Ưu tiên phát triển giao thông công cộng bền vững, thân thiện môi trường
Bà Nguyễn Phương Hiền - Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển GTVT cho rằng, tại Việt Nam, ô nhiễm không khí ở các địa phương trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí là phát thải từ hoạt động của các loại phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Việt Nam hiện có khoảng 5,4 triệu ô tô và 72 triệu xe mô tô, xe gắn máy đã được đăng ký.
Xu hướng chung của các quốc gia phát triển hiện nay là hạn chế, tiến tới dừng hoạt động của phương tiện sử dụng xăng và dầu diesel.
Bên cạnh đó, là các chính sách ưu tiên phát triển, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông vận tải, hệ thống vận tải công cộng thân thiện môi trường (xe buýt CNG/điện, taxi điện, đường sắt đô thị...). Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Theo bà Hiền, với mục tiêu phát triển phương tiện giao thông vận tải và hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường nhằm giảm ô nhiễm môi trường không khí, giảm phát thải khí nhà kính; Hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050 và tăng trưởng xanh ngành GTVT, Bộ GTVT đã giao cho Viện Chiến lược và phát triển GTVT thực hiện nghiên cứu "Xây dựng chương trình quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện".
Nhiều rào cản chuyển đổi sang phương tiện dùng năng lượng sạch
Tại Hội thảo, chủ trương chuyển đổi năng lượng xanh, sử dụng phương tiện điện, thân thiện môi trường của Chính phủ được các doanh nghiệp (DN) vận tải ủng hộ, nhiều DN cho biết đã chủ động tìm hiểu, tiên phong trong việc sử dụng phương tiện điện, CNG.
Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho hay, trong bối cảnh các DN vận tải bị tác động lớn và đang từng bước phục hồi sau dịch Covid-19 dẫn đến sụt giảm sản lượng, đoàn phương tiện không được khai thác, thói quen đi lại của người dân thay đổi... cần có thời gian để phục hồi sản xuất, kinh doanh và xây dựng lộ trình chuyển đổi từng bước, hài hòa, phù hợp với đặc thù ngành kinh doanh vận tải và tránh gây xáo trộn, lãng phí.
Đối với phương tiện buýt điện, chi phí đầu tư phương tiện có giá thành rất cao (xấp xỉ khoảng 7 tỷ đồng/phương tiện) là áp lực lớn lên chi phí đầu tư, chi phí lãi vay và chi phí trợ giá... Hiện, chưa có đơn giá định mức cho loại hình phương tiện này, chưa có các chính sách hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư buýt điện, mới chỉ có một DN đầu tư xe buýt điện hoạt động tại Hà Nội, TP.HCM và Phú Quốc.
Với phương tiện buýt CNG, dù đã có bộ định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá tuy nhiên mới ở mức đảm bảo tối thiểu cho quá trình hoạt động. Một số hạng mục chưa được đưa vào đơn giá. Chính sách hỗ trợ 50% lãi vay vốn ngân hàng để đầu tư mua sắm phương tiện còn một số vướng mắc trong thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư phương tiện theo TT số 02/2016/TT-BTC của Bộ tài chính.
Đó là chưa kể đến các khó khăn về quỹ đất để xây dựng bãi đỗ, depot, trạm nạp khí và nguồn cung khí CNG. Chính vì vậy, buýt CNG cũng mới chỉ hoạt động tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương.
Đối với các phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định, có đặc thù cự ly vận chuyển xa, nhiều DN và HTX vận tải nhỏ, lẻ, việc đầu tư chuyển đổi đoàn phương tiện thân thiện với môi trường được đánh giá rất khó khăn nếu không có các ưu đãi, hỗ trợ về vốn vay, đầu tư hạ tầng (trạm sạc/trạm tiếp nhiên liệu, trạm biến áp...
Phía DN kinh doanh taxi, khó khăn chủ yếu đến từ nguồn vốn đầu tư phương tiện. Bên cạnh đó, đặc thù dịch vụ vận tải taxi có phạm vi hoạt động rộng, cả trong và ngoài đô thị. Do vậy, cần có thời gian kiểm chứng về mức độ an toàn và điều kiện vận hành trong các địa hình đồi núi, phức tạp của phương tiện điện.
Nỗ lực cùng thực hiện để phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050
Viện Chiến lược và phát triển GTVT chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu. Vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050.
Tham dự Hội thảo, đại diện tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng ý với chủ trương triển khai chuyển đổi theo chỉ đạo của Chính phủ và cho rằng: Thừa Thiên - Huế đang triển khai, chúng tôi đang xây dựng lộ trình thực hiện, cố gắng cùng với Khánh Hòa trong giai đoạn 2025 xây dựng, trình Chính phủ, xây dựng đô thị phát triển theo hướng di sản, cảnh quan, thông minh. Trong thời gian qua chúng tôi tập trung các nguồn lực để thực hiện.
"Hiện, chúng tôi đang tập trung xây dựng phương tiện xe máy điện, xe đạp điện… trên cơ sở này chúng tôi đang xây dựng cơ bản các tuyến đường phục vụ cho xe đạp. Chúng tôi có trên 200 xe đạp, người dân có thể sử dụng và không phải mất phí. Trong thời gian tới: Chính quyền, DN, người dân tiếp cận các định hướng sẵn sàng vào cuộc cùng thực hiện", vị đại diện này khẳng định.
Sở GTVT Hà Nội cũng thống nhất và cho biết cơ quan này đang nỗ lực nghiên cứu thực hiện và đưa ra lộ cụ thể: Dự kiến, giai đoạn 1 từ năm 2025-2030 với tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 7,73%/năm, số lượng xe được chuyển đổi trung bình từ 157 xe/năm.
Giai đoạn 2, từ năm 2031-2035 với tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 8,0%/ năm, số lượng xe được chuyển đổi là 162 xe/năm.
Đáng chú ý, các tuyến buýt mở mới sẽ ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh.
Dự kiến, các tuyến buýt sẽ được Hà Nội chuyển đổi trước là các tuyến hoạt động ở khu vực trung tâm, khu vực nội đô lịch sử và các tuyến kết nối với đầu mối giao thông lớn như nhà ga, bến xe, sân bay...
Phía Cục Đăng kiểm VN thông tin thêm: Mục tiêu của Chính phủ rất rõ ràng "phát thải bằng 0", nhưng hiện cái nào xanh, xanh nhiều, xanh ít… cần được nghiên cứu cụ thể. Mọi chính sách đưa ra đều ảnh hưởng tới kinh tế rất lớn. Vì thế, chúng tôi mong muốn quy chuẩn cần được xây dựng kỹ. Đưa ra phải kiểm soát được, không chỉ để làm hình thức, cần nâng cao năng lực con người", vị này cho hay.
Là đơn vị thí điểm xe đạp công cộng tại 6 tỉnh, thành trên cả nước, ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trí Nam cho hay, quá trình thực hiện thí điểm xe đạp công cộng ở 6 tỉnh có nhiều khó khăn trong chính sách, hạ tầng, bố trí các điểm đỗ, khó khăn còn về phí đưa ra.
Một số đề xuất để dịch vụ phát triển lâu dài của chúng tôi như để nó tự thu hồi được vốn cho dịch vụ này khó khả thi nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ưu đãi cho vay vốn để triển khai, hạ tầng kiện toàn có đường riêng, ưu tiên cho xe đạp, xe đạp mật thiết liên quan đến metro, xe buýt cần có vé liên thông để người dân đi được tất cả các loại phương tiện, có hỗ trợ cho sinh viên, thúc đẩy môi trường xanh", ông Dân đề xuất.
Phía Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng đây là đề xuất hợp lý. "Cần coi xe đạp như phương tiện công cộng. Việc trợ giá cho hoạt động này hoàn toàn chính đáng" đại diện Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận