Vận tải

Hàng nghìn xe khách bỏ bến đi đâu?

11/07/2023, 06:02

Tại nhiều bến xe ở các tỉnh, thành phố lớn, lượng xe vào bến sụt giảm. Hàng nghìn chuyến xe khách liên tỉnh vốn hoạt động ở bến nay "biến mất".

Theo điều tra của nhóm PV Báo Giao thông, thực chất các xe này ra ngoài chạy dù, đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính vào cảnh lao đao, khiến Nhà nước thất thu thuế phí rất lớn.

Kỳ 1: Ồ ạt ra ngoài chạy dù

img

Xe khách Trần Anh (tuyến Hà Nội - Nghệ An) bỏ bến, ngang nhiên dừng đỗ giữa đường Phạm Văn Đồng đón khách từ văn phòng lên xe (ảnh chụp tối 24/6). Ảnh: PV

Nhiều xe bị cắt lốt, đình chỉ hoặc tự bỏ bến ra ngoài hoạt động, thu tiền vô tội vạ của hành khách.

Đồng loạt bỏ bến ra ngoài hoạt động

Từ đầu năm đến nay, Sở GTVT TP Hải Phòng đã đình chỉ khai thác tuyến cố định đối với 4 doanh nghiệp, tương ứng với gần 30 lốt xe. Nguyên nhân do các doanh nghiệp này đăng ký tại các bến nhưng không hoạt động 60 ngày liên tục.

Câu hỏi được đặt ra là những chiếc xe bị đình chỉ khai thác có thực sự dừng hoạt động hay không?

Những ngày đầu tháng 7, trong vai khách tìm xe đi Móng Cái (Quảng Ninh), PV Báo Giao thông có mặt ở khu vực xung quanh bến xe Thượng Lý và ghi nhận, xe của các doanh nghiệp đã bị đình chỉ, tước phù hiệu như: 14B-037.79, 15B-033.96, 15B-044.96… nhưng vẫn đón trả khách như bình thường (biển số xe do bến cung cấp).

Các xe nối đuôi nhau bắt khách từ sáng đến tối, tần suất 20-30 phút, sau khi xe này xuất phát đi Quảng Ninh - Móng Cái lại có xe khác tiếp tục đỗ chờ đón khách.

Nhiều đối tượng vào tận trong bến chèo kéo khách ra ngoài các điểm tập kết để bắt xe dù hoặc các nhà xe hoạt động không đúng tuyến. Chúng tôi đã nhiều lần phát hiện và ngăn chặn nhưng thực sự bất lực, không thể kiểm soát nổi nếu các điểm đón khách như trên vẫn còn tồn tại ngoài cửa bến.

Ông Lưu Thành Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kim khí - đơn vị chủ quản của bến xe Thượng Lý


Chiều 2/7, tại khu vực bên ngoài bến xe Thượng Lý, PV đã bắt gặp xe khách BKS 15B -033.96 hoạt động tại khu vực này.

Chiếc xe được Công ty CP Vận tải Thủy Nguyên đăng kí chạy tuyến Hải Phòng - Móng Cái và ngược lại. Do không hoạt động 60 ngày liên tục, chiếc xe đã bị tước phù hiệu từ đầu năm 2023.

Sau khi PV lên xe, phụ xe thu 400 nghìn đồng cho một khách từ Hải Phòng đi Móng Cái, nếu đi đến TP Hạ Long hoặc Bãi Cháy thì phí thu là 150 nghìn đồng và không đưa vé cho khách.

Khi PV yêu cầu lấy vé, lái xe trả lời “quên không mang”, hẹn ngày hôm sau sẽ có. Tuy nhiên, sau nhiều lần điện thoại, PV vẫn không lấy được vé.

Trong suốt quãng đường từ Hải Phòng đi Quảng Ninh, chiếc xe dừng tại nhiều điểm để chèo kéo khách, trả hàng ký gửi. Suốt hành trình khoảng 50km tới điểm dừng chân tại khu vực gần bến xe Bãi Cháy, xe gom được 6 khách.

Đại diện ban quản lý bến xe khách Thượng Lý cho biết, kể từ sau đợt dịch Covid-19, không còn một đầu xe nào đăng kí chạy tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái hoạt động tại bến, trong khi trước dịch, có khoảng 20 đầu xe.

Trong khi đó, hành khách dễ dàng đi tuyến này bởi các xe hoạt động với tần suất dày đặc bên ngoài bến.

Theo Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, trong tổng số hơn 400 xe khách đăng ký tại Hải Phòng, hiện tại chỉ có khoảng 50-60% số xe đang hoạt động, số còn lại không biết đi đâu.

Tại Hà Nội, đại diện bến xe Giáp Bát cho hay, hiện bến có khoảng gần 100 lốt xe của hàng chục doanh nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động với tỷ lệ rất thấp, chỉ từ 10-30%.

Phần lớn bỏ lốt thuộc các tuyến Thanh Hóa, Ninh Bình và Nam Định. Đơn cử, trước đây Công ty CP ô tô Ninh Bình có gần trăm chuyến hoạt động, nay chỉ còn 20%. Hay Công ty CP Du lịch thương mại và đầu tư Thiên Trường, đăng ký tuyến đi Ninh Bình nhưng bỏ không hoạt động.

Tại bến xe Nước Ngầm, ông Trịnh Hoài Lam, Phó giám đốc bến cũng thông tin, tình trạng xe bỏ bến xảy ra từ năm 2018 đến nay. Hiện, bến có gần 200 lốt xe bỏ bến, chưa kể một số lốt có tần suất hoạt động thấp.

Trong khi đó, tại bến xe lớn khác của Hà Nội là Mỹ Đình, ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe cho biết, từ nhiều tháng nay có hàng chục nhà xe bỏ bến.

Các nhà xe hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ hoặc bỏ bến đều đưa ra lý do xe hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn… Tuy nhiên, thực tế, không ít nhà xe bỏ bến lén lút ra ngoài đón trả khách.

Hiện TP.HCM có 5 bến xe khách liên tỉnh (miền Đông, miền Tây, An Sương, Ngã tư ga và miền Đông mới) với 767 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đi và đến 57 tỉnh, thành.

TP.HCM cũng có 58 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh với 1.579 phương tiện; có 1.351 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch với 90.835 phương tiện.

Sau khi chuyển thêm 79 tuyến xe khách từ bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) ra bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức), tình trạng xe khách đón trả khách không đúng quy định có chiều hướng gia tăng ở quận 1, Bình Thạnh và TP Thủ Đức.

Thống kê của bến xe miền Đông mới, có gần 300 chuyến xe không hoạt động mà ra ngoài đón khách theo kiểu xe dù. Tại đây, hiện chỉ còn 50 đơn vị hoạt động (đạt 47%) so với thời điểm trước khi di dời là 106 đơn vị.

Ngành chức năng đã xác định được trong số 300 xe bỏ bến không vào bến xe miền Đông mới, có 140 xe hiện đang đón khách ở bãi xe số 397 Đinh Bộ Lĩnh, đối diện bến xe miền Đông cũ, đường Điện Biên Phủ gần cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh), nhiều cây xăng trên QL13, QL1…

Thu tiền vô tội vạ

img

Tờ giấy ghi sơ đồ chuyến xe của nhà xe Trần Anh ghi chi chít số điện thoại hành khách cùng giá tiền và được đóng dấu Đã thu tiền cẩn thận.

Liên tiếp trong 3 ngày 5-7/7, PV ghi nhận các xe khách BKS 19N-5795, 19B-003.44, 19B-008.04, 19N-2585 của nhà xe Thủy Chính chuyên tuyến Hà Nội - thị xã Phú Thọ xuất hiện dọc tuyến đường Phạm Hùng, gần bến xe Mỹ Đình để bắt khách.

Để đề phòng lực lượng chức năng, tài xế ngồi sẵn ở vô lăng còn phụ xe được phân công đứng dưới lòng đường phía đuôi xe, vừa đón khách vừa ngó nghiêng.

Khi thấy bóng dáng của xe tuần tra của TTGT, phụ xe chạy vội lên xe thông báo cho tài xế lập tức lăn bánh, di chuyển rùa bò trên đường để tránh né.

Ngày 7/7, trong vai hành khách, PV trực tiếp “mục sở thị” hành trình của chiếc xe phù hiệu tuyến cố định nhưng bỏ bến để chạy dù bắt khách của nhà xe Thủy Chính. 10h10, PV có mặt tại bến xe Mỹ Đình, trong suốt khoảng thời gian từ 10h10 - 10h24, tại bến cũng như ở vị trí ô số 23 dành cho các xe tuyến Phú Thọ đỗ đón khách, không có bóng dáng chiếc xe nào thuộc nhà xe này. Trong khi đó, theo lịch, xe khách BKS 19N-2585 sẽ mở “phơi” xuất bến lúc 10h20.

Liên hệ với số điện thoại của nhà xe Thủy Chính lúc 10h20, nhân viên nhà xe cho biết, xe đang chạy trên đường Phạm Hùng, khách muốn về Phú Thọ có thể đợi bên đường đối diện cổng bến chờ. Sau đó, xe này gom được 11 khách, di chuyển về thị xã Phú Thọ. Khi đến cầu Thăng Long, phụ xe thu tiền tươi, đồng giá 70.000 đồng/khách.

Thực tế, theo quan sát của PV, tại bảng niêm yết giá vé bên ngoài cửa xe, lộ trình từ bến xe Mỹ Đình - bến xe thị xã Phú Thọ chỉ 50.000 đồng/người, tức nhà xe này đã tự ý tăng giá vé và thậm chí không đưa vé cho bất kỳ hành khách nào.

Như vậy, cả chuyến đi từ Hà Nội về thị xã Phú Thọ, tài xế thu tiền tươi của tổng cộng 20 hành khách, cộng với cước chuyển hàng (trung bình giá cước 50.000 đồng/gói) là 1,7 triệu đồng.

Do không xuất vé, không xuất hóa đơn cho khách, kể cả dịch vụ vận chuyển hàng hóa, nên nhà xe không hạch toán doanh thu. Vì thế, họ không phải nộp thuế VAT 10% (hiện giảm còn 8%), không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tính ra mỗi chuyến xe, nhà xe trốn được hàng trăm nghìn đồng tiền thuế. Với hàng chục lốt xe, số tiền này sẽ rất lớn.

Trước đó, khoảng 21h40 ngày 24/6, trong vai hành khách có nhu cầu từ Hà Nội về Nghệ An, PV có mặt tại văn phòng nhà xe Trần Anh (số 12 đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội), chiếc xe giường nằm BKS 29B-600.06 đang đỗ giữa đường để xếp khách lên xe.

Phía trong văn phòng, một người đàn ông trực tiếp thu tiền vé PV và các hành khách khác với giá 250.000 đồng/người đối với xe giường nằm kiểu thường và 400.000 đồng/người đối với xe giường cabin.

img

Thay vì vé, nhân viên nhà xe Trần Anh đưa cho hành khách phiếu nhận hàng ghi chi tiết ghế nằm, giá tiền.

Sau khi thanh toán, thay vì vé xe, PV được đưa cho một tờ phiếu nhận hàng ghi rõ tên nhà xe, địa chỉ văn phòng, số điện thoại nhận đặt vé, kèm theo đó là 3 số cuối của biển số xe “883”.21h50 sau khi đón đủ khách, chiếc xe giường nằm kiểu thường BKS 29B-600.06 rời đi theo hướng đường Vành đai 3 để ra khỏi Hà Nội về Nghệ An, ngay lập tức, chiếc xe giường cabin BKS 29B-128.83 đi tới đón PV và 20 hành khách khác lên xe. 22h20, xe này rời văn phòng đón một khách trên đường Nguyễn Xiển và chạy thẳng về bến xe Nước Ngầm, dừng tại đây chừng 5 phút đón thêm 3 khách. Phía kính trước treo biển về Nghệ An hệt như tuyến cố định trong khi mang phù hiệu xe hợp đồng.

Đi phía trước chiếc xe giường nằm này là một chiếc ô tô con màu đen dùng làm “hoa tiêu” cảnh báo khi gặp lực lượng chức năng. Sau ba lần vòng đi vòng lại cổng bến, chiếc xe BKS 29B-128.83 đón thêm 12 hành khách xếp kín các cabin mới chịu chạy về Nghệ An.

Với cách thức tương tự, khoảng 9h40 sáng 25/6, PV được chiếc xe khách Hải Bình BKS 37B-024.98 đón tại ngã tư thị trấn Diễn Châu, phía trước kính lái đặt biển “Hà Nội - Bắc Ninh” như tuyến cố định dù mang phù hiệu xe hợp đồng.

Đáng chú ý, để gom được nhiều khách tuyến huyện, thay vì chạy cao tốc đi Hà Nội, tài xế cho xe men theo QL1A và liên tục dừng đón, trả khách dọc đường. Khi đến TP Thanh Hóa, phụ xe Hải Bình trực tiếp thu tiền tươi của khách với giá 200 nghìn đồng/người về Hà Nội và 300 nghìn đồng/người về Bắc Ninh.

Theo đại diện bến xe Nước Ngầm, từ đầu năm 2023, nhà xe Trần Anh và Hải Bình đã tự chấm dứt hợp đồng hoạt động tại bến và lập văn phòng phía ngoài đường Trần Thủ Độ, Ngọc Hồi cách bến vài trăm mét, đổi phù hiệu xe hợp đồng cho các xe tuyến cố định trước đây nhưng lại gom khách chạy tuyến cố định.

Xe không vào bến vẫn có lệnh xuất bến

img

Xe khách nhà xe Thuỷ Chính đỗ trước của bến xe thị xã Phú Thọ để đón khách thay vì vào bến nhưng ngạc nhiên là vẫn có lệnh xuất bến.

Đáng chú ý, không chỉ bỏ bến Mỹ Đình thời điểm xuất bến, chiếc xe BKS 19N-2685 khi trả khách về đến cổng bến xe thị xã Phú Thọ cũng không vào bến mà chạy đi trả hàng và quay lại đỗ ở cổng bến này, ngay phía sau xe BKS 19B-005.12 của cùng nhà xe Thủy Chính đang chờ đón khách đi Hà Nội lúc 14h.

Để tránh sự nghi ngờ của tài xế, phụ xe, PV ngay lập tức thay bộ đồ mới, cải trang thành một hành khách khác để lên xe BKS 19B-005.12 về Hà Nội. Ghi nhận của PV, trước khi xuất bến, xe BKS 19B-005.12 không đỗ trong bến, tài xế, phụ xe cũng không vào khu vực đóng lệnh xuất bến bởi lúc này, phía trong vắng lặng như tờ.

Tương tự như xe BKS 19N-2685 lúc PV di chuyển từ Hà Nội về thị xã Phú Thọ, ở chiều ngược lại, xe BKS 19B-005.12 cũng liên tục dừng đón/trả khách, giao/nhận hàng trên đường.

Phụ xe cũng trực tiếp thu tiền 70.000 đồng/hành khách với lộ trình từ Phú Thọ - Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) hoặc Hà Nội.

Khi về tới Hà Nội, nhận tin báo từ đồng nghiệp về việc lực lượng TTGT, CSGT đang tuần tra gắt gao, phụ xe lập tức chỉ tài xế cho xe vào bến để trả khách.

Ngạc nhiên là, dù không vào bến thị xã Phú Thọ thời điểm xuất bến, xe khách này vẫn có lệnh xuất bến từ đây để xuất trình khi vào bến xe Mỹ Đình.

Đáng chú ý, theo Công ty CP Bến xe Hà Nội, các xe khách của nhà xe Thủy Chính mà PV ghi nhận đều có đầy đủ lệnh xuất bến của bến xe Mỹ Đình dù thời điểm xuất bến trên lệnh mở “phơi”, xe không hề có ở bến mà đang gom khách dọc đường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.