Giao thông

Bộ Giao thông đề xuất thêm quy định chặn xe hợp đồng trá hình

04/06/2017, 10:54

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 bổ sung nhiều điểm mới để siết điều kiện kinh doanh xe hợp đồng.

2

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ bổ sung, sửa đổi nhiều quy định về điều kiện kinh doanh xe hợp đồng để chặn xe hợp đồng trá hình - (Ảnh minh họa)

Xe hợp đồng không thể đón, trả khách như tuyến cố định

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp để quản lý xe hợp đồng trá hình, lách luật nhằm “vét khách” tuyến cố định, "né" thuế, gây rối loạn thị trường vận tải.

Tại buổi tọa đàm Đổi mới quản lý kinh doanh vận tải do Báo Giao thông tổ chức, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, từ năm 2008 trở lại đây, Chính phủ đã có 3 Nghị định 91, 93, 86 và sắp tới sẽ sửa đổi Nghị định 86 nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này. Mục tiêu là nhằm tạo ra môi trường kinh doanh vận tải minh bạch và thuận lợi, rạch ròi từng loại hình và tuân thủ các quy định của pháp luật. 

Thời gian qua, báo chí quan tâm nhiều đến 2 vấn đề: Xe dù bến cóc và ứng dụng quản lý xe dưới 9 chỗ ngồi. Về xe dù bến cóc, hiện nay đã có nhiều chế tài, song thực tế lĩnh vực này cho thấy cần bổ sung quy định để quản lý chặt hơn nữa.

Theo ông Ngọc, theo định nghĩa của Luật Giao thông đường bộ, xe hợp đồng là xe chạy không theo tuyến cố định. Còn xe tuyến cố định, là chạy từ bến đến bến, có quy hoạch từ trước. Song hiện nay, xe hợp đồng có hiện tượng lách quy định để chở khách tuyến cố định bằng cách trên xe in sẵn hợp đồng, khi hành khách lên xe sẽ ghi tên bổ sung.

Vì vậy, dự thảo Nghị định bổ sung quy định hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Hợp đồng vận tải được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Một chuyến xe, chỉ được ký kết 1 hợp đồng. Nội dung này đang được quy định tại Thông tư 63/2014/TT-BGTVT được chuyển lên Nghị định thay thế Nghị định 86 lần này.

"Bởi nếu như trên một xe 50 chỗ có 50 hợp đồng thì xe ấy khác gì xe tuyến cố định bán vé. Điều này không phù hợp. Khi khách có nhu cầu đi cả gia đình, thì người ta thuê xe hợp đồng và có quy định, thoả thuận rõ về những yêu cầu của chất lượng dịch vụ", ông Ngọc phân tích.

Cũng theo ông Trần Bảo Ngọc, dự thảo Nghị định mới bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh (trừ những vị trí do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố); quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có địa chỉ nơi khởi hành và địa chỉ nơi kết thúc trùng nhau; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều người thuê vận tải khác nhau để chống xe dù, bến cóc.

Đối với quy định doanh nghiệp phải thông báo thông tin liên quan đến chuyến đi, ông Ngọc cho biết, dự thảo sửa đổi quy định đối với xe từ 8 chỗ trở lên trước khi thực hiện hợp đồng phải thông báo đến Sở GTVT về hợp đồng (Nghị định 86 quy định xe từ 10 chỗ trở lên) trước khi thực hiện hợp đồng thông qua email hoặc phần mềm các thông tin liên quan đến chuyến đi; bổ sung quy định không được tổ chức gom khách lẻ. "Quy định này nhằm chặn tình trạng nhiều nhà xe lách luật bằng cách tháo bớt ghế để không phải thông báo", ông Ngọc nói.

Giao địa phương xác định điểm đón trả khách của xe hợp đồng 

Đặc biệt, theo ông Ngọc, dự thảo Nghị định mới mạnh dạn phân cấp quản lý xe hợp đồng cho chính quyền địa phương bằng việc bổ sung quy định xe hợp đồng được đón, trả khách tại các vị trí không cấm dừng, đỗ. UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để xác định và công bố các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng tại các đầu mối giao thông, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu dân cư, các địa điểm văn hóa, thể thao, du lịch, trung tâm thương mại, các khu nghỉ dưỡng hoặc chữa bệnh và trên các tuyến đường trong khu vực nội thành, nội thị thuộc các đô thị; quy định về tiêu chí và tổ chức, quản lý các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng trên địa bàn.

"Quy định này nhằm mục tiêu giao thẩm quyền quản lý cho các địa phương trong việc xác định các vị trí dừng đỗ cho xe hợp đồng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thông qua đó giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động của xe hợp đồng. Bổ sung quy định Sở Giao thông vận tải thông báo danh sách các xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để phối hợp quản lý", ông Ngọc khẳng định.

Quy định đã có nhưng xử lý không nghiêm

Trước các nội dung mới của Dự thảo Nghị định sửa đổi nghị định 86, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nguyễn Văn Thanh bày tỏ quan điểm cơ bản đồng tình với các quy định được điều chỉnh. "Bộ GTVT đã tiếp thu nhiều ý kiến của doanh nghiệp trong lần sửa đổi này, tuy nhiên, quan điểm của tôi là quy định đã có rồi, kể cả Nghị định 86 hiện nay cũng đã khá chặt chẽ, thì phải làm thật nghiêm. Chứ lâu nay ta chưa xử nghiêm minh. Có xe dù, bến cóc mà chính quyền nói không biết gì là không được", ông Thanh nói. 

Cũng tại Tọa đàm, ông Thanh đề xuất Bộ GTVT cần nghiên cứu quản lý theo cách mới, để năm sau khi sửa Luật Giao thông đường bộ thì sắp xếp lại loại hình vận tải, không nhất thiết phải chẻ nhỏ ra xe hợp đồng, xe cố định, xe taxi... với quá nhiều quy định cụ thể, doanh nghiệp rất khó thực hiện. 

"Xã hội thay đổi nhiều, nếu xe hợp đồng đáp ứng được yêu cầu cao của người dân mà ta tìm cách “trói” lại thì không hợp lý. Cần tạo điều kiện cho các loại hình vận tải phục vụ được hành khách hàng ngày một tốt hơn, thuận tiện hơn, văn minh hơn phát triển bằng cách đưa ra hành lang pháp lý phù hợp. Loại hình nào thì cũng phải đảm bảo an toàn, phải cạnh tranh chất lượng dịch vụ, giá cả", ông Thanh đề nghị.

Xem thêm Video

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.