Tập trung truyền thông đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng GTVT
Thông tin tại lễ ký, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) cho biết, thời gian qua Đài đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực GTVT, các chiến lược, giải pháp về bảo đảm trật tự, ATGT.
Công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực GTVT, đặc biệt là công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được Đài THVN duy trì thường xuyên và hiệu quả, vừa đảm bảo tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, với các nội dung, mảng đề tài tuyên truyền cơ bản và nổi bật, tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác bảo đảm TTATGT.
Phản ánh tiến độ, vướng mắc trong triển khai các công trình giao thông trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 Hà Nội...
Đài THVN cũng sản xuất tin tức bám sát các đợt cao điểm tuyên truyền quan trọng như: Cao điểm kiểm tra, xử lý lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn, lái xe sử dụng ma túy; Cao điểm kiểm tra, xử phạt xe vi phạm chở quá tải, gây mất ATGT; Cao điểm thực hiện tuyên truyền công tác ứng dụng khoa học công nghệ, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính về thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến, phạt nguội; Công tác đảm bảo ATGT trên các tuyến cao tốc...
Những nội dung tuyên truyền được Đài THVN truyền tải thông qua các tin, bài trong các bản tin thời sự, chương trình truyền hình trực tiếp, đến các chuyên mục chuyên sâu về TTATGT hoặc lồng ghép trong các tiểu phẩm, chương trình trên hầu hết các kênh truyền hình của Đài THVN. Bên cạnh đó, nhiều nội dung còn được phát trên các kênh truyền thông trực tuyến, đăng tải lại trên Thời báo VTV, các website, ứng dụng VTVgo, hệ thống các trang kênh mạng xã hội của Đài THVN. Qua đó, giúp tăng lượng khán giả tiếp cận thông tin, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền.
Đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Đài THVN trong truyền thông về lĩnh vực GTVT, ATGT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, hai năm 2022-2023, Bộ GTVT đã có nhiều dấu ấn trên tất cả các lĩnh vực từ xây dựng thể chế như: Hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Giao thông đường bộ để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7 tới; Tổng kết và đề nghị sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Đường sắt; Tổng kết, rà soát việc thực thi Luật Giao thông đường thủy nội địa và Bộ luật Hàng hải Việt Nam... Cùng đó là tăng cường phân cấp, phân quyền ở các lĩnh vực.
Về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã xây dựng và hoàn thành nhanh 5 quy hoạch ngành quốc gia và có sự liên kết với nhau. Quy hoạch cảng biển là quy hoạch trung tâm, từ đó kết nối đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ, hàng không. Giải ngân đầu tư công cũng đạt cao, nếu năm 2022 thực hiện 55.000 tỷ, thì năm 2023 thực hiện hơn 94.000 tỷ. Các công trình, dự án ở các lĩnh vực được triển khai tương đối tốt.
Trong hai năm 2024-2025 tới, theo Bộ trưởng Thắng, Bộ GTVT còn rất nhiều việc phải hoàn thành, trong đó có các dự án đang triển khai, sắp hoàn thành, các dự án sắp khởi công trên các lĩnh vực. Trong hai năm, Bộ GTVT phải giải ngân khoảng 150.000 tỷ. Cùng đó, chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quan trọng, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được nêu tại Kết luận 49 của Bộ Chính trị.
"Tôi mong muốn Đài THVN với vai trò là một trong các cơ quan truyền thông chủ lực của Chính phủ, sẽ tích cực hỗ trợ Bộ GTVT truyền thông về các nhiệm vụ quan trọng này", Bộ trưởng Thắng nói, đồng thời đề nghị Đài THVN hỗ trợ truyền thông về truyền thống ngành GTVT Việt Nam hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập (28/8/1945-28/8/2025).
Phía Đài THVN, Tổng giám đốc Lê Ngọc Quang khẳng định thống nhất với định hướng nội dung sẽ hợp tác truyền thông giữa hai cơ quan đồng thời đề nghị hai bên cần có đầu mối để xây dựng kế hoạch truyền thông có trọng tâm, trọng điểm trong từng năm.
"Chỉ còn khoảng hơn 1/3 thời gian nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhưng là giai đoạn rất quan trọng, giai đoạn tăng tốc và về đích. Riêng với lĩnh vực GTVT, khối lượng công việc mà Bộ GTVT phải đảm trách thực hiện rất lớn. Trong ba đột phá chiến lược nêu ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có hai nội dung Bộ GTVT tham gia rất tích cực là đột phá về thể chế, cơ chế và đột phá chiến lược về kết cấu hạ hầng. Hạ tầng giao thông đã đạt được kết quả nổi bật từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Vì vậy, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, vẫn cần tập trung truyền thông về thực hiện hai đột phá chiến lược này. Đặc biệt cần tập trung hiệu quả truyền thông chính sách, trong đó có truyền thông về chính sách đầu tư các dự án đường sắt quan trọng, gồm đường sắt tốc độ cao. Cùng đó, tiếp tục tuyên truyền về công tác đảm bảo ATGT, tuy nhiên cần có cách thức mới, sao cho đạt được hiệu quả, có sự lan tỏa cao hơn", ông Lê Ngọc Quang nói.
Truyền thông kịp thời, chính xác, toàn diện các lĩnh vực GTVT
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và Tổng giám đốc Đài THVN Lê Ngọc Quang đã đại diện hai cơ quan ký Chương trình hợp tác truyền thông giữa Bộ GTVT và Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) giai đoạn 2024-2025.
Theo đó, hai bên thống nhất phối hợp thông tin truyền thông kịp thời, chính xác và đầy đủ toàn diện về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Quốc hội, Chính phủ trong lĩnh vực GTVT, đặc biệt trong nhiệm vụ thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng giao thông; Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Bộ GTVT trong giai đoạn 2021-2025.
Truyền thông công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó tập trung đẩy mạnh tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về GTVT theo kế hoạch hàng năm của Bộ GTVT; Quá trình xây dựng và triển khai Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không và chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam...; các cơ chế chính sách có ảnh hưởng, tác động lớn tới người dân và doanh nghiệp.
Cùng đó là các nội dung: Công tác tổ chức thực hiện, tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT; Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới 2045.
Việc triển khai thực hiện 5 quy hoạch quốc gia ngành GTVT; Kế hoạch, lộ trình thực hiện các quy hoạch và triển khai lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và Tổng giám đốc Đài THVN Lê Ngọc Quang trao quà kỷ niệm giữa hai cơ quan (Ảnh: Tạ Hải).
Việc giải quyết các vướng mắc, bất cập liên quan đến các dự án đầu tư theo phương thức PPP; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút hiệu quả nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Quá trình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia ngành GTVT trên phạm vi cả nước, đặc biệt là Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; Các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Công tác thực hiện đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống trạm dừng nghỉ, hệ thống thu phí không dừng...
Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực GTVT; Công tác cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp... Công tác thanh tra, kiểm tra; Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của ngành GTVT. Các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực GTVT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận