Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị các Ban QLDA, Cục chuyên ngành, Sở GTVT các địa phương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 và khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để khởi công các dự án năm 2023.
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị báo cáo kế hoạch triển khai thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn và các dự án dự kiến khởi công năm 2023 trước ngày 15/2/2023 - Ảnh minh họa.
Theo đó, với các dự án khởi công mới năm 2023, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA kiểm tra, rà soát lập kế hoạch chi tiết công tác lập, thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu,... để sớm khởi công dự án.
Kế hoạch triển khai đối với từng dự án báo cáo Bộ GTVT làm cơ sở chỉ đạo điều hành, theo dõi, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện, tiến độ yêu cầu trước ngày 15/01/2023.
“Các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt dự án đầu tư, các đơn vị phải rà soát, lập lại kế hoạch thực hiện, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/01/2023; Kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện đảm bảo tính khả thi, đảm bảo chất lượng hồ sơ và phải có đầy đủ các thủ tục theo quy định pháp luật.
Đồng thời, tập trung phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc, hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo kế hoạch cam kết”, văn bản nêu.
Đối với các dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban QLDA cần tập trung chỉ đạo xử lý, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc; kịp thời báo cáo Bộ GTVT những vấn đề vượt thẩm quyền và đề xuất giải pháp xử lý.
“Các chủ đầu tư/ban QLDA phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT để khẩn trương phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư; phê duyệt dự án đầu tư để triển khai các công việc tiếp theo, đảm bảo giải ngân kịp thời kế hoạch vốn được bố trí năm 2023”, Bộ GTVT yêu cầu.
Được biết, theo danh mục được phê duyệt, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có 66 dự án giao thông được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công.
Tính đến nay, 6 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: Kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 1; Dự án mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1A; Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; Đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc và dự án Dự án nâng cấp, cải tạo 03 tuyến Quốc lộ (53, 62, Nam Sông Hậu) tại ĐBSCL, sử dụng vốn vay WB.
16 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt dự án, gồm: Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Cục Đường bộ VN; XD hệ thống thông tin quản lý tích hợp phục vụ chuyển đổi số Cục Đường thuỷ nội địa VN; Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải; Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ GTVT giai đoạn 2021-2025; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện hàng không và kết cấu hạ tầng giao thông hàng không.
Cùng đó là các dự án: đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không Côn Đảo; Xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên QL37B; Tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; Cải tạo, nâng cấp QL28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; Cải tạo, mở rộng QL2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; Cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000DWT; Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1; Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam (ODA); Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (đoạn Tân Phú - Bảo Lộc).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận