Theo dự thảo, hai trường hợp được coi là hàng hóa của Việt Nam là: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.
Với trường hợp thứ nhất, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam khi thuộc một trong 10 trường hợp sau: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam; Động vật sống/ Sản phẩm từ động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam; Các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam; Các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Việt Nam…
Ở trường hợp thứ hai, để xác định xuất xứ, Bộ Công thương đưa ra hai tiêu chí là “Chuyển đổi mã số hàng hóa” (là sự thay đổi về mã HS của hàng hóa so với nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam) và tiêu chí “Hàm lượng giá trị gia tăng”.
Hàm lượng giá trị gia tăng được xác định dựa trên trị giá nguyên liệu đầu vào giá xuất xưởng.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra quy định về “Công đoạn gia công, chế biến đơn giản”. Trong trường hợp nếu hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam và chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn gia công chế biến đơn giản thì không được coi là hàng hóa của Việt Nam….
Đáng chú ý, dự thảo cũng quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam, nếu không đáp ứng điều kiện quy định của Thông tư này, không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.
Hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam cũng không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa.
Bộ Công thương cho biết, Dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay chuyển đổi mã sản phẩm theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (Hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới đều được áp dụng trong dự thảo Thông tư.
Bộ cũng khẳng định, Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43. Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.
“Dự thảo Thông tư không quy định bất kỳ một thủ tục hành chính mới nào mà người dân và doanh nghiệp phải tuân thủ”, Bộ Công thương khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận