trách nhiệm như thế nào thì chúng tôi chờ chỉ đạo của các cơ quan cấp trên”- ông Dũng nói.
Trả lời câu hỏi của PV về thông tin đã thống nhất bồi thường số tiền kỷ lục 23 tỷ cho ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), ông Trần Việt Hưng - Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, qua một “kênh” trao đổi, ông được biết Bộ Tài chính đã chính thức cấp 23 tỷ đồng để bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi. Tuy nhiên theo quy định hiện hành, việc tiến hành bồi thường trong trường hợp này thuộc thẩm quyền của ngành tòa án, chính vì thế đến thời điểm này Cục Bồi thường nhà nước chưa nhận được văn bản theo con đường chính thức.
Ông Lương Ngọc Phi (ở tổ 16, phường Quang Trung, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) vốn là Giám đốc Công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình, bị khởi tố bị về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và trốn thuế vào tháng 4/1998. Chỉ khoảng 1 tháng sau khi ông Phi bị bắt, cơ quan công an đã đem hóa giá toàn bộ tài sản của ông và công ty. Đến ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Phi tổng cộng 17 năm tù giam cho 2 tội danh này. Năm 2001, VKSND tỉnh Thái Bình xác định vụ án bị oan sai và trả tự do cho ông Phi. Sau đó, TAND tỉnh Thái Bình đã xin lỗi công khai ông Phi tại nơi cư trú. Và sau đó, là quãng thời gian đằng đẵng đầy nước mắt để đi đòi bồi thường oan sai suốt 15 năm trời của ông Phi.
Về vụ án oan sai của ông Huỳnh Văn Nén, liên quan đến việc xem xét thu hồi chứng chỉ luật sư của cựu điều tra viên Cao Văn Hùng - nguyên điều tra viên chính vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén, bà Nguyễn Thị Mai - Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, Luật Luật sư quy định rất rõ cơ sở pháp lý đối với chứng chỉ hành nghề luật sư. Sau vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén đã qua nhiều kênh khác nhau đã gửi văn bản tới Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận, gửi Hạt kiểm lâm Hàm Thuận Bắc xác minh thời gian công tác cũng như hành vi, thông tin hồ sơ lý lịch liên quan đến ông Cao Văn Hùng, trên cơ sở trả lời đang phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt nam và đoàn luạt sư tỉnh Bình Thuận để xem xét dứt điểm vụ việc này.
"So sánh hơi khập khiễng, nên giờ liên quan đến quyền hành nghề của một con người, ngay khi có cơ sở theo đúng quy định của Luật Luật sư, nếu đủ điều kiện và cơ sở pháp lý thì chúng tôi sẽ tiến hành thủ tục và thông báo công khai”- bà Mai nói.
“Đây là vụ việc cơ quan báo chí quan tâm, phải làm sao càng sớm càng tốt, họp báo quý III tới đây phải có kết quả rõ ràng, chứ không nên để lâu quá”- Thứ trưởng Trần Tiến Dũng giao nhiệm vụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận