Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại cuộc họp
Tăng tốc triển khai các dự án giao thông giai đoạn 2021 - 2025
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đã quan tâm chỉ đạo, ưu tiên huy động nguồn vốn để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng kết nối vùng qua địa bàn thành phố như cầu Cần Thơ, QL1, đường Nam Sông Hậu, QL91 (đoạn Km7-Km50+889), QL91B, cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ,….
Theo Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT), đối với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, hiện Bộ GTVT đang đề nghị bố trí cho dự án 1.164 tỷ đồng vốn trong kế hoạch đầu tư công năm 2021.
Đối với Dự án xây dựng tuyến tránh TP Long Xuyên (đoạn Thốt Nốt - Lộ Tẻ), Bộ GTVT đã giao các đơn vị lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (chiều dài 7km, vốn đầu tư 820 tỷ đồng).
Đồng thời, nâng cấp Quốc lộ Nam Sông Hậu, trong đó có đoạn từ ngã năm cầu Cần Thơ đến Cảng Cái Cui (chiều dài 140km, vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng). Các dự án đều được dự kiến đưa vào danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Dũng, tháng 8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 59 yêu cầu TP Cần Thơ phải phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về GTVT nội vùng và liên vận quốc tế.
“Để triển khai nhiệm vụ này, UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thành đưa vào khai thác trong giai đoạn 2021 - 2025 các dự án đường cao tốc trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn TP Cần Thơ như: đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Đồng thời, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT để sớm triển khai đầu tư và hoàn thành các dự án: nâng cấp Quốc lộ Nam Sông Hậu (đoạn từ ngã năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui); tuyến tránh thành phố Long Xuyên (đoạn Thốt Nốt - Lộ Tẻ); Nâng cấp, mở rộng QL91 (đoạn Km0 - Km7)”, ông Dũng nói.
Sở GTVT Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ GTVT ủng hộ và đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao địa phương này làm chủ đầu tư thực hiện dự án mở rộng tuyến đường nối thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) với TP Cần Thơ (QL61C) đối với đoạn qua địa phận TP Cần Thơ, chiều dài tuyến 10,2km với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến là 978 tỷ đồng bằng nguồn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng đó, sớm thi công hoàn thành giai đoạn 2 dự án Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu (kênh Quan Chánh Bố) trong giai đoạn 2021 - 2025 để đáp ứng cho tàu có tải trọng đến 20.000 tấn vào các cảng của TP Cần Thơ.
“UBND TP Cần Thơ cũng mong muốn Bộ GTVT nghiên cứu nâng cấp mở rộng Cảng HKQT Cần Thơ đạt quy mô 2 đường hạ cất cánh và quy hoạch xây dựng Trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ, đưa vào Quy hoạch mạng lưới cảng hàng không quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghiên cứu quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 để làm cơ sở triển khai thực hiện”, ông Dũng nói.
Lãnh đạo TP Cần Thơ trao đổi với Bộ GTVT tại cuộc họp
Dự kiến năm 2022 thông tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện tại Bộ GTVT đã hoàn thiện công tác đấu thầu tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đã chi 900 tỷ phục vụ công tác GPMB, giúp việc thi công trên tuyến có khoảng 20km mặt bằng sạch.
Khoảng 5km còn lại ngay dốc cầu Vàm Cống, do vướng nhiều nhà cửa của người dân, cần khoảng 500 tỷ đồng nữa, Bộ GTVT chủ trương sẽ phối hợp với tỉnh Vĩnh Long bố trí vốn hoàn thành GPMB trên toàn tuyến vào đầu năm 2021.
“Về công tác xây lắp, cả 3 gói thầu của dự án đã có kết quả đấu thầu. Dự kiến, cuối tháng 12/2020, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, khởi công cả ba gói thầu để đẩy nhanh tiến độ", Bộ trưởng nói và cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dự án sẽ được thực hiện bằng 100% nguồn vốn đầu tư công. Dựa trên tình hình thực tế, dự kiến, đến năm 2022 sẽ thông được đoạn cao tốc từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ.
Đối với tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau, Bộ trưởng cho biết, trong nhiệm kỳ tới, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, phê duyệt GPMB toàn bộ từ Châu Đốc đến Sóc Trăng và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
“Với các dự án này, định hướng trước mắt của Bộ GTVT là xây dựng một đơn nguyên, để thông xe giai đoạn 1 chỉ dành cho xe ô tô, phần mặt bằng còn lại sẽ lập hàng rào bảo vệ. Đơn nguyên thứ 2 sẽ sắp xếp vào các giai đoạn tiếp theo. Trong năm 2020, Bộ GTVT sẽ xem xét rõ vấn đề này để báo cáo Chính phủ, Quốc hội, phấn đấu sẽ khởi công dự án vào năm 2022”, Bộ trưởng Thể nói.
Đối với QL91 (Km0 - Km7), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, dự án này có khó khăn nhất định do chi phí GPMB lớn gấp 2 - 3 lần chi phí xây lắp. Năm 2008, Bộ GTVT có quyết định chuyển tuyến này thành đường đô thị và chuyển cho TP Cần Thơ đầu tư, khai thác.
“Cần Thơ có thể nghiên cứu cách làm của Đà Nẵng. Theo đó, địa phương sẽ lập hồ sơ nâng cấp đường đô thị và bỏ kinh phí GPMB và kiến nghị dùng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ phần xây lắp theo tính chất vừa là đường quốc lộ, vừa là đường đô thị. Nếu làm được mô hình này việc đầu tư sẽ khả quan hơn rất nhiều”, Bộ trưởng gợi ý.
Về dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ KH-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với hơn 1.500 tỷ đồng.
Đối với Cảng HKQT Cần Thơ, Bộ trưởng giao Cục Hàng không VN có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát đề xuất nâng cấp, đầu tư thêm 1 đường cất hạ cánh tại sân bay này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận