Giao thông

Bộ GTVT nói gì về việc chậm ban hành Nghị định 86?

07/12/2019, 10:34

Bản dự thảo Nghị định 86 hoàn thiện đã được Bộ trưởng Bộ GTVT ký tắt và gửi Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng...

img
Bộ GTVT khẳng định, quy định tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh vận tải - Ảnh minh họa

Các dự thảo nghị định Bộ GTVT đều trình đúng tiến độ

Trả lời đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) về chậm ban hành nghị định thay thế Nghị định 86/2014 và một số nội dung quy định tại dự thảo nghị định mới liên quan đến quản lý xe taxi, xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử.

Đại biểu Trần Kim Yến nêu ý kiến: "Nhiều cử tri, nhất là cử tri thành viên hiệp hội taxi hoặc đang là lái xe thuộc các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng đề nghị Bộ trưởng GTVT xem xét việc chậm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 86. Theo các cử tri, việc chậm ban hành nghị định thay thế (dù đã được lấy ý kiến nghiều lần và 25/26 thành viên Chính phủ thống nhất) tạo sự bất bình đẳng giữa xe taxi truyền thống và taxi công nghệ (Grab), gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước".

Liên quan vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014) bắt đầu thực hiện từ năm 2016 đã được Bộ GTVT thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, hầu hết các lần trình dự thảo nghị định, Bộ GTVT đều thực hiện đúng hoặc sớm hơn thời hạn Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

"Bộ GTVT đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự thảo nghị định (dự thảo trình, báo cáo lần thứ 10). Trong đó, đã báo cáo về kết quả tổng hợp phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ có 25/26 thành viên Chính phủ thống nhất biểu quyết thông qua dự thảo Nghị định để ban hành", Bộ GTVT thông tin.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, sau thời điểm đó Bộ GTVT cũng như Văn phòng Chính phủ tiếp tục nhận được các ý kiến kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô VN, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp taxi lớn và một số Sở GTVT để góp ý về công tác quản lý xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền (truyền thống), xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (taxi công nghệ) và xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng hoặc kinh doanh vận tải khách du lịch) sử dụng hợp đồng điện tử.

Theo Bộ GTVT, việc xây dựng nghị định trong giai đoạn hiện nay phải phù hợp với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phù hợp với thực tế ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ về ATGT, tạo thuận lợi nhất cho đơn vị kinh doanh hoạt động ổn định, phát triển, công bằng, minh bạch và thuận tiện cho người dân là hết sức khó khăn. Do đó, Bộ GTVT cho rằng, cần nghiên cứu để đưa ra những quy định phù hợp nhất với giai đoạn hiện nay để điều chỉnh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện và mang tính xã hội rất cao này. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện dự thảo nghị định với tinh nêu trên.

Cũng theo Bộ GTVT, trong lần trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định lần gần đây nhất (lần thứ 12), Bộ GTVT đã nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về rà soát dự thảo nghị định. Bộ GTVT đã phối hợp Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ để rà soát và hoàn thiện dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

"Ngày 4/11, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu, trong đó Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm ban hành nghị định để tổ chức triển khai thực hiện. Đến thời điểm hiện nay, bản dự thảo nghị định hoàn thiện cũng đã được Bộ trưởng Bộ GTVT ký tắt và gửi Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ", Bộ GTVT cho biết.

Công bằng, minh bạch

Với nội dung: “Việc chậm ban hành nghị định thay thế đã tạo sự bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải giữa xe taxi truyền thống và taxi công nghệ (Grab), gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước, Bộ GTVT cho biết, nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân tại văn bản số 1538 ngày 12/11/2019.

Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc quản lý xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sử dụng phần mềm để điều hành, kết nối trực tiếp lái xe và hành khách là nội dung có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86/2014.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo định hướng xây dựng nghị định này với một số trọng tâm: Loại bỏ các nội dung quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh không thực sự cần thiết, không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ; Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong quản lý vận tải để thay thế cho phương thức quản lý truyền thống; Bỏ quy định bắt buộc phải gắn hộp đèn cố định trên nóc xe taxi (doanh nghiệp tự quyết định việc gắn hộp đèn trên nóc xe), thay vào đó dùng phần mềm cùng với phù hiệu, biển hiệu xe và tem kiểm định khác biệt để quản lý; Xây dựng hạ tầng công nghệ nhằm kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình, hình ảnh, ghi, lưu trữ lâu dài từ camera trên xe ô tô...

Trên tinh thần đó, Bộ GTVT đã hoàn chỉnh dự thảo nghị định với sự thống nhất cao của các Bộ có liên quan; trong đó thể hiện rõ quan điểm ủng dụng công nghệ trong điều hành xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ ngồi, kể cả xe taxi (taxi sử dụng đồng hồ tính tiền - taxi truyền thống: taxi sử dụng phần mềm để tính tiền, kết nối lái xe với hành khách - taxi công nghệ), xe hợp đồng (sử dụng hợp đồng văn bản giấy hoặc điện tử), xe du lịch (sử dụng hợp đồng văn bản giấy hoặc điện tử); tương ứng với mỗi loại hình là các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh phù hợp.

"Dự thảo nghị định không có nội dung cản trở đơn vị kinh doanh vận tải lựa chọn loại hình vận tải, vì vậy, đơn vị kinh doanh vận tải hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với điều kiện, thế mạnh của mình theo pháp luật. Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 đã được Bộ GTVT hoàn chỉnh, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành. Đây là khung khổ pháp lý chung, đầy đủ để quản lý các loại hình kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô, quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải một cách bình đẳng, minh bạch và hướng đến mục tiêu cao nhất là đáp ứng nhu cầu ngày càng tốt hơn của người dân, giữ gìn trật tự, ATGT", Thủ tướng khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.