Quản lý

Bộ GTVT tổng kết công tác năm 2021: Năm vượt khó hoàn thành nhiều mục tiêu

24/12/2021, 09:30

Năm 2021 là năm khó khăn, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất - kinh doanh, nhưng Bộ GTVT vẫn hoàn thành hầu hết các mặt công tác.

Ngày mai (25/12), Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Chia sẻ với Báo Giao thông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, năm 2021, Bộ GTVT cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

img

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: Tạ Hải

Vượt “bão” Covid-19 hoàn thành mục tiêu kép

Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương. Trong bối cảnh này, Bộ GTVT triển khai thực hiện các nhiệm vụ như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Phải khẳng định năm 2021 là một năm rất khó khăn. Dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự giám sát hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT hoàn thành hầu hết các mặt công tác.

Về xây dựng, Bộ GTVT đã hoàn thiện thể chế, quy hoạch, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời, hiệu quả; kịp thời hoàn thành công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) với khối lượng lớn trong thời gian ngắn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Gần đây dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, bàn giao cho TP Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác. Đây cũng là công trình đường sắt đô thị đầu tiên trong cả nước được đưa vào sử dụng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thay đổi thói quen tham gia giao thông công cộng, giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian lưu thông cho người dân, giúp hạn chế phương tiện cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông

Chất lượng văn bản QPPL ban hành được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Công tác lập quy hoạch ngành quốc gia được tập trung chỉ đạo thực hiện, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, kịp thời, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối giữa các lĩnh vực, khắc phục được hạn chế các quy hoạch trước đây.

Bộ GTVT là một trong những bộ, ngành đầu tiên trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch làm cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc.

Với phương châm GTVT phải thông suốt, công tác bảo đảm hoạt động vận tải được thực hiện kịp thời, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, các tuyến đường địa phương, tại các cảng biển, cảng, bến thủy nội địa cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc kéo dài, đảm bảo lưu thông hàng hóa 24/24h phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng hồ sơ và tiến độ, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án nhóm A phải trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Công tác bảo đảm trật tự ATGT có nhiều cải thiện, TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí…

img

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi thói quen đi lại của người dân. Ảnh: Tạ Hải

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của năm 2021 là việc phòng, chống dịch Covid-19, quyết liệt chỉ đạo mở luồng xanh tháo gỡ vận chuyển hàng hóa; tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp vận tải. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về nhiệm vụ này?

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều thành phần kinh tế, trong đó có lĩnh vực vận tải.

Nỗ lực bảo đảm không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân và nguyên, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, Bộ GTVT đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.

Trong đó, Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19; thành lập các Đoàn kiểm tra tại 22 địa phương về tổ chức hoạt động vận tải, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; ban hành các Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực; đề nghị các địa phương rà soát, thu hồi các quy định đã ban hành không phù hợp, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19.

Để chủ động phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, Bộ GTVT đã xây dựng, ban hành Kế hoạch vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022.

Có thể nói, ngành GTVT đã cố gắng, nỗ lực hết sức mình để duy trì, đảm bảo hoạt động vận tải được thông suốt, an toàn, kịp thời trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế ở mức cao nhất có thể theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng đó, Bộ GTVT đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải. Đồng thời, Bộ GTVT đề xuất các cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách giảm phí để hỗ trợ các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa.

Khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách

Vấn đề “nóng” được quan tâm đặc biệt hiện nay là việc mở lại các đường bay quốc tế. Quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này thế nào, thưa Thứ trưởng?

Trước hết, tôi khẳng định, Việt Nam không ban hành các quy định dừng hoặc hạn chế các chuyến bay quốc tế thường lệ đến và đi từ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay phải đáp ứng các quy định về kiểm soát y tế đối với người nhập cảnh theo quy định.

Đến tháng 11/2021, Bộ GTVT đã khởi công 10 dự án và hoàn thành đưa vào khai thác 9 dự án. Dự kiến hết tháng 12/2021, khởi công 9 dự án, hoàn thành 12 dự án. Các công trình dự án cơ bản hoàn thành đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư, trong đó có các dự án quan trọng, cấp bách, như khởi công: 5 dự án thành phần còn lại của cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên và tuyến kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; Dự kiến hoàn thành dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh, đường lăn CHK quốc tế Tân Sơn Nhất…


Cụ thể, công dân Việt Nam hồi hương bằng đường hàng không hiện được vận chuyển trên các chuyến bay “giải cứu” cách ly tại cơ sở quân đội, chuyến bay “combo” cách ly tại các cơ sở chỉ định của địa phương và hoặc kết hợp vận chuyển trên các chuyến bay chở hàng trên cơ sở chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.

Người nước ngoài là các nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao... nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay của các hãng hàng không trên cơ sở chấp thuận của các cơ quan chức năng Việt Nam và các địa phương.

Gần đây, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo thông tin của Bộ Ngoại giao, nhu cầu nhập cảnh của công dân Việt Nam về nước thời điểm này tiếp tục tăng cao, đặc biệt là dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với mục đích làm việc, đầu tư, sản xuất kinh doanh và du lịch là rất lớn.

Do vậy, việc khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đồng thời thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch quốc tế nói riêng và kinh tế nói chung.

Do vậy, Bộ GTVT đề xuất các kịch bản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc từng bước mở lại đường bay quốc tế, trước mắt là tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ).

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã đồng ý với đề xuất này của Bộ GTVT và sẽ thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

Quyết liệt triển khai dự án trọng điểm, tăng tốc giải ngân

img

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An ngày 10/12, yêu cầu các nhà thầu xây dựng lại biểu đồ tiến độ thi công nhằm sớm đưa dự án vào khai thác

Trong năm 2021, Bộ GTVT liên tiếp nằm trong số các Bộ, ngành đạt tỷ lệ giải ngân cao so với bình quân chung cả nước. Bộ GTVT làm thế nào để đạt được kết quả này?

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của Bộ GTVT khoảng 43.401 tỷ đồng (42.996 tỷ đồng kế hoạch năm và 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài), Bộ đã phân bổ chi tiết toàn bộ 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định.

Dự kiến, đến hết tháng 1/2022 (thời hạn giải ngân kế hoạch năm), Bộ GTVT phấn đấu giải ngân kế hoạch cả năm đạt khoảng 96% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (tương đương kết quả năm 2020).

Có được kết quả này, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2021, Bộ GTVT đã tập trung, chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân các dự án, đặc biệt đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm của ngành (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách...).

Dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT triển khai khởi công mới 67 dự án gồm: 6 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A, 51 dự án nhóm B, C.

Đến thời điểm này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 3/10 dự án nhóm A. Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt theo thẩm quyền 42/51 dự án nhóm B, C; đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng quốc gia.

img

Hầm Thung Thi dài 680m nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam qua huyện Hà Trung (Thanh Hóa), vừa được khoan thông ống bên phải sau 9 tháng khởi công. Đây là một trong những hầm có chiều dài lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - NamẢnh: Lê Hoàng

Trong số 6 dự án quan trọng quốc gia có dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Đây là dự án đặc biệt quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, dư luận đặc biệt quan tâm, có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Dự án đã được Bộ GTVT tập trung xây dựng, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và được Chính phủ, Bộ Chính trị đồng ý để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối năm 2021.

Dự án không chỉ góp phần hoàn thiện trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông mà còn là một trong những công trình động lực cho quá trình phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.

Một trong những nội dung quan trọng được Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo trong năm qua là đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Thứ trưởng có thể cho biết những kết quả bước đầu của nhiệm vụ này?

Trong năm 2021, các cơ quan thuộc Bộ đã hoàn thành 21 nhiệm vụ/chỉ tiêu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng Chính phủ điện tử.

Hoàn thành kết nối các phần mềm quản lý văn bản để gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp; 100% cán bộ sử dụng chữ ký số cá nhân để xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng.

Bộ GTVT đang cung cấp 296 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 271 dịch vụ mức độ 4, 25 dịch vụ mức độ 3).

Năm 2021 các đơn vị đã tiếp nhận và xử lý hơn 447.000 hồ sơ trực tuyến với hơn 150.000 doanh nghiệp tham gia.

Nhận thức về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại các cơ quan có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đánh giá xếp hạng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GTVT xếp thứ 9 trong số 18 Bộ, ngành về chỉ số chuyển đổi số và xếp hạng A (cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) về chỉ số an toàn thông tin mạng.

Nhiệm vụ triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số sẽ được tích cực triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo để tiếp tục tăng cường quản lý điều hành của ngành và phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hàng hải giữ nhịp tăng trưởng trong đại dịch

Lãnh đạo Cục hàng hải VN cho biết, năm 2021, dù dịch Covid-19 kéo dài, nhưng tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Trong đó, hàng container ước đạt gần 24 triệu TEU, tăng 8%.

Đáng chú ý, năm 2021 là khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam vận tải tăng mạnh trong đại dịch với mức tăng tới 54% (khoảng gần 5 triệu tấn) so với năm 2020. Đây là mức tăng trưởng hiếm có.

Trong khu vực Tokyo MOU, tính đến ngày 10/12/2021, có 737 lượt tàu biển Việt Nam bị kiểm tra, tỷ lệ lưu giữ chỉ hơn 1.4%. Đội tàu biển Việt Nam tiếp tục nằm trong “Danh sách trắng” của Tổ chức Tokyo MOU.

N.Khánh

Đường sắt giảm lỗ hàng trăm tỷ

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, năm 2021 vận tải đường sắt gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

“Tàu khách phải dừng chạy hàng tháng trên các tuyến dẫn đến hàng nghìn lượt lao động khối vận tải phải nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động. Tổng công ty đã thực hiện nhiều giải pháp như thúc đẩy vận tải hàng để tăng doanh thu; Siết các chi phí... Kết quả SXKD cả năm đã giảm được lỗ so dự kiến”, ông Mạnh thông tin.

Cũng theo ông Mạnh, tháng 3/2021, bằng nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giảm lỗ, kết quả năm 2021, doanh thu Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt VN đạt gần 1.447 tỷ, chỉ lỗ hơn 690 tỷ, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban giao, đồng thời chỉ bằng 52,8% con số lỗ năm 2020 là hơn 1.300 tỷ.

T.Thúy

Vận tải hàng không giảm mạnh

Lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết, năm 2021, thị trường vận tải hành khách hàng không bị ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 với mức độ ảnh hưởng còn nghiêm trọng hơn năm 2020. Dự kiến năm 2021, thị trường vận tải hàng không có khả năng đạt 17,5 triệu khách, giảm 52% so với năm 2020 và 1,25 triệu tấn hàng hóa, tăng 15% so với năm 2020.

Năm 2021, vận chuyển hành khách quốc tế ước đạt 500 nghìn khách, giảm 93% so với năm 2020 và vận chuyển hàng hóa đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn hàng hóa, tăng 21,3% so với năm 2020.

Trong bối cảnh dừng khai thác các đường bay quốc tế thì đường bay nội địa đóng vai trò quan trọng, sống còn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên, biến chủng Delta bùng phát tại Việt Nam tác động đến tâm lý, nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thị trường nội địa bị sụt giảm nhanh và mạnh. Dự kiến, vận chuyển nội địa năm 2021 chỉ đạt 17 triệu khách và 154 nghìn tấn hàng hóa, giảm tương ứng 41% về hành khách và 16% về hàng hóa so với năm 2020.

T.Bình

Tập trung thanh tra trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ

Ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, trong năm 2021, Thanh tra Bộ thực hiện 24 cuộc thanh, kiểm tra, hoàn thành 100% kế hoạch và đột xuất. Nội dung thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, bám sát yêu cầu quản lý Nhà nước của ngành, chú trọng đến thanh tra trách nhiệm của các chủ thể và kiểm tra mang tính phòng ngừa, đặc biệt là việc kiểm tra đối với các công trình trọng điểm như: Dự án cao tốc Bắc - Nam và dự án thu phí không dừng.

“Qua công tác thanh, kiểm tra đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước của ngành GTVT. Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Trong đó, thu hồi gần 8 tỷ đồng về NSNN; phong tỏa tài khoản 1 đơn vị, cấm đấu thầu 2 đơn vị; xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 tổ chức, 16 cá nhân có vi phạm liên quan”, ông Hoàng thông tin.

Trong năm, Tổng cục Đường bộ VN, các Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ và Thanh tra các Sở GTVT cũng thực hiện 53.776 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; xử phạt 42.671 vụ vi phạm, với số tiền trên 201 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, Thanh tra GTVT đã tập trung lực lượng phục vụ công tác kiểm soát dịch Covid-19. Thanh tra Bộ GTVT đã tham gia xây dựng, trình Bộ GTVT ban hành nhiều hướng dẫn của Bộ GTVT về hoạt động vận tải trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Theo ông Hoàng, năm 2022, Thanh tra Bộ sẽ tập trung thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Cùng đó, tăng cường thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm của dự án xây dựng cơ bản công trình giao thông của một số địa phương.

Tăng cường các cuộc kiểm tra mang tính phòng ngừa để kịp thời phát hiện ngay từ đầu, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là đối với các công trình, dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

N.Khánh

Giảm hơn 1.100 người chết do TNGT

Năm 2021, Bộ GTVT cùng với các bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Trong 11 tháng năm 2021, cả nước xảy ra hơn 10.000 vụ TNGT, làm chết hơn 5.100 người, bị thương hơn 7.000 người. So với cùng kỳ năm 2020, giảm hơn 3.300 vụ, giảm hơn 1.100 người chết, giảm gần 3.000 người bị thương.

T.Duy

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông dần hút khách

Ngày 6/11, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội tổ chức lễ bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt đô thị (metro) Cát Linh - Hà Đông.

Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty Hà Nội Metro cho biết, sau hơn 1 tháng metro Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác, đến nay tuyến vận hành ổn định, các chuyến tàu đảm bảo an toàn, đúng giờ và chất lượng phục vụ tốt nhất cho hành khách.

Tổng số khách được vận chuyển trong tháng đầu khai thác đạt hơn 620.400 khách, trong đó nhiều nhất là thời gian miễn phí với trung bình 25.000 khách/ngày, sau đó đạt 16.000 khách/ngày.

Đến nay, trung bình mỗi ngày có 16.000 lượt khách đi tàu, với tỷ trọng khách tập trung ở 2 ga đầu tuyến Cát Linh chiếm 30,1%, Yên Nghĩa 21,7% và 10 ga dọc tuyến còn lại chiếm 48,2%.

H.Lộc

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.