Tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai vừa ký ban hành chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Những năm qua, việc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã tạo được chuyển biến tích cực; Chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát được tăng cường.
Theo Bộ Chính trị, bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa sâu sắc, đầy đủ; Có lúc, có nơi tổ chức chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều, một số trường hợp rất nghiêm trọng. Chính sách, pháp luật, nhất là chế độ quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, đấu thầu, quản lý vốn, tài sản Nhà nước chưa hoàn thiện, còn bất cập.
Để đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Bộ Chính trị yêu cầu quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, trước hết là cấp ủy, tổ chức Đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; Là văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu...
Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, vận động gia đình, nhân dân tích cực tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi.
Cần quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý; Chú trọng lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
Kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi gây thất thoát, lãng phí
Bộ Chính trị lưu ý, xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược và chương trình quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm, hằng năm, chú trọng lĩnh vực then chốt như năng lượng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ngân sách Nhà nước, tài sản công.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định về mua sắm công, xây dựng và sử dụng trụ sở, tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách, đi công tác, đi nước ngoài bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí, phô trương.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia.
Có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; Các ngân hàng thương mại yếu kém; Dự án ngừng triển khai.
Cần khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường. Tăng cường công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, nguồn lực quốc gia…; Nêu cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý Nhà nước, người đứng đầu đối với việc gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản công.
Thực hiện nghiêm chủ trương, mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021-2026; Tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm gắn với biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách Nhà nước chi cho bộ máy, con người.
Cần kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; Thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.
Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát của cộng đồng dân cư ở cơ sở; Kịp thời phát hiện, thông tin, phản ánh, ngăn chặn hành vi gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, sáng kiến; Có biện pháp thiết thực bảo vệ người đấu tranh, tố giác hành vi gây lãng phí, thất thoát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận