Xã hội

Điện mặt trời vỏ bọc trang trại: Trục lợi chính sách, ai chịu trách nhiệm?

24/03/2021, 08:00

Địa phương buông lỏng sau cấp phép, phía điện lực chỉ cốt ký được hợp đồng... khiến chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời bị bóp méo.

img

Dự án nông nghiệp đã được lắp điện áp mái của 3 công ty Anh Minh SL, Anh Khoa Tây Bắc và Công ty Minh Kha tại bản Tiền Phong, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, Sơn La không hề ghi nhận bất cứ hoạt động sản xuất nào

Nhiều chủ đầu tư xin đất làm trang trại nhưng không hề làm trang trại. Địa phương sau khi cấp phép thì gần như buông, không kiểm tra hoặc kiểm tra thấy việc sử dụng đất không đúng mục đích cũng không có biện pháp xử lý. Trong khi đó, phía điện lực khi ký hợp đồng mua bán điện không cần biết trang trại nuôi con gì, trồng cây gì... Tất cả đã khiến cho chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời bị bóp méo, lợi dụng.

Trang trại không sản xuất, chính quyền “bó tay”

Tương tự như khu vực Tây Nguyên hay tỉnh Sơn La, hiện tỉnh Ninh Thuận có khoảng 200 dự án trang trại nông nghiệp làm điện mặt trời.

Trong đó, ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải có 6 trang trại, tổng diện tích trên 110.000m2. Theo một lãnh đạo xã Xuân Hải, tất cả 6 trang trại này đều đang bán điện cho công ty điện lực. Riêng các hoạt động về nông nghiệp, chăn nuôi theo mục đích sử dụng đất ban đầu thì “vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện”.

Tại xã Phước Trung (huyện Bác Ái) cũng có tới 5 trang trại nông nghiệp sản xuất điện mặt trời áp mái. Ông Đạo Văn Linh, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, trong số này có 4 trang trại đang hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi theo kiểu “cho có”, chủ yếu là đầu tư làm điện mặt trời để bán.

“Khi cán bộ xã đi kiểm tra có phát hiện họ chưa thực hiện đúng như đăng ký. Các đợt kiểm tra sắp tới, nếu thấy các trang trại này không thực hiện mô hình trang trại, xã sẽ báo cáo huyện để xử lý”, ông Linh nói.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Ninh Hải, qua kiểm tra vào cuối năm 2020 thì có đến 70% trang trại chủ yếu hoạt động kinh doanh điện mặt trời áp mái. Đa số các trang trại đều nêu lý do để trì hoãn hoạt động của trang trại nông nghiệp đã đăng ký như “đang trong quá trình hoàn thiện” hoặc “đang tìm nguồn nước để thực hiện việc trồng cây, chăn nuôi”.

“Trong thời gian 1 năm, nếu phát hiện không thực hiện theo đúng hồ sơ đăng ký thì Phòng Nông nghiệp sẽ loại tên chủ đất ra khỏi danh sách đăng ký kinh tế trang trại và báo cáo cấp trên, các đơn vị liên quan để xử lý”, vị này cho biết.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Ninh Thuận, đến đầu tháng 3/2021, số dự án nông nghiệp kết hợp làm mặt trời trên mái đã ký hợp đồng mua bán điện là 217, trong đó số dự án có công suất trên 200KW là 120 dự án.

img

Một dự án điện mặt trời núp bóng trang trại nông nghiẹp nằm ven Tỉnh lộ 705, xã Phước Trung (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận)

EVN đã lường trước và báo cáo Bộ Công thương?

Trao đổi với Báo Giao thông về quy trình thủ tục, điều kiện xét duyệt để thực hiện đấu nối, mua điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà dưới hình thức trang trại nông nghiệp dưới 1MW, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cho biết, việc đấu nối thực hiện theo các văn bản hướng dẫn về đấu nối và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, dự án có công suất dưới 1MW không cần bổ sung quy hoạch, không cần có giấy chứng nhận điện lực hay phải thông qua chính quyền địa phương để xin cấp giấy phép xây dựng, lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

Chỉ đến khi chủ đầu tư có văn bản đề nghị cung cấp một điểm đấu nối và các đơn vị điện lực của EVN xét thấy khu vực đấu nối không ảnh hưởng đến trạm biến áp tại khu vực, đảm bảo về mặt kỹ thuật mới thỏa thuận đấu nối.

Lúc này, chủ đầu tư mới phải bổ sung xác nhận của UBND xã, huyện về khai báo xây dựng trang trại trong hồ sơ đăng ký thoả thuận đấu nối điện, hợp đồng mua bán điện để xác nhận giá mua bán điện theo quy định và cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định pháp luật.

Liên quan tới việc khai báo xây dựng trang trại như thế nào là đúng, đại diện EVN cho rằng, trong Quyết định 11 và 13 đều không có ràng buộc gì về việc vấn đề này và hướng dẫn như thế nào từ cấp xã, huyện hay tỉnh, thành phố.

Vị này cũng thừa nhận, thực trạng “lách” chính sách mà Báo Giao thông phản ánh cũng chính là điều EVN đã lường từ trước và đã có nhiều văn bản báo cáo lên Bộ Công thương. EVN cũng không có thẩm quyền để kiểm tra việc đó, vì EVN cũng chỉ là doanh nghiệp với chức năng nghiên cứu thẩm định đấu nối, mua điện, được ủy quyền của các cơ quan Nhà nước với mức giá và mẫu hợp đồng cố định.

Trong khi đó, điện lực các địa phương khi được hỏi cũng đều “đẩy” trách nhiệm về phía địa phương.

Ông Hà Văn Chương, Phó giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết: “Đối với quy trình đấu nối điện mặt trời mái nhà, cần phải tách bạch hai vấn đề, thứ nhất là không phải có trang trại (nuôi còn gì, trồng cây gì - PV) rồi mới cho làm.

Điện mặt trời mái nhà là làm những gì ở trên mái. Điện lực xuống thấy có mái nhà, khảo sát tính toán, nếu được thì thỏa thuận đấu nối. Việc cấp phép xây dựng, đất đai có chuyển đổi mục đích, có làm trang trại hay không là trách nhiệm của địa phương. Việc này thì điện lực không quan tâm vì không thuộc thẩm quyền”.

Ông Võ Ngọc Quý, Phó giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cũng cho rằng, ngoài các hồ sơ, thủ tục, điều kiện quy định tại các văn bản liên quan đến hợp đồng mua bán, đấu nối điện, Điện lực Gia Lai không được phép đòi hỏi các điều kiện, thủ tục, giấy tờ nào khác không thuộc thẩm quyền của đơn vị, gây khó khăn cho các nhà đầu tư.

Ông Hồ Thái Yên Kha, Phó giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận cũng cho biết, việc các hộ đăng ký hoạt động trang trại thì chịu sự quản lý của địa phương.

Khi địa phương kiểm tra phát hiện việc nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết hoàn toàn có thể rút giấy phép hoạt động trang trại. Từ đó, ngành điện có cơ sở để chấm dứt hợp đồng mua điện.

“Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào từ địa phương đề xuất ngành điện lực cắt điện vì vi phạm đăng ký sử dụng đất. Hiện đang xảy ra tình trạng thừa điện trên mạng lưới điện, trung bình mỗi ngày vẫn đang cắt khoảng 30-50% điện năng đấu nối vào mạng lưới điện do công ty quản lý”, ông Kha thông tin.

Với cách giải thích như trên từ phía ngành Điện lực, có thể thấy đang có sự dễ dãi trong việc ký hợp đồng mua bán điện đối với các dự án núp bóng vỏ bọc trang trại. Đây có lẽ chính là nguyên nhân hàng loạt các dự án điện mặt trời dưới 1MW ồ ạt được xây dựng thời gian qua.

Địa phương làm ngơ?

Có thể nói, nhiều chủ đầu tư sẽ không thể dễ dàng “vẽ” dự án trang trại nông nghiệp rồi núp bóng làm điện mặt trời bán cho Nhà nước với giá cao, nếu như không có sự “giúp sức” từ phía chính quyền địa phương.

Theo ông Trần Duy Trinh, Phó Tổng giám đốc điện lực Sơn La, chính sách mua điện áp mái là mua lại điện dư thừa của người dân, doanh nghiệp làm hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, mái xưởng, chứ không phải mua lại điện của doanh nghiệp dựng nhà xưởng, làm mái để sản xuất điện.

“Ngành điện có nhìn thấy những bất cập nhưng trong hướng dẫn của EVN thì nêu rõ là phải tạo mọi điều kiện cho các chủ đầu tư. Trong khi các điều kiện lại rất đơn giản”, ông Trinh nói.

Một trong những điều kiện “rất đơn giản” chính là dòng xác nhận của chủ tịch xã hoặc các cơ quan chuyên môn một cách chung chung như “ông A, bà B có số CMND, địa chỉ… đã và đang thực hiện làm trang trại”. Và ngành điện chỉ cần căn cứ vào đó, cùng với các điều kiện đi kèm đơn giản khác là ký hợp đồng.

Điển hình như trường hợp Công ty Anh Khoa (Sơn La), ngày 11/12/2020, Giám đốc công ty có đơn xin xác nhận gửi Phòng NN&PTNT huyện Sông Mã và nhanh chóng được cơ quan này đóng dấu xác nhận: “Hiện nay công ty đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm”.

Tuy nhiên khi trao đổi với PV, bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: “Đơn vị mới gửi hồ sơ tới Sở KH&ĐT xin lập chủ trương đầu tư trang trại, huyện mới dừng ở việc cho ý kiến, hồ sơ chưa phê duyệt”. Trước thông tin PV cung cấp là dự án đã bán điện, bà Yến khẳng định “sẽ giao các cơ quan chuyên môn của huyện để kiểm tra để xử lý theo quy định” (?)

Riêng tại huyện Mai Sơn, hiện đang có 12 công ty hoạt động theo mô hình trang trại có điện áp mái, nhiều nhất tỉnh Sơn La. Mặc dù đã liên hệ từ trước nhiều lần với lãnh đạo UBND huyện và các phòng ban chuyên môn nhưng khi PV đến làm việc thì lại nhận được sự đùn đẩy giữa các phòng của đơn vị này.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Phòng NN&PTNT huyện cung cấp cho PV một bản danh sách các công ty mà theo ông, hiện các đơn vị này đều đã có các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo điều tra của PV, hoàn toàn không có đơn vị nào có dấu hiệu làm trang trại. Giải thích, ông Hào cho biết số liệu là “do xã xác nhận, từ tháng 11/2020 huyện chưa đi kiểm tra” (?).

Trong khi đó, phía lãnh đạo Điện lực Sơn La cho rằng, việc kiểm tra trang trại có hoạt động đúng hay không thì ngành điện không đủ thẩm quyền.

Để làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành liên quan đến các thủ tục cấp phép dự án trang trại, PV đã liên lạc với các Sở NN&PTNT, Sở Công thương tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, câu trả lời PV nhận được từ Sở NN&PTNT là “lãnh đạo bận họp chưa xếp được lịch”. Còn Sở Công thương cho rằng trách nhiệm liên quan ở đây là của điện lực tỉnh phải mua điện “theo đúng tinh thần là điện áp mái”.

Tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, PV được Chánh văn phòng UBND huyện giới thiệu làm việc với ông Nguyễn Duy Hoài, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện. Tuy nhiên, khi PV có mặt thì cấp dưới thông báo ông Hoài đi vắng. Sau đó, PV chủ động liên hệ với ông Hoài nhưng ông này không nghe máy.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch xã Ia Sao (huyện Ia Grai, Gia Lai) cho rằng: “Là chính quyền địa phương nhưng việc kiểm tra cũng khá ái ngại, vì đây là công trình điện nên doanh nghiệp khuyến cáo khi kiểm tra thì phải nói trước” (?).

Còn ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai khi được hỏi, cho biết Sở đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình triển khai đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh, thời gian từ ngày 19/3 - 16/4 và sẽ có thông tin cụ thể sau.

Chủ tịch Sơn La yêu cầu làm rõ thông tin Báo Giao thông phản ánh

Ngày 22/3, UBND tỉnh Sơn La có Văn bản số 763/UBND-KT liên quan đến nội dung bài “Báo động làm điện mặt trời dưới vỏ bọc trang trại”, đăng trên Báo Giao thông ngày 22/3.

