Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể |
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, cả 5 tổng công ty chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đều có bề dày lịch sử, khối lượng công việc rất nhiều. Chắc chắn chỉ trong một thời gian ngắn, với 1 - 2 cuộc họp sẽ không thể giải quyết hết các vấn đề được.
“Các vấn đề chồng chéo, những khó khăn cần giải quyết nhiều, nếu liệt kê không bao giờ đủ. Đặc biệt, trong 5 TCT chuyển giao, các vấn đề của TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), TCT Đường sắt VN (VR) và TCT Cảng hàng không VN (ACV) rất phức tạp. Tuy nhiên, không ai hiểu những khó khăn của mình bằng chính bản thân mình. Vì vậy, các TCT cần liệt kê công việc còn vướng mắc liên quan đến Bộ GTVT, Bộ sẽ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để giải quyết”, Bộ trưởng nói và khẳng định, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban, hỗ trợ tối đa cho 5 TCT trong phạm vi quyền hạn.
Trước đó, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT Lê Thị Thu Hương nêu danh mục công việc cần tiếp tục giải quyết sau chuyển giao của 5 TCT. Trong đó, với TCT Hàng hải VN (Vinalines) là những vấn đề liên quan đến cổ phần hóa, bàn giao tài sản công nợ loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, xử lý tài chính trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành CTCP; Bàn giao dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong cho Cục Hàng hải VN…
Với TCT Đường sắt VN (VR), theo bà Hương là vấn đề thoái vốn của TCT tại các DN khác, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch 5 năm của TCT, Đề án tái cơ cấu lại TCT Đường sắt VN; Điều chỉnh danh mục đầu tư các dự án nhóm A, B giai đoạn 2016 - 2020…
Liên quan đến VEC là vấn đề điều chỉnh vốn điều lệ; Tái cơ cấu tài chính 5 dự án được giao làm chủ đầu tư; sáp nhập Cửu Long CIPM; Đăng ký kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019; Chuyển giao cấp quyết định đầu tư các dự án.
Các phần việc liên quan đến TCT Cảng hàng không VN (ACV) cũng rất nhiều, bao gồm quyết toán vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành CTCP; Thành lập Công ty An ninh hàng không; Thoái vốn tại một số công ty; Thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán…
Những vấn đề khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động của ACV được bà Hương liệt kê bao gồm: Đề án quản lý, khai thác tài sản khu bay không cổ phần hóa; Các dự án khu bay cấp bách tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất; Niêm yết cổ phiếu của ACV trên HOSE; Quyền doanh nghiệp cảng hàng không trong đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không theo định hướng, kế hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không của Thủ tướng Chính phủ…
Việc bàn giao TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines) về “siêu” Ủy ban được đánh giá không khó khăn do đó phần việc giải quyết không nhiều, chỉ liên quan đến thủ tục tăng vốn điều lệ; chủ trương cho phép Vietnam Airlines đầu tư vào Jetstar Pacific…
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định, ngoại trừ TCT Hàng không VN, TCT Hàng hải VN, những vấn đề liên quan 3 TCT còn lại là VR, ACV và VEC rất phức tạp do các TCT này đều đang kinh doanh trên hạ tầng của Nhà nước. Trong khi đó, theo luật chuyên ngành thì Bộ GTVT quản lý.
Đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh khẳng định thống nhất quan điểm bàn giao nguyên trạng, sau đó Uỷ ban và Bộ GTVT sẽ cùng phối hợp xử lý các vấn đề, bao gồm cả khó khăn và thuận lợi. “Trong quá trình làm vướng đâu đề xuất đó, vướng đâu sửa đó”, ông Hoàng Anh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận