Hàng trăm cuộc họp gỡ vướng, phát triển hạ tầng
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ GTVT đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến lĩnh vực GTVT theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Xác định cần tận dụng mọi cơ hội để cùng cả nước thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án trọng điểm, động lực quốc gia, từ đầu năm 2022 đến nay, lãnh đạo Bộ đã chủ trì trên 230 cuộc họp và rất nhiều buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hoạt động liên quan.
Với 74 nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao trên Hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống Ecabinet, 6 tháng qua, Bộ GTVT đã hoàn thành 48/74 nhiệm vụ (đạt 65%), chưa hoàn thành 26 nhiệm vụ (chiếm 35%).
“Đặc biệt, trong bối cảnh giá nhiên liệu biến động mạnh, Bộ GTVT đã thực hiện các giải pháp thích ứng, linh hoạt, giá cước vận tải cơ bản được kiểm soát.
Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt 834 triệu tấn, tăng 11,3% so với năm 2021, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”, Thứ trưởng nói và cho biết, bên cạnh nhiệm vụ phát triển hạ tầng, duy trì ổn định hoạt động vận tải, thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả kiểm soát tải trọng xe. TNGT tiếp tục được kiềm chế.
Công tác bảo trì kết cấu hạ tầng được thực hiện kịp thời, đảm bảo thuận lợi cho người tham gia giao thông, nhất là vào mùa mưa, lũ.
Xác định nhiệm vụ của Bộ GTVT trong 6 tháng cuối năm là rất lớn, đặc biệt là khối lượng giải ngân còn nhiều (hơn 33.000 tỷ đồng), Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA tập trung chỉ đạo triển khai công trường, tăng sản lượng thi công, lũy tiến công tác giải ngân.
“Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung triển khai quyết liệt các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án CHKQT Long Thành giai đoạn 1, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận...
Sở GTVT các địa phương, đặc biệt là các địa phương có 3 dự án mới được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư là: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Sở GTVT cần tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT thực hiện tốt nghị quyết của quốc hội, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng các dự án”, Thứ trưởng nói.
“Với những tồn đọng tại các dự án BOT hiện nay, các đơn vị liên quan cũng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tham mưu cho lãnh đạo Bộ giải pháp kiến nghị các cấp thẩm quyền xử lý”, Thứ trưởng chỉ đạo thêm.
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đảm bảo ATGT - Ảnh minh họa
Liên kết cơ sở dữ liệu, siết chặt quản lý phương tiện và người lái
Nêu ý kiến tại hội nghị về công tác đảm bảo trật tự ATGT, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn nạn xe vi phạm tải trọng.
“Tải trọng xe là câu chuyện của nhiều năm nay. Sau một thời gian vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, tình trạng xe chở quá tải, cơi nới thành thùng đã cơ bản được giải quyết, song còn nhiều diễn biến mới phức tạp”, Thiếu tướng Đức nói và cho biết, thực tế hiện nay, xử lý một xe quá tải trung bình mất 3 - 4 tiếng liên hệ chủ xe hoặc hạ tải.
Muốn “dẹp” dứt điểm xe quá tải phải làm tận gốc. Hiện, Bộ Công an đang chỉ đạo lực lượng công an từ cấp xã, huyện khảo sát từng doanh nghiệp vận tải, vận động họ tự cắt thành thùng xe nếu có tình trạng cơi nới. Công tác này không chỉ có công an, CSGT mà cũng rất cần sự phối hợp của lực lượng thanh tra GTVT.
Lực lượng đăng kiểm cũng có thể phối hợp, phát hiện xử lý những phương tiện vi phạm trong quá trình đi đăng kiểm.
Chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình (GSHT) cũng là một trong các giải pháp được lãnh đạo Cục CSGT đề cập để nâng cao hiệu quả quản lý giữa hai Bộ.
Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, thời gian qua, không ít vụ TNGT xảy ra do lái xe hoạt động quá thời gian điều khiến phương tiện theo quy định. Tuy nhiên, đối với các vụ TNGT nghiêm trọng, việc kiểm soát thiết bị, dữ liệu GSHT để lấy căn cứ phân tích vụ việc của lực lượng công an còn khó khăn. Việc này cần thiết có sự phối hợp, đồng hành của Bộ GTVT.
“Bộ Công an và Bộ GTVT cũng cần kết nối sâu rộng hơn nữa cơ sở dữ liệu dùng chung. Cơ sở dữ liệu này đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ quản lý của lực lượng chức năng như: thông báo xử phạt vi phạm hành chính; Xác định nguồn gốc xe, thủ tục hải quan,… trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký đối với phương tiện; Quản lý vấn đề sử dụng GPLX của người điều khiển phương tiện (xác định rõ người nào bị tước GPLX để không cấp mới với trường hợp vi phạm),…”, lãnh đạo Cục CSGT nói.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cũng đề nghị trên cơ sở kết quả của mô hình thu phí không dừng được triển khai hiệu quả trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vừa qua, Bộ GTVT và Bộ Công an cần phối hợp đánh giá tổng thể để đưa ra được mô hình nhân rộng ra nhiều tuyến cao tốc khác, đáp ứng yêu cầu triển khai thu phí điện tử không dừng trên toàn quốc từ 1/8/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận