Kiên quyết loại bỏ nhà thầu yếu kém
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án và xử nghiêm vi phạm là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2023 vừa được Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT ban hành.
Bộ GTVT đánh giá, năm 2022, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Bộ GTVT đã được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Các quy hoạch ngành quốc gia được hoàn thành sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Chính phủ. Vận tải đã phục hồi ở cả 5 lĩnh vực, sản lượng tăng trưởng ấn tượng, trong đó vận tải hành khách hàng không tăng trưởng 3 con số.
Nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 - Ảnh internet
Đối với xây dựng cơ bản, 6 dự án quan trọng quốc gia đã được Bộ GTVT trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đúng tiến độ yêu cầu.
Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn, đã hoàn thành khối lượng công việc lớn để đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy vậy, theo Bộ GTVT, tiến độ chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công một số dự án chậm so với yêu cầu. Việc bảo trì hạ tầng giao thông kéo dài, chưa xử lý triệt để.
Về công tác bảo trì, Bộ GTVT cho biết sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả trong bảo trì kết cấu hậ tầng giao thông. Đồng thời, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phân cấp, phân quyền trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông theo chỉ đạo tại Nghị quyết 04/2022 của Chính phủ.
"Trong năm 2023, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, dự án đường bộ Chợ Mới - Bắc Kạn…
Đồng thời, phấn đấu hoàn thành một số dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 như: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cầu Mỹ Thuận 2, Nha Trang - Cam Lâm, Mỹ Thuận - Cần Thơ, luồng sông Hậu giai đoạn 2, tuyến đường thủy Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2", Nghị quyết nêu.
Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, các dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn 2021 - 2025; Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án trọng điểm ngành GTVT.
"Bộ GTVT sẽ tập trung kiểm tra, giám sát, xử lý ngay các vướng mắc và các tồn tại liên quan đến tiến độ, chất lượng; Nghiêm khắc xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có liên quan; Chấn chỉnh, nâng cao năng lực các chủ đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm và kiên quyết loại bỏ ngay các nhà thầu có năng lực yếu kém ra khỏi các dự án của ngành", Bộ GTVT cho biết.
Bộ GTVT sẽ xây dựng các giải pháp đồng bộ để đạt được mục tiêu tiếp tục kéo giảm từ 5 - 10% số người chết do tai nạn giao thông - Ảnh minh họa
Tái cơ cấu vận tải, giảm sâu tai nạn giao thông
Cũng trong năm 2023, Bộ GTVT xác định sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án theo hướng nâng cao hiệu quả, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng pháp luật.
Trong đó, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với vận tải, Bộ GTVT sẽ đưa ra các giải pháp tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy, đường sắt; Phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics nhằm nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics.
Đối với giao thông đô thị, giao thông công cộng sẽ được ưu tiên làm nền tảng, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM.
Riêng về đảm bảo ATGT, Bộ GTVT đánh giá, tai nạn giao thông trong năm qua vẫn còn diễn biến phức tạp, một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra.
"Trước thực trạng đó, năm 2023, Bộ GTVT sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo ATGT theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Chiến lược quốc gia về đảm bảo ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2045 nhằm tiếp tục kéo giảm từ 5 - 10% số người chết do tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông", Nghị quyết nêu rõ.
Liên quan đến công tác thanh, kiểm tra, Bộ GTVT cho biết sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; Xử nghiêm các vi phạm.
Việc thanh, kiểm tra sẽ được thực hiện từ sớm để tăng tính phòng ngừa trên tất cả các lĩnh vực; Đồng thời, phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận