Tách luật để quy định đầy đủ, chuyên sâu về từng lĩnh vực
Phát biểu tại toạ đàm, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Minh Đức cho biết, Luật Giao thông đường bộ sau 15 năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTATGT đường bộ ở Việt Nam.
"Việc tách các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và xây dựng 2 dự án luật là Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ để quy định đầy đủ, chuyên sâu về từng lĩnh vực, phù hợp với xu thế chung trên thế giới", ông Đức khẳng định.
Đại diện cơ quan soạn thảo trình bày một số nội dung cơ bản dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật TTATGT đường bộ hiện tại gồm 9 chương, 81 điều.
Luật TTATGT đường bộ quy định về quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về TTATGT đường bộ; giải quyết TNGT đường bộ; quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ.
Xe lu, xe máy xúc có cần lắp lắp thiết bị giám sát hành trình?
Tại Điều 33 của dự thảo Luật TTATGT đường bộ quy định, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Góp ý vào quy định này, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng để không vi phạm quyền riêng tư của người dân.
"Áp dụng lắp thiết bị giám sát cho xe hoạt động kinh doanh vận tải thì phù hợp, còn đối với xe cá nhân thì không nên, nếu người dân có nhu cầu thì sẽ tự trang bị chứ không bắt buộc", ông Hùng đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cũng cho rằng, quy định này cần phải nghiên cứu lại vì đối tượng điều chỉnh quá rộng, trong đó có cả xe cá nhân.
"Nếu là phương tiện thì có cả xe lu, xe máy xúc… như vậy có cần thiết lắp thiết bị giám sát hành trình không? Lắp nhiều loại thiết bị và thu thập nhiều dữ liệu như thế có cần thiết không, có xung đột với các luật khác không?", ông Quyền đặt câu hỏi.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, tại khoản 4, Điều 33 của dự thảo Luật TTATGT đề xuất giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
"Dự tính của chúng tôi là áp dụng quy định bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình đối với phương tiện kinh doanh vận tải, còn xe cá nhân sẽ không quy định ở trong Luật này", ông Nguyên nói.
Phải đảm bảo quyền được sống của người tham gia giao thông
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ, Bộ Công an đề xuất quy định tổng thời gian lái xe trong một ngày của tài xế ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ là không quá tám tiếng (480 phút).
Về nội dung này Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng cần tăng thời gian này lên 600 phút.
"Kinh doanh vận tải có ngày chạy không quá 8 tiếng, có ngày chạy quá 8 tiếng, tùy thuộc vào thực tế thị trường kinh doanh và loại hình kinh doanh. Ví dụ, xe taxi thời gian hoạt động 12 tiếng nhưng thời gian tài xế dừng nghỉ, chờ đợi rất nhiều. Vì vậy, quy định ở mức không quá 10 tiếng như Luật Giao thông đường bộ 2008 là phù hợp, không gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc điều hành kinh doanh sản xuất", ông Hùng nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, việc rút ngắn từ 10 tiếng như hiện hành xuống 8 tiếng sẽ làm gia tăng chi phí vận tải, gia tăng tình trạng thiếu lái xe tải hạng nặng.
"Theo quy định của một số nước về thời gian làm việc của lái xe trong ngày là không quá 9 tiếng, nhiều nước quy định từ 10 đến 12 tiếng", ông Quyền thông tin.
Về nội dung này, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, khi xây dựng dự thảo luật đã nghiên cứu rất kỹ quy định của nhiều nước trên thế giới và điều này phù hợp với quy định của Luật Lao động hiện nay, phù hợp với đặc thù với nghề lái xe - nghề rất căng thẳng.
"Liên quan tới an toàn tính mạng của con người, cho nên việc quy định này là phù hợp", ông Nguyên nói và lấy ví dụ về vụ xe khách của nhà xe Thành Bưởi tông vào xe 16 chỗ làm sáu người tử vong. Lái xe này đã có dấu hiệu không đảm bảo về sức khỏe trong thời điểm xảy ra tai nạn, như gãi đầu, cố gắng hành động để không buồn ngủ.
Ông Nguyên cũng cho biết, có thể quy định rút ngắn thời gian lái xe sẽ làm tăng số lượng tuyển dụng lao động, nhưng ngược lại chúng ta phải đảm bảo quyền được sống của người tham gia giao thông.
"Tính mạng của người tham gia giao thông là cực kỳ quan trọng, nên chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như đảm bảo quyền được an toàn tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông. Hiện nay chúng tôi tiếp tục rà soát thêm", ông Nguyên nói.
Đề xuất nghiên cứu tính điểm GPLX
Thảo luận tại toạ đàm về quy định đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) tại Điều 52, Điều 53 dự thảo Luật, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An thống nhất câu chuyện không thay đổi cơ quan làm công tác sát hạch, cấp GPLX.
Nhưng vì GPLX phản ánh chất lượng và ảnh hưởng trực tiếp công tác an toàn giao thông, đặc biệt thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến chất lượng đào tạo, sát hạch GPLX, do đó, đại biểu đề nghị nên tách bạch khâu đào tạo và khâu sát hạch để thực sự bảo đảm chất lượng.
Ông An cũng đề xuất phải làm tốt công tác quản lý sau sát hạch GPLX. Ngoài tính điểm ra còn phải giám sát bằng lái sau khi được sát hạch, cũng như chất lượng người lái trên môi trường thực.
Ủng hộ quy định tính điểm GPLX, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia nêu ví dụ cách làm của Đức, ban đầu mới ban hành luật thì tổng là 16 điểm, sau đó nếu nhân dân chấp hành tốt thì xuống 14 điểm, bây giờ ở Đức là 12 điểm.
"Việc này Bộ Công an nên xem xét, cân nhắc đưa ra quy định cụ thể", ông Tạo đề nghị.
Phát biểu giải trình tại toạ đàm, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên đồng tình quan điểm, về đào tạo có thể xã hội hoá nhưng riêng sát hạch GPLX phải làm rất nghiêm.
"Dự thảo luật quy định Bộ Công an, Bộ GTVT là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ để giải quyết vấn đề sát hạch, cấp phép, nhưng sau cấp phép thì sau này chúng ta sẽ có cơ chế tính toán, quản lý những người được cấp phép lái xe, sử dụng như thế nào...", ông Nguyên nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận