Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, Bộ GTVT đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục nhất so với tất cả các Bộ còn lại khi từ tốp cuối, thậm chí áp chót của năm 2012 để vươn lên tốp đầu, thậm chí dẫn đầu ở một số chỉ số |
Bộ GTVT có cú "lội ngược dòng ngoạn mục"
MEI được VCCI thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện đánh giá thường niên hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các Bộ từ năm 2011. MEI 2014 đánh giá hiệu quả hoạt động pháp luật của 14 Bộ có liên quan chặt chẽ nhất tới doanh nghiệp dựa trên phản hồi điều tra của 228 hiệp hội doanh nghiệp cấp Trung ương và cấp tỉnh, đại diện cho 409 nghìn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên toàn quốc. MEI 2014 đánh giá dựa trên 5 chỉ số độc lập với 5 bảng xếp hạng riêng.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) thuộc nhóm nghiên cứu MEI, kết quả tổng thể MEI 2014 cho thấy một bức tranh nhiều hy vọng hơn, với nhiều mảng sáng hơn so với MEI 2012. Trong đó, Bộ GTVT được coi là “ngôi sao cải cách” với rất nhiều tiến bộ ở cả 5 chỉ số.
“Bộ GTVT đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục nhất so với tất cả các Bộ còn lại khi từ tốp cuối, thậm chí áp chót của năm 2012 để vươn lên tốp đầu, thậm chí dẫn đầu ở một số chỉ số. Trong từng chỉ số, điểm tăng thêm của Bộ GTVT cũng cao gấp nhiều lần điểm tăng thêm trung bình của các Bộ (cao hơn gấp 6 lần ở Chỉ số hiệu quả rà soát, kiểm tra tổng kết thi hành pháp luật; hơn gấp 3 lần ở Chỉ số Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); hơn gấp 2 lần ở Chỉ số hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật)”, Tiến sỹ Trang nói.
Lễ công bố nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. |
Cụ thể, Bộ GTVT dẫn đầu 14 Bộ ở Chỉ số xếp hạng hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật với 68,22 điểm. Đứng thứ hai là Ngân hàng Nhà nước VN với 65,80 điểm. Đứng cuối cùng là Bộ Y tế chỉ 50,85 điểm.
Ở các chỉ số còn lại, Bộ GTVT cũng đều đứng trong tốp đầu. Trong đó, Chỉ số xếp hạng hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, Bộ GTVT đứng thứ hai với 74,11 điểm, xếp sau Ngân hàng Nhà nước VN với số điểm rất sít sao 74,59 điểm. Đứng cuối là Bộ Tài nguyên và Môi trường 65,23 điểm.
Chỉ số chất lượng VBQPPL Bộ GTVT xếp thứ ba với số điểm 64,59, bám rất sát hai Bộ dẫn đầu lần lượt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ KHĐT với số điểm 66,06 và 64,79.
Ở bảng Chỉ số hiệu quả công khai thông tin tuyên truyền và phổ biến pháp luật, Bộ GTVT xếp thứ năm với 61,52 điểm. Đứng đầu là Bộ Thông tin và Truyền thông 62,60 điểm và đứng cuối là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 57,71 điểm.
Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả soạn thảo VBQPPL, Bộ GTVT cũng xếp thứ năm với 53,07 điểm. Dẫn đầu là Bộ KHĐT 58,08 điểm và cuối cùng là Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch 44,78 điểm.
Nơi nào có quyết tâm, nơi đó có chuyển biến
Đánh giá về các bảng xếp hạng 5 chỉ số này, Tiến sỹ Trang cho rằng, nơi nào có quyết tâm cao, nơi đó chắc chắn có chuyển biến. “Bằng chứng rõ ràng nhất là Bộ GTVT, năm 2012 đứng cuối ở hầu hết các chỉ số. Năm nay đã vươn lên tốp đầu ở cả 5 bảng xếp hạng. Đây là điều rất đáng trân trọng, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm lớn của lãnh đạo Bộ GTVT với công tác xây dựng VBQPPL trong thời gian qua”, Tiến sỹ Trang nói.
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT (người thứ hai bên phải) chia sẻ kinh nghiệm công tác xây dựng và thực thi VBQPPL ở Bộ GTVT |
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và thực thi VBQPPL ở Bộ GTVT, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, cải thiện VBQPPL là nhu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia. Bộ GTVT là Bộ kinh tế kỹ thuật, mỗi chính sách, văn bản đều liên quan đến đông đảo người dân, do đó việc này càng quan trọng hơn.
“Ở Bộ GTVT, trực tiếp Bộ trưởng Đinh La Thăng phụ trách công tác xây dựng VBQPPL. Hàng tháng Bộ trưởng đều chủ trì cuộc họp về công tác này với sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo Bộ và cấp trưởng các cơ quan đơn vị. Đồng chí nào vắng mặt phải báo cáo và được sự đồng ý của Bộ trưởng. Từ “lửa” của người đứng đầu đã truyền xuống người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và xuyên suốt từ trên xuống dưới nên đã tạo ra sự chuyển biến đáng kể trong công tác xây dựng và thực thi VBQPPL”, bà Nga cho biết.
Sự quyết liệt của Bộ GTVT đã tạo ra sự chuyển biến không chỉ trong lĩnh vực xây dựng VBQPPL mà gần như tất cả các lĩnh vực khác. |
Cũng theo bà Nga, việc quan tâm đến công tác này còn thể hiện ở hai năm liên tiếp, Bộ GTVT đều chọn chủ đề phương châm hành động hướng đến việc cải cách vì người dân và doanh nghiệp. Trong đó, năm 2014 là: “Đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tăng tốc hơn nữa, phát triển hơn nữa”. Năm 2015 là: “Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp".
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ở hầu hết các Bộ, công tác xây dựng VBQPPL thường chỉ giao cho một đồng chí Thứ trưởng phụ trách. Còn ở Bộ GTVT trực tiếp do Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo. Điều này cho thấy hiệu quả và chuyển biến rõ rệt và lý giải vì sao Bộ GTVT lại có sự chuyển mình nhanh đến vậy ở công tác này.
Đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng chia sẻ rất cảm phục những Bộ trưởng trực tiếp xắn tay cùng bộ máy của mình để xây dựng, nâng cao hiệu quả công tác VBQPPL. Khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đây cũng là tiêu chí đánh giá việc hoàn thành công việc của các Tư lệnh ngành. Bà Nga cho rằng, công tác xây dựng VBQPPL là rất quan trọng, nếu không có sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ, ngành khó có thể đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, dựa vào kết quả MEI, Chính phủ, các Bộ, ngành và các tổ chức, cá nhân có thể tham khảo ý kiến cộng đồng doanh nghiệp một cách đầy đủ, hệ thống hơn thực trạng về hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các Bộ. Qua đó, hy vọng MEI sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần xây dựng một môi trường chính sách, pháp luật hiệu quả, thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực của pháp luật, hiệu quả của quản lý Nhà nước. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận