Xử lý dứt điểm vi phạm, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
Ngày 28/7, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định” trên địa bàn sau phản ánh của Báo Giao thông qua loạt bài "Hàng nghìn xe khách bỏ bến đi đâu?".
Xe khách Trần Anh bỏ bến ngang nhiên dừng đỗ giữa đường Phạm Văn Đồng đón khách từ văn phòng lên xe chở về Nghệ An, Hà Tĩnh được phản ánh trong loạt bài "Hàng nghìn xe khách bỏ bến đi đâu?" của Báo Giao thông.
Ngày 18/11/2022, Bộ đã có văn bản gửi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần vào cuộc quyết liệt và chỉ đạo kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc và xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn địa phương.
Các tỉnh, thành phố đã phối hợp, chỉ đạo lực lượng chức năng và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố tình trạng xe kinh doanh có phù hiệu xe hợp đồng, có biển hiệu xe du lịch vi phạm, hoạt động như tuyến cố định ("xe dù, bến cóc") chưa thuyên giảm, có nơi còn có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố kết nối với Hà Nội và TP.HCM (Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu...).
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm trên, tạo môi trường kinh doanh vận tải hành khách cạnh tranh lành mạnh, công bằng, đúng quy định của pháp luật, Bộ GTVT đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá kết quả thực hiện của các Sở GTVT đối với các giải pháp đã nêu tại Văn bản số 12089 18/11/2022 của Bộ GTVT; nêu rõ các tồn tại chưa thực hiện được và các giải pháp để khắc phục; báo cáo UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT trước ngày 15/8/2023.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cấp phường, huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) trong việc thực hiện quy định về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đối với các văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm trên địa bàn.
Tập trung kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô tại Hà Nội, TP.HCM
Limousine Tràng An mang biển hiệu xe du lịch nhưng trá hình tuyến cố định chở khách Hà Nội - Ninh Bình.
Sở GTVT có trách nhiệm tổ chức kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô trong việc thực hiện quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó tập trung kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô có: Văn phòng đại diện của đơn vị vận tải đặt tại TP Hà Nội, TP.HCM hoặc phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô hoạt động thường xuyên và hàng ngày kết nối với địa bàn thuộc TP Hà Nội, TP.HCM (xác định qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô). Hoàn thành việc kiểm tra trong tháng 10/2023; báo cáo UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT trước ngày 15/11/2023.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, các quy định của pháp luật có liên quan khác đến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, các đơn vị kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh, thành phố, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Phía Cục Đường bộ VN, Bộ GTVT yêu cầu phối hợp với các Sở GTVT đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô; hoàn thiện các phần mềm quản lý vận tải; kết nối, chia sẻ thông tin theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, qua đó tăng cường công tác phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Vụ Vận tải - Bộ GTVT có trách nhiệm đôn đốc thực hiện, tổng hợp kết quả báo cáo của các Sở GTVT, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 01/12/2023.
Trong loạt bài “Hàng nghìn xe bỏ bến đi đâu?” Báo Giao thông có bài phản ánh: “Bến xe đầu tiên đạt chuẩn loại 1 thành kho bãi phế liệu” phản ánh tình trạng bến xe phía Bắc (Hải Phòng) hơn 10 năm qua trở thành nơi tập kết phế liệu, không có xe ra, vào.
Sau bài báo, Sở GTVT Hải Phòng đã có công Văn số 2746 11/07/2023 về việc kiểm tra thông tin báo chí phản ánh tình trạng tại bến xe. Theo văn bản hồi đáp của bến xe phía Bắc Hải Phòng: Hiện, bến chỉ còn đúng một tuyến xe đi Điện Biên của Công ty TNHH du lịch và vận tải Long Giang với tần suất 30 chuyến/1 tháng với hai đầu xe chạy. Hàng ngày ban quản lý bến xe vẫn ký lệnh vận chuyển xuất bến cho xe chạy, việc bán vé, nhà xe tự bán vé cho hành khách bến xe không nhận ủy thác.
Do bến không có khách và do tiến độ thi công cải tạo quốc lộ 10 cần đẩy nhanh tiến độ nên bến xe đã cho Ban quản lý dự án để tạm một số thiết bị dụng cụ phục vụ thi công trong sân bến cho an toàn. Hiện tại, ban quản lý bến xe đã yêu cầu di chuyển toàn bộ thiết bị thi công ra khỏi sân và đã tổng vệ sinh sạch sẽ sân bến, trả lại nguyên trạng bến xe như đã được công bố.
Trao đổi với đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Úc - đơn vị chủ quản của bến xe phía Bắc cho biết: Doanh nghiệp đang nỗ lực và mong muốn bến xe hoạt động nhộn nhịp hơn, đúng như với kì vọng ban đầu. Tuy nhiên, tình trạng "xe dù, bến cóc" đang hoạt động lấn át các nhà xe hoạt động truyền thống. Bến đang bị thua lỗ nghiêm trọng.
Việt Hòa (ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận