Đường bộ

Bộ GTVT tường minh nhiều câu hỏi "nóng" về cao tốc Bắc - Nam

28/12/2022, 18:13

Hàng loạt vấn đề nóng đã được đặt ra tại buổi họp báo tình hình triển khai cao tốc Bắc - Nam do Bộ GTVT tổ chức chiều nay (28/12).

Chiều nay (28/12), Bộ GTVT đã tổ chức họp báo thông tin tình hình triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hàng loạt các vấn đề liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp, vật liệu thi công dự án, GPMB,… đã được lãnh đạo Bộ GTVT và đại diện các đơn vị chuyên môn giải đáp.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT chủ trì buổi họp báo chiều nay (26/12)

Khởi công đồng loạt thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với vùng dự án đi qua

PV Đài Tiếng nói Việt Nam: Bộ GTVT có thể cho biết, khác biệt lớn nhất trong hình thức tổ chức khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2?

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy: Việc khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ được tổ chức cùng lúc. Đây là lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức đồng loạt thế này. Đó là nhiệm vụ rất khó nhưng mang lại nhiều lợi ích.

Trong đó, bà con nhân dân các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đều được tiếp nhận chỉ đạo của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với các vùng dự án đi qua là như nhau.

Cách thức tổ chức này cũng sẽ thống nhất nhận thức, hành động từ Bộ GTVT, địa phương, các Bộ, ngành liên quan, nhà thầu, tư vấn,… tạo ra khí thế quyết tâm ngày đầu năm, thực hiện phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ dự án.

Khách quan, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu

PV Báo Thanh Niên: Một trong những cơ chế đặc thù xây dựng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 là chỉ định thầu. Xin hỏi tiêu chí Bộ GTVT lựa chọn nhà thầu mạnh?

Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng: Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu đúng theo quy định pháp luật. Quy trình lựa chọn nhà thầu cũng theo đúng các bước, đúng trình tự. Bộ GTVT còn chỉ đạo chủ đầu tư, Ban QLDA đăng thầu về dự án trên Báo Đấu thầu, Cổng TTĐT Bộ GTVT, trang điện tử của các Ban QLDA để các nhà thầu nắm bắt thông tin, lựa chọn đối tác đủ khả năng thực hiện dự án. Ban QLDA sẽ dựa vào các tiêu chí đánh giá và lựa chọn nhà thầu có năng lực.

Về việc xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu, các tiêu chí được xây dựng trên cơ sở tuân thủ pháp luật về đấu thầu. Bộ KHĐT đã có Thông tư 08 để các Ban QLDA dựa vào đánh giá. Nghị định 15 của Chính phủ cũng quy định về năng lực nhà thầu.

Công tác chuẩn bị lựa chọn nhà thầu đã được lựa chọn cùng với công tác khảo sát thiết kế, dự toán. Đến nay, các Ban QLDA đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu, đảm bảo tuân thủ pháp luật, lựa chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu của dự án. Về quy trình thủ tục đều tuân thủ theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, để đảm bảo công khai minh bạch công tác lựa chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu của dự án, Bộ GTVT nhiều lần tại các cuộc họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đăng tải thông tin nhà thầu công khai rộng rãi để đảm bảo tuân thủ pháp luật và Bộ GTVT cũng nghiêm cấm các hành vi không minh bạch trong lựa chọn nhà thầu.

Bộ GTVT hiểu rằng việc lựa chọn nhà thầu quyết định sự thành công của dự án. Ngay từ khi lập quy trình chỉ định thầu, Bộ GTVT đều thực hiện đúng quy định của Chính phủ về chỉ định thầu. Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm chính trong việc thẩm định việc phê duyệt các bước, các khâu trong công tác chỉ định thầu. Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ GTVT cũng giám sát theo dõi để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh nếu có.

Hiện nay, quá trình lựa chọn nhà thầu bằng chỉ định thầu đảm bảo quy định đạt kết quả là Bộ GTVT đã ký hợp đồng của 14 gói thầu, đáp ứng điều kiện khởi công.

PV Đài Tiếng nói Việt Nam: Các nhà thầu tham gia 12 gói thầu lần này đều được nhận định là lớn và mạnh. Tiêu chí nào được đưa ra đánh giá điều này?

Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng: Bên cạnh xây dựng bộ tiêu chí theo đúng quy định pháp luật xây dựng và pháp luật về đấu thầu hiện hành, Bộ GTVT đã đề nghị chủ đầu tư đăng tải thông tin gói thầu kèm theo tiêu chí để các nhà thầu tiếp cận thông tin, tự đánh giá năng lực của mình, xác định khả năng tham gia dự án với tư cách độc lập hoặc liên danh.

Trên cơ sở đề xuất của các nhà thầu, các ban QLDA sẽ sàng lọc, xác định nhà thầu đủ điều kiện nhận hồ sơ yêu cầu.

Để xác định được nhà thầu nào là mạnh hay đủ năng lực, ngoài quy định pháp luật về đấu thầu, căn cứ hướng dẫn Thông tư 08 của Bộ KH-ĐT, Nghị định 15 của Chính phủ, Ban QLDA 6 đã được Bộ GTVT giao xây dựng bộ tiêu chí mẫu, các cơ quan tham mưu của Bộ cũng đã tham gia, thống nhất một số tiêu chí quan trọng.

Ví dụ, về yêu cầu năng lực hành nghề thi công xây dựng, khảo sát thiết kế, tất cả các nhà thầu phải là hạng I.

Về tiêu chí năng lực tài chính, doanh thu, nguồn lực tài chính, với gói thầu từ 3.000 - 8.000 tỷ đồng, nhà thầu phả có năng lực tài chính tương ứng với quy mô gói thầu.

Đối với tiêu chí kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự trước đây, theo quy định cũ, nhà thầu đã từng thi công hợp đồng có giá trị bằng 70% giá trị gói thầu đang xét. Song, nếu áp dụng quy định này sẽ khó lựa chọn được nhà thầu phù hợp.

Căn cứ theo Thông tư 08 của Bộ KH-ĐT, yêu cầu được đưa ra là nhà thầu phải từng thực hiện các hợp đồng dự án có giá trị bằng 50% giá trị gói thầu đang xét. Với tiêu chí này, chỉ có những nhà thầu thi công dự án quy mô lớn mới đáp ứng được.

img

Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư xây dựng trả lời tại họp báo

Loại bỏ nhà thầu yếu

PV Báo Tiền phong: Giai đoạn 1 đã có những nhà thầu không đủ năng lực thi công bị cắt chuyển khối lượng, những nhà thầu này có được chọn vào dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2? Bộ GTVT đã có các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn nào đối với các nhà thầu yếu?

Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư xây dựng: Trước tiên, tôi xin khẳng định không có nhà thầu nào bị chấm dứt hợp đồng, cắt chuyển khối lượng được vào dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025.

Điều này được quy định tại Thông tư 08 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu nhà thầu bị chấm dứt hợp đồng sẽ bị loại trong bước đánh giá sơ bộ hồ sơ dự thầu từ 3-5 năm.

PV Báo Tiền phong: Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 gặp rất nhiều khó khăn bởi giá vật liệu tăng cao. Ở giai đoạn 2, việc điều chỉnh giá được thực hiện như thế nào để giải quyết khó khăn cho các nhà thầu?

Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư xây dựng: Hiện, các dự án cao tốc đều căn cứ quy định Thông tư 07 của Bộ Xây dựng về điều chỉnh giá hợp đồng, áp dụng điều chỉnh giá cho vật liệu có biến động giá lớn như: sắt, thép, xi măng, nhựa đường, đảm bảo bù đắp biến động giá so với thực tế.

Trước đây công thức điều chỉnh giá được tính cho cả hợp đồng nay đã chia nhóm và hiện nay nếu càng chia nhỏ công thức càng gắn với thực tế, sẽ giải quyết được biến động giá.

Trường hợp biến động giá lớn, xem xét điều chỉnh giá bù trừ trực tiếp theo quy định của pháp luật.

PV Báo Đấu thầu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) vừa trình dự thảo nghị định cơ chế thưởng hợp đồng cho các nhà thầu xây lắp ngành GTVT. Tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT có định hướng gì cho các chủ đầu tư trong việc đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu đảy nhanh được tiến độ.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy: Hiện, dự thảo Nghị định về cơ chế thưởng phạt nhà thầu giao thông đang được Bộ KH-ĐT soạn thảo. Bộ GTVT cũng mong muốn bên cạnh cơ chế phạt hợp đồng, cần có cơ chế thưởng để khuyến khích, tạo động lực cho nhà thầu. Sau khi Nghị định được ban hành, Bộ GTVT rất mong Bộ KH-ĐT sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể để có hành lang pháp lý triển khai đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu giao thông.

Cơ bản giải quyết khó khăn nguồn vật liệu

PV Báo Pháp luật TP.HCM: Tại hai dự án thành phần khu vực phía Nam là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau vẫn đang gặp thách thức về nguồn vật liệu. Trước thực trạng này, việc nghiên cứu cát biển làm vật liệu đắp đã được định hướng triển khai.

Tiến độ nghiên cứu hiện ra sao? Trường hợp kết quả nghiên cứu không có kết quả tốt, giải pháp nào sẽ được đưa ra? Nhà thầu có bị ràng buộc trách nhiệm nếu vật liệu cát bị thiếu, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng: Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, khu vực ĐBSCL sẽ có 4 dự án cao tốc được triển khai, gồm: cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, đoạn Hậu Giang - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh.

Tính toán cho thấy, nhu cầu cát đắp cho 4 dự án này khoảng 47 triệu m3.

Cũng theo nghiên cứu, nguồn cát đắp không nằm ở các địa phương có dự án đi qua mà tập trung chủ yếu ở 4 địa phương có nguồn cát cơ bản đáp ứng yêu cầu, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long.

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu cho dự án, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã cho phép nâng công suất các mỏ đang khai thác tối đa 50%, đồng thời, các nhà thầu thi công sẽ được giao mỏ vật liệu trực tiếp.

Tại buổi kiểm tra hiện tường, làm việc với các tỉnh ĐBSCL mới đây, Thủ tướng Chính phủ xác định, 4 dự án cao tốc trên đều là các dự án quan trọng quốc gia, việc cấp cát không chỉ là trách nhiệm của địa phương có dự án đi qua mà là trách nhiệm chung của các tỉnh.

Ngày 14/12/2022, Bộ GTVT cũng đã phối hợp Bộ TN-MT, làm việc với các địa phương khu vực ĐBSCL có nguồn cát, đề nghị các địa phương có nguồn cát sông triển khai thủ tục giao mỏ mới, đăng ký khối lượng vật liệu cấp cho từng dự án theo nguyên tắc dự án nào triển khai trước sẽ được cấp trước.

Bộ TN-MT cũng sẽ báo cáo Thủ tướng yêu cầu các địa phương phân bổ nguồn cát cho các dự án.

Song song với nguồn cát sông, Bộ GTVT đã chủ động chỉ đạo các đơn vị tham mưu, Ban QLDA Mỹ Thuận nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường

Theo đánh giá ban đầu của đơn vị tư vấn, nguồn cát biển tại khu vực ĐBSCL cơ bản đáp ứng nhu cầu về thành phần hạt đắp nền đường. Cơ quan chuyên môn đang tiếp tục đánh giá ảnh hưởng nhiễm mặn đối với môi trường xung quanh.

Bộ GTVT đã giao Ban QLDA triển khai thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với một đoạn tuyến thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau. Sau khi quan trắc đánh giá, nếu đáp ứng yêu cầu, Bộ TN-MT sẽ triển khai thủ tục cấp mỏ cho các đơn vị khai thác.

Căn cứ tình hình thực tế, nếu thuận lợi, cuối năm 2023, cơ quan chuyên môn mới đánh giá được kết quả nghiên cứu cát biển. Thời gian trước mắt, mục tiêu của Cính phủ và Bộ GTVT là sử dụng nguồn cát sống từ 4 địa phương có nguồn cát dồi dào để đảm bảo tiến độ dự án.

img

Tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, nguồn vật liệu đắp cơ bản được giải quyết - Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn: Với vai trò là nhà thầu xây lắp được Bộ GTVT, chủ đầu tư lựa chọn tham gia thi công xây lắp đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn xác định vật liệu cát đắp mà một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến tiến độ dự án.

Theo tính toán, nhu cầu cát đắp cho hai dự án thành phần khu vực ĐBSCL là 18,5 triệu m3. Sau khi được chủ đầu tư, Bộ GTVT lựa chọn thi công xây lắp, hơn 1 tháng qua, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã đã làm việc với tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng xác định trữ lượng. Kết quả cho thấy, trữ lượng cát tại các địa phương này đủ đáp ứng cho dự án, song trữ lượng được cấp mỏ vẫn rất thấp. Vấn đề này rất cần sự chia sẻ của địa phương

PV Báo Nhân dân: Ở giai đoạn 1, vật liệu là một trong những thách thức lớn nhất? Tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT đã triển khai các giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng: Tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, thời gia đầu triển khai cơ bản sử dụng các mỏ đang được khai thác thương mại. Tuy nhiên, khi các dự án thành phần đồng loạt triển khai, nhu cầu vật liệu tăng cao, khả năng cung ứng của các mỏ không đáp ứng yêu cầu, dẫn đến khan hiếm nguồn cung, khiến dự án gặp khó khăn.

Để đáp ứng yêu cầu, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ ban hành hai Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 cho phép nhà thầu được tiếp cận, khai thác các mỏ.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Nghị quyết 18 của Chính phủ đã cho phép giao trực tiếp mỏ vật liệu trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu phục vụ dự án cho các nhà thầu.

Thời gian thực hiện thủ tục cấp phép cũng được rút ngắn. Nếu ở dự án giai đoạn 1, trình tự thủ tục thực hiện theo Luật Khoáng sản với 13 bước thì tại dự án giai đoạn 2, các bước này đã được bỏ qua, nhà thầu chỉ cần đăng ký công suất, phương án khai thác,…

Quá trình lập dự án đầu tư, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn, ban QLDA làm việc trực tiếp với địa phương nắm bắt được các mỏ đã có/chưa có trong quy hoạch và đảm bảo các mỏ địa phương giao cho nhà thầu triển khai là tối ưu nhất và gần nhất khu vực thi công dự án.

Mỏ vật liệu được nghiên cứu hiện lớn hơn nhu cầu của các dự án thành phần. Nguồn đất đắp được đảm bảo cung cấp vật liệu cho các dự án.

PV Báo Tiền phong: Liên quan đến vấn đề GPMB, thực tế, 4 dự án thành phần chuẩn bị thông xe, đến tháng 11/2022 mới được giải quyết các vướng mắc về mặt bằng. Ở dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT có những giải pháp gì để tối ưu hơn hiệu quả công tác GPMB?

Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng: Có thể nói, ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, với sự nỗ lực rất cao của toàn bộ hệ thống chính trị, từ tháng 6đến nay, các địa phương đã bàn giao được 70% mặt bằng thi công cao tốc Bắc-Nam.

Với sự quyết liệt như hiện nay, yêu cầu giải phóng mặt bằng sẽ được đáp ứng bởi các địa phương đã xác định là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Bộ GTVT đã nhận diện được vấn đề vướng mắc và rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn vừa qua thì sẽ có được phương pháp tháo gỡ.

Xã hội hóa đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc

PV Báo điện tử VnExpress: Hiện trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn chưa có trạm dừng nghỉ, xin hỏi Bộ GTVT đã có kế hoạch xây dựng trạm dừng nghỉ như thế nào?

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Cao tốc: Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông có đặc điểm ngoài khai thác công trình còn có các yếu tố khác mang tính chất kinh doanh. Trong Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư xác định rõ nội dung trạm dừng nghỉ xây dựng xã hội hoá không tính vào tổng mức đầu tư của dự án. Bộ GTVT đã phê duyệt vị trí và quy mô các trạm dừng nghỉ và đang xây dựng cơ chế để đầu tư trạm dừng nghỉ, trong đó xây dựng Thông tư để kêu gọi đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ để đề xuất lựa chọn nhà đầu tư.

Trên thực tế hiện nay rất khó khăn trong việc xác định doanh thu của trạm dừng nghỉ vì không có phương pháp xác định, một số trạm dừng nghỉ chưa đáp ứng với quy định hiện hành chúng tôi đang phải tiếp tục rà soát. Bộ GTVT hiện đang chỉ đạo Cục Cao tốc cùng các cơ quan liên quan như Cục Đường bộ Việt Nam khảo sát, đánh giá và xây dựng Thông tư làm cơ sở kêu gọi đầu tư trạm dừng nghỉ để phục vụ các dự án cao tốc tiếp theo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.