Điều chỉnh hàng hóa qua cảng biển tăng mạnh
Một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo điều chỉnh quy hoạch là sự thay đổi về dự báo hàng hóa và hành khách thông qua hệ thống cảng biển so với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1579/2021.
Cụ thể, đối với hàng container, điều chỉnh tăng khoảng 19,5-36 triệu tấn (7,3-8,3 triệu Teu), tập trung ở nhóm cảng biển số 1 và nhóm cảng biển số 4.
Theo Bộ GTVT, Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sử dụng để dự báo cho giai đoạn 2021-2030 tăng bình quân 7%. Giai đoạn 2031-2050 tăng bình quân từ 6,5-7,5%/năm.
Trong khi thời điểm lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, số liệu tăng trưởng GDP của Việt Nam lấy theo báo cáo Chính trị trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là 7% với kịch bản cao và 6,5% với kịch bản thấp.
Giai đoạn 2031-2050 tốc độ tăng trưởng GDP được tính toán sơ bộ khoảng 5-5,5%. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội tất cả các vùng đều có tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn so với mức tăng trưởng đã được sử dụng để tính toán trước đây từ 0,4-2,9%.
Đối với hàng rời, dự thảo điều chỉnh tăng khoảng 140 -160 triệu tấn. Trong đó, hàng than chuyển tải phục vụ các dự án nhiệt điện than tăng 20-23 triệu tấn, hàng phục vụ các dự án nhà máy sản xuất chế biến alumin tăng 16-27 triệu tấn, hàng hóa của các dự án nhà máy/khu liên hợp gang thép tăng 100-105 triệu tấn, hàng hóa của các dự án nhà máy chuyên dụng theo đề xuất của các địa phương tăng 4-4,5 triệu tấn.
Các điều chỉnh này dựa theo cập nhật nội dung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII), cùng những thay đổi và phát sinh từ các dự án nhà máy khu liên hợp sản xuất gang thép như: Dự án Nhà máy thép Xuân Thiện Nam Định; Dự án Khu liên hợp gang thép VAS Nghi Sơn; Mở rộng, nâng cấp dự án Khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Quảng Ngãi; Dự án Khu liên hiệp gang thép Long Sơn, Phù Mỹ, Bình Định; Dự án Khu liên hợp gang thép Bãi Gốc (Phú Yên).
Với hàng lỏng, khí lại có sự điều chỉnh cơ cấu với từng loại hàng. Cụ thể, điều chỉnh tăng lượng hàng LNG khoảng 19,5-28 triệu tấn, giảm 34 triệu tấn hàng xăng dầu của 3 dự án nhà máy lọc hóa dầu Vân Phong, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giai đoạn 2 và giảm quy mô dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất.
Ngoài ra, điều chỉnh tăng khoảng 13,5 triệu tấn hàng bổ sung, cập nhật quy mô các dự án kho dự trữ xăng dầu tại các địa phương
Riêng với hàng trung chuyển quốc tế, theo Bộ GTVT, Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có định hướng "Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM)".
Đồng thời, Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến lượng hàng thông qua khu bến Cần Giờ khoảng 4,8 triệu Teu năm 2030 và khoảng 16,7 triệu Teu năm 2047.
Trong đó, mục tiêu chủ yếu là hàng trung chuyển quốc tế của hãng tàu MSC (theo cam kết của MSC, dự kiến lượng hàng trung chuyển quốc tế chiếm khoảng 80%).
Cùng đó, tập đoàn ADANI (Ấn Độ) đề xuất đưa lượng hàng trung chuyển quốc tế khoảng 0,5-1 triệu Teu qua khu bến Liên Chiểu khi hoàn thành đầu tư và thực hiện khai thác khu bến này.
Tuy nhiên, với lượng hàng trung chuyển container quốc tế, Bộ GTVT dự kiến sẽ xác định cụ thể trong bước chuẩn bị dự án và có thể điều chỉnh theo cam kết của Nhà đầu tư.
Ngành du lịch phục hồi, tăng lượng hành khách qua cảng biển
Dự thảo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần này cũng đề xuất điều chỉnh tăng dự báo tổng lượt hành khách thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam khoảng 6-9 triệu lượt hành khách/năm so với Quyết định 1579.
Theo đó, điều chỉnh, bổ sung nhu cầu vận tải hành khách từ bờ ra đảo, khách du lịch biển đảo (cả khách quốc tế và nội địa) tăng khoảng 3,5-5 triệu lượt hành khách/năm so với trước đây.
Bởi, theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành du lịch Việt Nam đến năm 2025 sẽ hoàn toàn phục hồi như thời điểm 2019 với du lịch quốc tế và có sự tăng trưởng mạnh với du lịch nội địa.
Điều này sớm hơn so với dự báo trước đây được thực hiện trong thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, đề xuất bổ sung lượng khách thông qua các bến du thuyền khoảng 2-3 triệu lượt hành khách/năm, bao gồm cả các bến du thuyền tư nhân.
Theo Bộ GTVT, xu thế phát triển hoạt động phương tiện du thuyền và nhu cầu phát triển các bến du thuyền đang tăng mạnh thời gian gần đây, nhưng chưa được tính toán dự báo thời điểm trước đây.
Do đó, dự báo hành khách thông qua cảng biển đến năm 2030 đạt từ 17,4-18,8 triệu lượt hành khách, tăng trưởng 14,3-15,4%/năm giai đoạn 2022-2030 là phù hợp với kịch bản tăng trưởng du lịch Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận