Một dự án điện mặt trời núp bóng trang trại nông nghiệp nằm ven Tỉnh lộ 705, xã Phước Trung (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết: Hiện nay, đoàn kiểm tra các dự án điện mặt trời của Bộ Công thương đã đi kiểm tra và đã phát hiện một số vấn đề sai phạm như Báo Giao thông nêu.
Đơn cử như sai phạm trong việc "dự án chưa hoàn thiện đã cho đấu nối" hay tình trạng "chưa trồng cây gì, nuôi con gì nhưng đã được nghiệm thu đủ điều kiện đấu nối".
Theo ông Dũng, đến nay, Bộ đã nhận được một số báo cáo từ địa phương về hoạt động của các dự án điện mặt trời mái nhà dưới mô hình trang trại, nhưng chưa đầy đủ. "Còn phải tổng hợp, kết hợp với việc đi kiểm tra tại các tỉnh, sau đó mới có báo cáo đánh giá", ông Dũng nói.
Vị Cục trưởng cũng cho biết: "Điện lực địa phương có hơn 40 đơn vị có liên quan đến điện mặt trời áp mái. Nhưng chỉ lên kế hoạch kiểm tra được cho 10 tỉnh đặc trưng, trong khoảng thời gian khoảng 40 ngày bởi sức người có hạn, không thể bao hàm hết".
Các tỉnh khác, Bộ đã có công văn đề nghị EVN tổng hợp các dự án điện mặt trời được hưởng giá bán điện theo quyết định số 13. Và cũng đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực, đơn vị điện lực tỉnh lập danh sách đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên đã đi vào vận hành, được áp dụng giá bán điện quy định tại quyết định 13.
"Hiện nay, đã kiểm tra được 6 tỉnh, còn 4 tỉnh nữa chưa kiểm tra. Dự kiến, đầu tháng 5 sẽ có kết quả. Bộ sẽ xử lý nghiêm những đơn vị sai phạm được báo cáo và giao EVN dừng đấu nối đối với những đơn vị này", ông Dũng nói và cho biết, xử lý trách nhiệm từ vụ Điện lực huyện Trần Đề là một ví dụ.
Trước đó, Báo Giao thông có loạt bài điều tra “Báo động làm điện mặt trời dưới vỏ bọc trang trại”. Loạt bài đã nêu lên tình trạng hàng loạt dự án làm nông nghiệp kết hợp điện mặt trời mái nhà chưa có giấy chứng nhận kinh tế trang trại, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thậm chí chưa thi công xong đã được công ty điện lực cho đấu nối vào hệ thống điện.
Nói cách khác, việc hàng loạt dự án điện mặt trời mái nhà hiện nay thực chất đều tồn tại dưới vỏ bọc trang trại. Điều này đang làm “méo mó” chính sách khuyến khích tận dụng mái nhà của các công trình, trang trại nông nghiệp để được mua với giá cao nhất là 8,38 UScent/kW (tương đương với 1.943 đồng/ kW), cao hơn hẳn các dự án điện mặt trời khác.
Điều đáng nói, nhiều chủ đầu tư sẽ không thể dễ dàng “vẽ” dự án trang trại nông nghiệp rồi núp bóng làm điện mặt trời bán cho Nhà nước với giá cao, nếu như không có sự “giúp sức” từ phía chính quyền địa phương.
Báo Giao thông đã phản hồi đến Bộ Công thương và được hứa “sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm”. Từ địa phương cũng đã đồng loạt vào cuộc xác minh tình trạng này sau loạt bài điều tra của Báo Giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận