Đường đào xong hơn một tháng không cát đắp
Cuối tháng 3/2023, có mặt trên công trường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, nếu như ở các khu vực sản xuất cọc, đóng cọc, thi công cầu, không khí thi công vẫn diễn ra khẩn trương thì khu vực tuyến chính lại khá ảm đạm. Nhiều đoạn tuyến đã hoàn thành công tác đào hữu cơ xong nhưng bị bỏ ngỏ vì không có cát đắp nền đường.
Đường đào hơn 1 tháng nhưng không có cát để đắp
Theo ông Dương Đình Tuấn, Phó giám đốc Ban Điều hành liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty 36 CTCP Tổng công ty Xây dựng số 1 CTCP - Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam, khoảng 1 tháng trước, nhà thầu đã đào khuôn đường 8/12km (70%) trên phạm vi mặt bằng đã bàn giao. Tuy nhiên, do không có vật liệu cát đắp nên không thể triển khai các công đoạn tiếp theo.
“Hiện tại, nhà thầu đã vận chuyển vải địa về công trường nhưng không thể trải. Nếu trải trong vòng 1 tuần không có cát đắp, vải địa sẽ bị hỏng", ông Tuấn nói và cho biết, tổng trữ lượng cát cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau khoảng 18 triệu m3, song, đến nay dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang chỉ mới nhận được khoảng 35.000m3.
"Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau thì gần như chưa nhận được cát. Đường đào xong, cỏ mọc xanh nhưng cát vẫn chưa về công trình”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Tuấn, trước tình hình trên, Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư) và các đơn vị thi công đã làm việc với địa phương, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT. Mặc dù vậy, các thủ tục liên quan đến việc tăng công suất và khảo sát các mỏ cát mới đang thực hiện rất chậm.
Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ, Ban QLDA đã có văn bản gửi các địa phương có nguồn vật liệu cát như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng để giới thiệu các nhà thầu thi công dự án và đề nghị hỗ trợ nguồn vật liệu cát cho dự án.
Đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp và An Giang đã dự kiến nguồn cát cung cấp cho dự án khoảng 3 triệu m3. Trong đó, Đồng Tháp dự kiến hỗ trợ 1,89 triệu m3 từ việc tăng công suất mỏ cát khu 2A, 2B thêm 371.000m3.
Địa phương cũng xác định 2 vị trí mỏ mới có trữ lượng khoảng 1,52 triệu m3 để nhà thầu triển khai thăm dò và thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác theo quy định. Tỉnh An Giang dự kiến tăng công suất 2 mỏ đang khai thác để cung cấp cho dự án khoảng 1,1 triệu m3.
“Ban QLDA và nhà thầu thi công đang tích cực phối hợp với địa phương để thực hiện thủ tục nâng công suất các mỏ đang khai thác và thủ tục cấp phép khai thác các mỏ mới để đảm bảo nguồn cát đắp phục vụ dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Tuy nhiên, việc tăng công suất các mỏ đang khai thác hiện nay chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ, khoảng hơn 1,47 triệu m3, đạt xấp xỉ 8% so với nhu cầu dự án. Trong khi thủ tục mở mỏ mới sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án”, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận quan ngại.
Nhà thầu không thể thi công cầu công vụ phục vụ cho việc vận chuyển thiết bị tiếp cận công trình do còn vướng nhà dân
Có mặt bằng sạch nhưng không thể tiếp cận thi công
Tìm hiểu của PV, thời điểm hiện tại, tỉnh Hậu Giang bàn giao khoảng 87% mặt bằng cho dự án, tương đương hơn 55km. Tuy nhiên, phạm vi mặt bằng bàn giao chỉ tổ chức thi công đối với đoạn Cần Thơ - Hậu Giang chỉ được khoảng 19km, đoạn Hậu Giang - Cà Mau khoảng 15km.
Theo ghi nhận, tại một số vị trí thi công như nút giao IC 4, cầu Nàng Mau… còn rất nhiều nhà dân, các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà mồ… chưa bàn giao, di dời.
Nhiều đoạn mặt bằng được bàn giao nhưng không liên tiếp, nhà thầu không thể đưa máy móc vào thi công, hoặc không thể làm đường, cầu công vụ phục vụ cho việc vận chuyển thiết bị, máy móc đến công trường.
Theo báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, trên địa bàn có 12.067 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đến nay, địa phương đã lập và phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt 100%.
Qua rà soát, hiện còn 217 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, khoảng 37 hộ cam kết sẽ bàn giao mặt bằng dứt điểm trước ngày 30/4; có 69 hộ chờ nhận nền tái định cư; 31 hộ yêu cầu nâng giá nhà, đất, cây trồng và 80 hộ yêu cầu, vướng mắc khác.
“Các hộ dân chưa di dời chủ yếu là họ chờ nền tái định cư. Trong khi đó, 4 khu tái định cư của địa phương xây dựng để phục vụ cho dự án đến tháng 6/2023 mới hoàn thành. Đây cũng chính là một trong những đường găng của dự án.
Một số vị trí các hộ dân cũng chưa giải tỏa, nhà thầu không thể thi công đường và cầu công vụ để tiếp cận công trường, tiến hành tập kết nguyên, vật liệu thi công… Vấn đề này nếu không sớm được giải quyết, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ tổng thể chung của dự án”, một nhà thầu cho biết.
Nhà thầu triển khai thi công cầu Nàng Mau
Được biết, nhằm tạo thuận lợi cho nhà thầu thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án, mới đây, Bộ GTVT đã có công điện gửi UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn tỉnh.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc GPMB tại các vị trí đường găng của dự án. Đảm bảo mặt bằng bàn giao liên tục tạo thuận lợi cho công tác huy động thiết bị máy móc triển khai thi công.
Đối với các khu vực đã bàn giao mặt bằng nhưng còn vướng mắc, chưa thể thi công, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Hậu Giang tăng cường lực lượng đẩy nhanh việc chi trả, đền bù. Trong đó, ưu tiên GPMB đường tiếp cận, đường công vụ, các vị trí xen kẹt, “xôi đỗ” trong tháng 3/2023.
Với những vị trí chưa bàn giao mặt bằng, trong tháng 3/2023, địa phương ưu tiên GPMB đối với các vị trí đường tiếp cận công trường, đường công vụ, các vị trí cần xử lý nền đất yếu, vị trí công trình cầu để tổ chức thi công ngay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận