Xã hội

Phát ngôn ấn tượng ở phiên thảo luận thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

01/11/2022, 06:00

Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Xóa tiêu cực, trì trệ phải cải tổ bộ máy

Nêu ý kiến thảo luận, ĐBQH Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng những thất thoát, lãng phí rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển mà đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra "chỉ là phần nổi của tảng băng".

img

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh)

Ông cho rằng, đằng sau những lãng phí hữu hình ấy là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều. Điều này không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển, mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí những nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền.

Khi tiêu cực, yếu kém, trì trệ trở thành phổ biến thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm ra tiêu cực, yếu kém, trì trệ, mà lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy, phương thức vận hành bộ máy.

"Để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém không chỉ dừng ở xử lý những người trực tiếp gây ra nó, mà vấn đề căn bản phải cải tổ bộ máy, phương thức vận hành của bộ máy ấy", ông Hậu nói.

Nhiều vụ án liên quan đến cán bộ đều có bóng dáng quản lý đất đai

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nêu nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang bị lãng phí rất lớn. Đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách.

img

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng)

"Dễ nhận thấy là qua các vụ án gần đây, liên quan đến cán bộ quản lý nhà nước đều có bóng dáng của quản lý nhà đất", ông Tạo nói.

Theo ông, pháp luật đã quy định rất rõ ràng việc sử dụng không hiệu quả, hoặc không đưa vào sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng thì nên giao cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng.

Lãng phí nguồn lực đất đai làm suy giảm niềm tin của người dân.

Đề cập đến vấn đề lãng phí trong các quy hoạch, dự án treo, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng “ai có đất, nhà trong quy hoạch treo mới thấu hiểu hết nỗi khổ”.

img

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận)

Theo ông, lãng phí nguồn lực đất đai không chỉ làm mất cơ hội phát triển của đất nước, mà còn làm suy giảm, lãng phí niềm tin của người dân.

Luật Đất đai sửa đổi dự kiến cuối năm 2023 mới được thông qua và có hiệu lực thi hành, thời gian tới lúc đó còn khá dài, vì thế, đại biểu Thông kiến nghị Chính phủ cần có các chính sách để tháo gỡ cho người dân trong khu vực dự án treo bớt khó khăn.

"Đề nghị kiên quyết thu hồi các dự án treo, đánh thuế thật nặng với nhà đầu tư cũng như xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan", ông Thông đề xuất.

Căn nguyên sâu xa lãng phí của công là lối sống thực dụng, ích kỷ

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ sự băn khoăn về thực trạng khu vực công, hiện tượng lãng phí luôn xảy ra nhiều hơn, trầm trọng hơn khu vực tư.img

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Căn nguyên sâu xa của việc lãng phí của công chính là lối sống thực dụng, ích kỷ sẽ dẫn đến việc con người chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi vật chất của cá nhân mình, không vì cái chung, không vì tập thể. Lối sống ấy sẽ dẫn đến tư duy không nỗ lực vì lợi ích chung.

Nữ đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, có một thực tế vẫn đang diễn ra đó là, cùng một cá nhân, nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư, tài sản của bản thân.

"Đồng phục thể chế" có thể kéo lùi sự phát triển đất nước

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, nếu chỉ đơn thuần đối chiếu, soi rọi các định mức, tiêu chuẩn có phù hợp quy định hay không thì chưa đủ, bởi có những lãng phí vô hình mà chính sách, pháp luật chưa đề cập và khó đo đếm.

Theo ông Nhân, báo cáo giám sát nêu nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền là chưa lấy thực tế làm thước đo, đặc biệt ở các tỉnh, thành có kinh tế phát triển.

img

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương)

"Việc bổ đồng biên chế mà không tính đến quy mô dân số, quy mô kinh tế phải chăng đã làm cho cán bộ, công chức ba năm chưa được nghỉ phép, không có ngày nghỉ? Phải chăng 63 chiếc áo đồng phục thể chế đã làm cho các địa phương đặc thù phải xin cơ chế để thay chiếc áo cũ đã bung rách vì quá chật", ông Nhân nêu vấn đề

Tinh giản biên chế nhưng vẫn còn bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp về”

Đánh giá chủ trương tinh giản biên chế là đúng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua "mới giảm chứ chưa tinh".

Đối tượng ra khỏi biên chế chủ yếu tập trung ở người đến tuổi nghỉ hưu, chuyển công tác. Chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy, một bộ phận "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", có vị trí nhưng khó bố trí việc làm.

img

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp)

Và thực tế, càng tinh giản biên chế thì áp lực công việc với những người làm được việc càng lớn, trong khi đây lại là bộ phận có ít cơ hội thăng tiến; ngạch, bậc lương vẫn theo thâm niên, bằng cấp chứ không theo vị trí việc làm và mức độ cống hiến.

Đây là nguyên nhân khiến cán bộ, công viên chức rời khu vực công sang khu vực tư, tìm môi trường làm việc tốt hơn, có cơ hội thăng tiến và chế độ lương bổng cao hơn.

Nhiều đại án giật mình vì thất thoát quá lớn

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho biết, nhiều đại án trong những năm qua làm giật mình vì thất thoát quá lớn trong khi đất nước còn khó khăn.img

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình)

"Ngoài việc liên quan đến tham nhũng, không loại trừ nhận thức, ý thức trách nhiệm, lương tâm và trình độ, năng lực yếu kém của cán bộ lãnh đạo khi đưa ra quyết định không phù hợp, gây ra lãng phí nặng nề, tổn hại khôn lường", ông Minh nhìn nhận.

Muốn thay một bóng đèn của thiết bị bệnh viện cũng phải lập dự án

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, một số nguyên nhân tác động đến vấn đề thực hành tiết kiệm, vì phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương và nhiều đơn vị.

Cho nên có những vấn đề về quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật thì cần phải được hoàn thiện, rồi vấn đề về thực hành, về giải pháp quản trị, điều hành, về trách nhiệm của cơ quan quản lý và giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại.

img

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Ông Hồ Đức Phớc lấy ví dụ, theo quy định, tiền sửa chữa các công trình, như nhà ở, đường xá, xe đều phải đưa vào trong Luật Đầu tư công, được ghi vào vốn của đầu tư công mới được triển khai.

"Vì vậy, gần như các cơ quan, đơn vị rất bế tắc. Khi nhà bị hỏng, nhà bị sập, hàng rào sập cần phải xây lại, không có vốn thì rất bí. Muốn thay một bóng đèn của thiết bị bệnh viện cũng phải lập dự án", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Chúng tôi thấy rất ách tắc trong Luật Đầu tư công, cho nên chúng tôi đã lấy ý kiến của 63 địa phương và lấy ý kiến của 21 bộ, ngành; thì có 83 ý kiến đồng ý, một bộ, ngành không đồng ý", ông Hồ Đức Phớc phát biểu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.