Văn bản nêu rõ, sau khi xem xét nội dung bài báo “Báo động làm điện mặt trời dưới vỏ bọc trang trại” trên Báo Giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Công ty Điện lực Sơn La, UBND các huyện, thành phố xác minh, báo cáo kết quả xác minh thông tin phản ánh các bất cập về phát triển điện mặt trời áp mái trang trại trong bài báo. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/3/2021.

Sở TN&MT, Công ty Điện lực Sơn La, UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở NN&PTNT báo cáo tình hình quản lý, phát triển điện mặt trời áp mái trang trại thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của ngành, đơn vị; gửi Báo cáo về Sở NN&PTNT để tổng hợp trước ngày 28/3/2021.

M.Chuyên- A.Đức

Làm điện trước, chăn nuôi sau

Tại tỉnh Sơn La, bên cạnh việc “vẽ” dự án trang trại trên giấy thì tất cả các dự án điện mặt trời áp mái đều giống nhau ở chỗ các đơn vị chủ động chia nhỏ một dự án cho nhiều công ty, sao cho công suất của mỗi công ty không quá 1 MW để dễ dàng được cấp phép và bán điện giá cao.

Điển hình là dự án trang trại của Công ty TNHH MTV Anh Khoa Tây Bắc thuộc bản Tiền Phong, xã Nà Ngựu, huyện Sông Mã. Cùng một thửa đất được lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái có tới 3 trạm biến áp, công suất khoảng 3MW được chia nhỏ cho 3 công ty, đều có quan hệ họ hàng với nhau.

Ông Trần Văn Kha, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy hải sản Minh Kha thừa nhận, dự án chưa trồng trọt, chăn nuôi đã bán điện là sai và cho biết: “Diện tích đất làm điện đã được 3 công ty (Anh Minh SL; Anh Khoa Tây Bắc; Nuôi trồng thủy hải sản Minh Kha) mua lại với tổng diện tích hơn 3ha. Lỗi là tôi sai, hiện nay doanh nghiệp đã xin chủ trương làm dự án trang trại chăn nuôi bò, gà”.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Tuấn Dung Sơn La cho biết, không có trách nhiệm phải… giải thích việc trang trại hiện không có gì ngoài bán điện. Thay vào đó, vị này đưa ra quyết định của UBND tỉnh Sơn La chấp thuận cho đơn vị làm dự án nông nghiệp, cho phép đến quý V/2022 mới phải vận hành trang trại nuôi bò, gà (?!).

Bà Cầm Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban cho biết, việc xác nhận trang trại phía đơn vị làm trực tiếp với UBND huyện. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, tờ khai kinh tế trang trại của Công ty Tuấn Dung được chính bà Hương xác nhận là “đúng sự thật”, để đơn vị này hoàn thiện hồ sơ ký hợp đồng bán điện cho Điện lực Sơn La.

Thủ tục cấp phép dự án trang trại thế nào?

Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT một địa phương khu vực phía Bắc, một dự án trang trại nông nghiệp khi triển khai còn tùy thuộc vào dự án đã có trong quy hoạch hay chưa; đất thuộc loại gì, đã chuyển đổi mục đích sử dụng chưa… Nếu đủ các điều kiện thì việc cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ khoảng 2 tháng. Nếu chưa có trong quy hoạch thì phải đợi bổ sung quy hoạch.

Cơ bản tất cả dự án về mặt thủ tục, thời gian đều giống nhau. Nếu xin dự án làm điện mặt trời thì phải chuyển mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất kinh doanh và tùy thuộc vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nếu chưa có quy hoạch thì phải bổ sung quy hoạch và phải phụ thuộc vào việc có được HĐND tỉnh đó có đồng ý hay không. Đồng thời phải nộp một khoản tiền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

“Thực sự dự án đang làm nông nghiệp mà kết hợp với điện áp mái thì rất tốt, nhưng nếu dự án lợi dụng để làm điện mặt trời mà mục tiêu chăn nuôi không thực hiện là chưa hợp lý, cần phải xem xét lại”, vị này nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.