Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa có công văn yêu cầu các đơn vị tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi pháp luật đối với hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688...
Theo văn bản Bộ Công thương, trong thời gian gần đây, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công thương. Hoạt động của các nền tảng TMĐT thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng tại Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông.
Để thực thi pháp luật hiệu quả, Bộ Công thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.
Đặc biệt, người tiêu dùng tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT. Thời gian thực hiện ngay trong tháng 10 này, điều có nghĩa những nền tảng TMĐT chưa được cấp giấy phép hoạt động như Temu chỉ còn vài ngày nữa sẽ bị chặn.
Bộ Công thương chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng nhanh chóng tham mưu cho Lãnh đạo bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn TMĐT chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phải phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.
Bộ Công thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tạo thêm kênh bán hàng mới để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa trong nước. Phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, lớp đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… thông qua việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, website, livestream nhằm thúc đẩy thương mại trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.
Bộ Công thương cũng yêu cầu Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới. Vụ Pháp chế phối hợp rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng TMĐT xuyên biên giới hoạt động trái phép.
Trong khi đó, các Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp đề xuất phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh TMĐT, đề xuất phương án xử lý đối với những hình thức khuyến mại không tuân thủ quy định của pháp luật đối với các nền tảng TMĐT.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhanh chóng đánh giá tác động đối với thị trường trong nước khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các nền tảng TMĐT xuyên biên giới và đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Trong những ngày vừa qua, nền tảng TMĐT Temu thâm nhập thị trường Việt Nam bằng phiên bản tiếng Việt với hầu hết các mặt hàng đều được giảm giá từ 70-90%. Việc Temu chưa đăng ký cấp phép, bán giá siêu rẻ theo kiểu phá giá... khiến các cơ quan chức năng và người tiêu dùng lo ngại về chất lượng sản phẩm cũng như hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước.
Một ngày sau khi Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân "giật mình" về mức giá Temu đang bán trên thị trường trong buổi họp báo chiều 23/10, sàn TMĐT Temu gửi công văn lên Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để thực hiện các yêu cầu pháp luật thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến chiều nay (27/10), Temu vẫn chưa có giấy phép hoạt động TMĐT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận