Không hạn chế quyền đi lại của người dân
Bộ GTVT vừa báo cáo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về thí điểm chỉ áp dụng thu phí không dừng (ETC) trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Về cơ sở pháp lý thực hiện thí điểm, Bộ GTVT cho biết, Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ điều kiện cụ thể tại từng trạm thu phí xem xét, quyết định thực hiện thu phí toàn bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Để khuyến khích các phương tiện dán thẻ, tăng hiệu quả đầu tư hệ thống, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ GTVT lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC.
"Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án thu phí không dừng và các dự án BOT là Bộ GTVT. Việc Bộ GTVT quyết định lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để thí điểm là phù hợp quy định pháp luật", Bộ GTVT khẳng định.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho biết, học tập kinh nghiệm các nước, Bộ GTVT đã xây dựng lộ trình triển khai hệ thống thu phí ETC qua 3 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1, các trạm thu phí vẫn tồn tại có barrier.
Barrier sẽ mở cho xe đi qua trong trường hợp khi xe có thông tin thẻ dịch vụ hợp lệ, có đủ số dư tài khoản thu phí (vẫn tồn tại hình thức thu phí một dừng). Khi xe chưa gắn thẻ dịch vụ, hoặc có gắn thẻ dịch vụ nhưng không đủ số dư tài khoản thì hệ thống chuyển sang chế độ thu phí một dừng (MTC).
Giai đoạn 2, tại các trạm thu phí không còn barrier, chỉ duy trì các giải phân cách các làn. Các phương tiện lưu thông tự do theo làn qua trạm thu phí (không tồn tại hình thức thu phí một dừng).
Giai đoạn 3: Tại khu vực trạm thu phí chỉ còn duy trì giá long môn và các thiết bị thu phí gắn trên giá long môn. Các phương tiện lưu thông tự do đa làn qua khu vực trạm thu phí.
Thực tế hiện nay, hệ thống thu phí điện tử không dừng của Việt Nam đang dừng ở giai đoạn 1. Việc thí điểm thu phí không dừng là bước chuẩn bị cho chuyển lộ trình vận hành hệ thống thu phí không dừng từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, tiến tới xây dựng hoàn thiện hệ thống đồng bộ, hiện đại trên toàn quốc.
"Việc lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thí điểm đã được nghiên cứu kỹ, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới phương án tài chính các dự án BOT, quyền đi lại của chủ phương tiện khi tuyến cao tốc có QL5 chạy song hành", Bộ GTVT khẳng định.
Hết năm 2022, có 80% phương tiện dán thẻ
Về tiến độ thực hiện thí điểm, Bộ GTVT cho hay, dự kiến sẽ bắt đầu triển khai thí điểm trong tháng 6/2022.
Đến nay, phương án tổ chức giao thông, phương án xử lý các tình huống sự cố đã được thống nhất.
Bộ GTVT cho biết, để thực hiện thành công, hạn chế tình huống bất cập, Tổng cục Đường bộ VN đã phối hợp với nhà đầu tư, Cục CSGT tuyên truyền tới chủ phương tiện trên địa bàn tuyến cao tốc đi qua, kịp thời cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của chủ phương tiện.
Liên quan đến phương án xử lý đối với các phương tiện chưa dán thẻ hoặc thẻ không đủ điều kiện đi nhầm vào tuyến cao tốc, Bộ GTVT cho biết, hệ thống biển báo, chỉ dẫn từ xa đã được hoàn thiện.
Đồng thời, đã bổ sung tính năng cảnh báo số dư tài khoản cho các phương tiện trước khi đi vào tuyến cao tốc, hạn chế phương tiện không đủ điều kiện đi nhầm vào cao tốc.
Phương tiện không đủ điều kiện đi nhầm vào tuyến cao tốc sẽ có bộ phận hỗ trợ quay đầu xe hoặc dán thẻ ngay tại các trạm thu phí.
Về số lượng phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ, Bộ GTVT cho biết, hiện tỷ lệ phương tiện đã dán thẻ tại các tỉnh, thành phố tuyến đường cao tốc đi qua đạt trung bình 65%, tăng hơn 20% so với thời điểm chưa có chủ trương thí điểm trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
"Bộ GTVT tin tưởng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, việc thí điểm sẽ thành công, góp phần tăng tỷ lệ các phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trên 80% số lượng các phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ trong năm 2022", Bộ GTVT cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận